✴️ "Ăn mày quá khứ" - Tại sao chúng ta lại có cảm giác đó?

Nội dung

Não bộ có cơ chế nhắc lại những cảm xúc tốt đẹp trong quá khứ

Chắc chắn quá khứ của mỗi người đều đan xen những kỷ niệm đẹp và những ký ức tồi tệ. Nhưng các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng ký ức gắn liền với những cảm xúc tiêu cực sẽ phai mờ đi nhanh hơn ký ức tốt đẹp, hay còn gọi là sự hồi tưởng lạc quan (rosy retrospection).

Theo một nghiên cứu của Robert I. Sutton - Giáo sư về hành vi tổ chức, những người đến Disneyland phần lớn đều có nhận xét tích cực sau chuyến thăm quan của họ thay vì nhắc đến những lời phàn nàn mà chính họ đã nói trong chuyến đi.

Do bản chất của chúng ta là luôn sống cùng quá khứ, nên cơ chế tự vệ của não bộ sẽ giúp chúng ta ít gợi lại những ký ức đau buồn. Thay vào đó, những kỷ niệm vui sẽ được ưu ái hơn bởi suy nghĩ tích cực khiến cơ thể tiết ra dopamine, serotonin và endorphins - những hormone khiến bạn thấy hài lòng và bình tâm. Vì lẽ đó mà chúng ta hay có khuynh hướng nghĩ về tuổi thơ với những hồi ức đẹp.

 

Nghĩ về quá khứ sẽ giúp bạn cảm thấy an toàn và thoải mái hơn

Chúng ta luôn tìm kiếm sự đảm bảo và chắc chắn trong cuộc sống, như một công việc ổn định hay một tình yêu bền vững. Điều đó giúp chúng ta giữ tinh thần lạc quan, không lo lắng và sợ hãi về những điều bất định. Hầu hết chúng ta đều muốn sống trong vùng an toàn (comfort zone) và sợ phải đối mặt với những thay đổi lớn.

Nhưng tương lai chẳng thể đảm bảo cho bạn 100% về sự an toàn đó. Vậy nên việc nghĩ về những điều tốt đẹp đã xảy ra trong quá khứ luôn làm bạn cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn so với sự lo lắng về tương lai không chắc chắn.

Đôi khi đó còn là cách để bạn trốn chạy khỏi hiện tại, khỏi những deadline ngổn ngang của công việc, khỏi những kỳ vọng của gia đình, áp lực ngoài xã hội, hay những vấn đề mà bạn không muốn đối diện.

 

Càng nhiều trải nghiệm, bạn càng khó phấn khích như trong quá khứ

Lần đầu tiên luôn là một cột mốc khó phai mờ. Điều đó dẫn đến việc bạn dùng nó để tham chiếu cho những trải nghiệm về sau. Đây là một dạng thiên kiến được gọi là “hiệu ứng mỏ neo” (anchoring effect).

Nó cũng giống như việc bạn không tìm lại được cảm giác phấn khích như lần đầu chơi tàu lượn, bởi vì não đã quen với trải nghiệm đó rồi.

Ngoài ra theo nhà tâm lý học Joseph Bordelon, tuổi vị thành niên là thời gian mà ký ức và khả năng nhận thức của chúng ta được ghi nhớ nhiều nhất. Ký ức ở giai đoạn này liên quan đến nội tiết tố (hormones) và quá trình phát triển hệ thần kinh để hình hành bản sắc cá nhân (personcal identity). Đó là lý do mà mối tình đầu của chúng ta thường khó quên hơn.

Tuy nhiên, khi lượng hormone giảm dần theo thời gian cũng như bản thể đã trở nên ổn định, các trải nghiệm không còn để lại dấu ấn mạnh mẽ trên vùng não cảm giác của bạn nữa.

 

Kết

Không có gì nghiêm trọng khi bạn muốn nghĩ đến những kỷ niệm tốt đẹp trong quá khứ. Nó có tác dụng làm tinh thần bạn lạc quan, thoải mái hơn, và hi vọng vào một tương lai cũng tốt đẹp như bạn đã từng trải qua. Chỉ có điều, đừng quên trân trọng giây phút hiện tại, vì đó thực sự là giây phút bạn đang trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top