✴️ Chấn thương cổ chân bao gồm những dạng nào?

Tổn thương khớp cổ chân có thể xảy ra do những chấn thương nào?

Cổ chân hay mắt cá chân được tạo thành từ ba xương, bao gồm xương chày, xương mác của cẳng chân và xương sên của bàn chân. Các xương được gắn kết với nhau tại khớp cổ chân bằng các dây chằng. Trên xương có các điểm bám gân giúp cơ bám vào xương để hỗ trợ cử động của cổ chân và bàn chân, đồng thời giúp giữ sự ổn định của các khớp. Khi các mô ở xương, dây chằng hoặc gân bị tổn thương, chúng có thể gây sưng đau khớp cổ chân [1]

 

Bong gân khớp cổ chân

Bong gân khớp cổ chân hay “lật sơ mi” là thuật ngữ dùng mô tả những tổn thương ở dây chằng quanh khớp cổ chân trong trường hợp chúng bị kéo căng quá mức so với phạm vi chuyển động bình thường [1]. Tình trạng này có thể xảy ra khi bàn chân đột ngột bị lật vào trong hoặc ra ngoài, từ đó khiến khớp cổ chân phải di chuyển khỏi vị trí vốn có của nó [2]. Bong gân khớp cổ chân gặp phải ở khoảng 1/10.000 người mỗi ngày, chiếm 1/4 tổng số các chấn thương thể thao. Bạn có thể cảm thấy [3]:

  • Đau khu trú ở một bên mắt cá chân
  • Mất ổn định khớp, cứng khớp, sưng khớp. Các tình trạng này có khả năng xảy ra cao hơn sau khi sụn bị tổn thương.

Bong gân tái phát có thể gây thêm các tổn thương mới và làm tăng nguy cơ dẫn đến thoái hóa khớp lâu dài [3].

Gãy xương ở khớp cổ chân

Như đã đề cập ở trên, trật cổ chân khiến các cơ và mô mềm quanh khớp bị tổn thương, từ đó dẫn đến bong gân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chấn thương nghiêm trọng, một hoặc nhiều xương ở cổ chân có thể bị gãy. Nếu gãy xương cổ chân, dây chằng thường bị rách và sụn cũng bị tổn thương. Mức độ nghiêm trọng của chỗ gãy xương có thể khác nhau, từ những vết nứt nhỏ trên xương đến tình trạng xương gãy hở đâm xuyên qua da. Nếu bị gãy xương cổ chân, bạn có thể gặp một số triệu chứng sau:

  • Đau nhói ngay lập tức, sưng tấy, bầm tím và cứng khớp cổ chân
  • Khó di chuyển cổ chân ngay cả trong phạm vi chuyển động bình thường của chúng
  • Không có khả năng đứng trụ trên cổ chân bị thương. Tuy nhiên, nếu bạn có thể đứng trụ, tức chịu trọng lực trên cổ chân, điều này cũng không có nghĩa là bạn không bị gãy xương.
  • Nếu bị gãy xương hở, vùng cổ chân có thể biến dạng nghiêm trọng, một phần xương gãy sẽ được nhìn thấy xuyên qua da.

 

Viêm gân

Các chấn thương ở gân có thể gây nên tình trạng viêm gân cấp (tự khỏi trong 2-4 tuần) và mạn tính (kéo dài hơn 6 tuần) [5]. Tình trạng đau do viêm gân có thể trở nên trầm trọng hơn nếu bạn tiếp tục chuyển động các khớp cổ chân [5]. Viêm gân sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các chuyển động của gân (khó di chuyển khớp), khiến nó bị sưng, đôi khi có kèm nóng và đỏ, đồng thời gây cứng và đau khớp cổ chân [6].

 

1. Ankle Injuries: Causes and Treatments https://www.webmd.com/fitness-exercise/guide/ankleinjuries-causes-and-treatments#1

2. Ankle Sprain https://www.healthline.com/health/ankle-sprain 

3. Ankle sprain https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2907605/

4. Muscle Strain https://www.health.harvard.edu/a_to_z/muscle-strain-a-to-z 

5. Understanding Tendinitis — the Basics https://www.webmd.com/fitness-exercise/understandingtendinitis-basics 

6. Tendonitis https://www.nhs.uk/conditions/tendonitis/ 

return to top