✴️ Chỉ số eo hông là gì?

Tỷ số vòng eo/vòng hông (Waist-to-Hip WHR) được tính bằng cách lấy chu vi vòng eo chia cho chu vi vòng hông.

WHR một trong các phép đo mà bác sĩ có thể sử dụng kết hợp với tính toán chỉ số khối cơ thể BMI để ước lượng nguy cơ dinh dưỡng và bệnh tật của bạn. Không giống như chỉ số khối cơ thể BMI được tính toán dựa trên tỷ lệ giữa cân nặng và chiều cao, WHR là tỷ lệ chu vi vòng eo/chu vi vòng hông của bạn. 

Chỉ số WHR được qui ước để cảnh báo những nguy cơ sức khỏe nhất định. Với cùng một chỉ số WHR giống nhau, kết quả nhận định sẽ khác nhau ở mỗi người. Những người có thân hình dạng quả táo (tập trung nhiều mỡ hơn ở khu vực trung tâm cơ thể vùng bụng và mông) có nguy cơ cao bị bệnh tim, tiểu đường type 2 và các bệnh chuyển hóa hơn so với những người thân hình quả lê (tập trung nhiều mỡ hơn ở hông và đùi).

Ngay cả khi chỉ số BMI của bạn bình thường, nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng có thể tăng lên nếu chỉ số WHR vượt quá mức khuyến nghị.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ số WHR khỏe mạnh là:

  • < 0,9 ở nam giới
  • < 0,85 ở nữ giới.
  • Ở cả nam và nữ, WHR từ 1.0 trở lên làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và rối loạn sức khỏe khác có liên quan đến thừa cân.

Cách tính WHR 

Bạn có thể tự đo chỉ số WHR hoặc bác sĩ sẽ kiểm tra cho bạn khi thăm khám. Dưới đây là một vài hướng dẫn để bạn có thể tự tính chỉ số WHR của bản thân.

  • Đứng thẳng và thở ra. Sử dụng thước dây để đo chu vi vòng eo của bạn. Vòng eo được tính là chu vi của phần eo vào nhỏ nhất trên khu vực bụng, nằm ngay trên rốn.
  • Vòng hông được tính bằng cách đo chu vi vùng hông có kích thước lớn nhất.
  • Lấy vòng eo chia cho vòng hông bạn sẽ tính được chỉ số WHR của bản thân mình.

Ưu điểm của WHR

WHR là một phép đo dễ dàng, không tốn kém và có giá trị để đánh giá nguy cơ sức khỏe dựa trên kích thước các vòng cơ thể. WHR cũng có thể giúp dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường.

Một số nghiên cứu cho thấy WHR thậm chí còn chính xác hơn BMI để ước lượng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong sớm (premature death). Một nghiên cứu năm 2015 trên hơn 15.000 người trưởng thành cho thấy rằng tỉ số WHR cao có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong sớm ngay cả ở những người có chỉ số BMI bình thường.

Phương pháp đo này có thể đặc biệt hữu ích trong một số nhóm đối tượng. Ví dụ, WHR có thể cho một ước lượng tình trạng thừa cân tốt hơn ở người lớn tuổi so với chỉ số BMI, vì những thay đổi thành phần cơ thể khi về già.

Lưu ý

Bạn dễ mắc sai sót khi tự thực hiện đo chu vi vòng eo & vòng hông. Sai sót về vị trí đặt thước, tư thế không chuẩn, không thở ra khi đo vòng eo…

Tỉ số WHR cũng cao khi bạn có thêm nhiều cơ bắp ở vùng bụng sau một thời gian luyện tập, WHR cao trong trường hợp này sẽ không có nhiều giá trị ước lượng rủi ro bệnh tật.

Ngoài ra, WHR không được khuyến nghị đo cho trẻ em, những người có chiều cao < 150cm (5 feet) và những người có chỉ số BMI > 35.

Tổng kết

Tính tỉ số eo/hông là một cách nhanh chóng và dễ dàng để kiểm tra trọng lượng dư thừa tập trung ở vùng trung tâm cơ thể của bạn.

Chỉ số này rất hữu ích khi kết hợp cùng với BMI, giúp bác sĩ có thể ước lượng về tình trạng cân nặng và sức khỏe của bạn. Bạn cũng có thể thường xuyên theo dõi chỉ số này để kiểm soát quá trình giảm cân và theo dõi tiến triển một số bệnh lý khác.

 

BS Lâm Vạn Phong - Phó trưởng khoa Dinh dưỡng

return to top