✴️ Hăm tã và viêm da cơ địa khác nhau thế nào?

Nội dung

Trong quá trình chăm sóc bé, các mẹ thường tập trung đến vấn đề giấc ngủ, dinh dưỡng nhưng lại có phần chủ quan trong vấn đề vệ sinh vùng kín cho bé. Rất nhiều trường hợp bé bị viêm đỏ da vùng kín được mẹ ẵm đến vì nghi là con mình bị dị ứng. 

 

???? Hăm tã khác viêm da cơ địa ở chỗ nào?

- Viêm da cơ địa hay hăm tã đều là tình trạng viêm da, nhưng khác biệt ở chỗ, viêm da cơ địa là bệnh liên quan đến cấu trúc bẩm sinh của da bé và có thể liên quan đến yếu tố dị ứng, chỉ xuất hiện ở một số trẻ nhất định. Còn hăm tã là tình trạng viêm do da tiếp xúcvới chất kích thích, như nước tiểu và phân của bé, ngày này qua ngày khác do tã không thấm hút tốt, tã dày làm da của bé bị ẩm, có thể xảy ra ở hầu hết các bé có cùng một tình trạng kéo dài.

- Một đặc điểm quan trọng khác, viêm da cơ địa thường sẽ không xuất hiện ở vùng mặc tã. Do đó, nếu bé chỉ bị viêm da đơn độc ở vùng mặc tã thì chẩn đoán hầu như chắc chắn là hăm tã rồi!

 

???? Lý do gây hăm tã?

Cái tên đã nói lên “nhân tố” quan trọng của hăm tã, chính là…cái tã. Mục đích của việc mặc tã là giúp mẹ xử lý chất bẩn từ việc đi nặng đi nhẹ của con, tránh làm “rơi vãi” ra xung quanh gây mất vệ sinh. Nhưng nó sẽ trở thành vấn đề khi làn da của bé được “ủ” bên dưới lớp tã với nào là nước tiểu, nào là phân, với độ pH khác với làn da và nhiều chất “bẩn” gây kích thích da của bé. Đặc biệt, ở các bé có tình trạng đi phân lỏng nhiều lần, có mùi chua như trong tình trạng bất dung nạp lactose hay đang tiêu chảy nhiễm trùng thì tình trạng hăm lại còn dễ xảy ra và dai dẳng hơn.

 

???? Hăm tã ảnh hưởng như thế nào đến bé?

- Đầu tiên là cảm giác đau rát. Vùng da viêm do hăm sẽ giống như vùng da bị trầy xước hay bị bỏng, khi nó tiếp xúc chất kích thích như nước tiểu và phân, hoặc khi bị căng da, khi bị ma sát thì sẽ rát. Bé bị hăm tã sẽ thường xuyên quấy khóc, đặc biệt là lúc đi vệ sinh, khiến bà mẹ ông bố nào cũng thấy xót xa.

- Ngoài cảm giác đau rát, vùng da viêm sẽ luôn ẩm ướt do dịch viêm tiết ra, và đó cũng là môi trường thuận lợi để cho vi khuẩn, vi nấm phát triển, gây ra tình trạng bội nhiễm. Đến lúc đó phải cần điều trị với thuốc kháng sinh hoặc kháng nấm bôi hay uống tuỳ theo mức độ.

???? Như vậy làm sao để phòng ngừa hăm tã cho bé?

Vì chiếc tã là nhân tố quan trọng, do đó bố mẹ cần chú ý trong việc chọn tã sử dụng cho bé, nhất là tã quần cho các bé trong giai đoạn phát triển, hiếu động hơn: tã cần đáp ứng 2 tiêu chí quan trọng nhất là mỏng nhẹ và thấm hút.

Đặc biệt, hiện nay trên thị trường đã có tã quần Bobby với lõi nén chỉ mỏng 3mm, nhẹ, khi thấm đầy chất lỏng vẫn không gây vón cục và xô lệch giúp trẻ luôn thoải mái vận động. Tã mỏng nhẹ kết hợp với việc gia tăng hạt thấm hút và 3.000 lỗ thấm trên bề mặt nên chất lỏng được thấm nhanh, dàn đều và được khóa hặt bên trong, giúp hạn chế thời gian tiếp xúc giữa làn da của bé với nước tiểu và giúp tã thoáng khí hơn. Ngoài ra, tã còn có phần đệm lưng thấm mồ hôi giúp hạn chế việc hăm ngay cả ở vùng lưng tiếp xúc với tã.

 

???? Nếu con đã lỡ bị viêm da ở vùng mặc tã, bố mẹ phải làm sao?

Hăm tã rất dễ phát hiện vì nó nằm ở ngoài da, chỉ cần mắt thường là bố mẹ có thể nhận ra ngay. Trước khi được bác sĩ thăm khám, bố mẹ có thể xử lý trước ở nhà bằng một số cách đơn giản để bé đỡ đau rát và hạn chế nhiễm trùng:

o Khi bé đi vệ sinh, bố mẹ nên rửa vùng mặc tã bằng nước muối sinh lý ấm để giảm đau rát và thấm khô bằng vải mềm, hạn chế chà xát để tránh tình trạng viêm nặng nề hơn

o Không sử dụng khăn giấy ướt có cồn hay nước rửa có xà phòng, sẽ làm đau rát và viêm da tệ hơn

o Nếu vùng da hăm chảy dịch nhiều và có nguy cơ nhiễm trùng, có thể sử dụng thuốc tím bột (KMNO4) pha loãng với nước (tỉ lệ 1 gram trong 10 lít nước sạch) để rửa vùng kín cho bé trong khoảng 3 phút, 1 lần/ngày là đủ để làm vết thương mau khô và tránh bội nhiễm. Không nên bôi kem dưỡng ẩm trên vùng da đang chảy dịch nhé!

o Khi vùng da hăm đã khô, có thể sử dụng một số kem bôi có chứa kẽm oxide (là chất chống viêm) để bôi vùng da hay tiếp xúc nước tiểu và phân.

o Nếu sau 3 ngày mà tình trạng không đỡ, phải cho bé đi khám bác sĩ ngay nhé!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top