✴️ Bệnh phổi kẽ: tổng quan và cách điều trị

Nội dung

1. Bệnh phổi kẽ là gì?

Bệnh phổi kẽ, hay còn gọi là bệnh nhu mô phổi lan tỏa, phế nang viêm, viêm xơ hóa vô căn phế nang,… là nhóm bệnh chỉ những tổn thương ở tổ chức kẽ của phổi. Các tổ chức bị tổn thương bao gồm: tổ chức kẽ liên phế nang, vách phế nang, mạch máu,… 

Bệnh phổi kẽ là bệnh khó điều trị và gây nhiều tổn thương khó hồi phục

Đối tượng dễ mắc bệnh là nữ giới ở độ tuổi từ 20 - 40 tuổi, nếu không điều trị tốt bệnh dễ tiến triển thành mạn tính, gây xơ phổi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp của cơ thể.

Triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh là tình trạng khó thở, tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng theo mức độ tổn thương của các tổ chức kẽ trong phổi. Triệu chứng bệnh khác thường xuất hiện muộn và không điển hình như: 

  • Ho ra máu.
  • Khó thở khi gắng sức
  • Các triệu chứng ngoài phổi như khó nuốt, viêm khớp.
  • Rối loạn thông khí hạn chế lúc nghỉ và khi gắng sức,...

Ngoài triệu chứng lồng ngực, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng khác như: sưng đau khớp, sụt cân, hạch ngoại vi,… Cần cẩn thận với viêm phổi kẽ cấp tính, triệu chứng bệnh nặng lên nhanh chóng, tiến triển chỉ trong vòng vài giờ đến vài ngày có thể gây suy hô hấp cấp nguy hiểm cho sức khỏe.

Bệnh phổi kẽ có thể nguy hiểm khi tiến triển bệnh nhanh gây biến chứng

Nếu xuất hiện các dấu hiệu bệnh nghi ngờ trên, bạn nên sớm tới cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán. Điều trị sớm sẽ đạt hiệu quả tốt hơn, hạn chế tổn thương nặng và lan tỏa.

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh phổi kẽ

Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bệnh phổi kẽ là do các tác nhân virus, nấm, vi khuẩn. Thông thường, với tổn thương phổi, cơ quan này sẽ tự sản xuất lượng mô lành đủ để bù đắp vào tổn thương. Tuy nhiên, trong bệnh phổi kẽ, các mô tổn thương không được phục hồi bằng mô mới mà có xu hướng sẹo hóa, dày lên. Điều này gây cản trở cho quá trình trao đổi oxy và đưa oxy vào máu.

Các yếu tố kích hoạt bệnh phổi kẽ rất đa dạng, cần tìm ra các yếu tố này để điều trị cũng như phòng ngừa bệnh hiệu quả. Dưới đây là các yếu tố dễ kích thích dẫn tới hồi phục bất thường của bệnh.

2.1. Yếu tố môi trường và đặc thù nghề nghiệp

Những người sống là làm việc lâu dài trong môi trường không đảm bảo an toàn, chứa nhiều chất hữu cơ, vô cơ, bụi bẩn có thể gây hại cho phổi đều có thể dẫn tới bệnh phổi kẽ như:

  • Sợi amiang.
  • Bụi hạt.
  • Bụi than.
  • Lông vật nuôi.
  • Bụi silica.
  • Khuôn từ bồn tắm nước nóng hoặc phòng tắm.

2.2. Thuốc điều trị và bức xạ

Nhiều thuốc điều trị được chức minh gây tác dụng phụ không tốt cho phổi cũng có thể dẫn tới bệnh phổi kẽ như:

  • Thuốc điều trị tim như: Amiodarone, Propranolol.
  • Thuốc hóa trị hoặc thuốc miễn dịch như: Cyclophosphamide, methotrexate,…
  • Thuốc kháng sinh.

Tia bức xạ năng lượng cao được dùng trong điều trị ung thư phổi, ung thư vú hoặc chiếu qua vùng ngực đều có thể gây ra tổn thương mô phổi với mức độ khác nhau. Bệnh phổi kẽ có thể khởi phát sau nhiều năm tiếp xúc với tia bức xạ này, mức độ bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: lượng tia bức xạ tiếp xúc, bệnh lý phổi và bệnh lý nền khác, tình trạng sức khỏe,…

2.3. Bệnh lý khác

Tổn thương phổi có thể liên quan đến các bệnh tự miễn dịch, đây là những bệnh khó điều trị bao gồm:

  • Viêm khớp dạng thấp.
  • Viêm da cơ hoặc viêm sợi cơ.
  • Viêm mạch phổi
  • Viêm mô liên kết hỗn hợp.
  • Xơ cứng bì.
  • Bệnh u hạt.
  • Lupus ban đỏ hệ thống.
  • Bệnh mô liên kết không phân biệt.

Trong bệnh lý tự miễn này, hệ miễn dịch nhầm tưởng tế bào mô phổi kẽ là tác nhân lạ và tấn công chúng gây tổn thương. 

2.4. Đối tượng dễ mắc bệnh phổi kẽ

Người có càng nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc bệnh phổi kẽ càng cao bao gồm:

Yếu tố tuổi tác

Người trưởng thành và lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh phổi kẽ cao hơn so với trẻ nhỏ, song đôi khi vẫn có những bệnh nhân nhi.

Bệnh phổi kẽ thường gặp ở người trưởng thành

Yếu tố nghề nghiệp

Người làm việc trong môi trường xây dựng, khai thác mỏ, nông nghiệp,… dễ tiếp xúc với hóa chất và bụi khí trong môi trường nên có nguy cơ cao mắc bệnh lý phổi nói chung và bệnh phổi kẽ nói riêng cao hơn.

Bệnh sử

Bệnh phổi kẽ có liên quan đến yếu tố di truyền, do đó người trong gia đình có người thân mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.

Hút thuốc

Bệnh phổi kẽ xuất hiện nhiều hơn ở các bệnh nhân hút thuốc lá hoặc có tiền sử hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc. Bệnh nhân nếu tiếp tục duy trì yếu tố nguy cơ này thì bệnh cũng tiến triển nặng hơn.

3. Điều trị bệnh phổi kẽ thế nào?

Điều trị bệnh phổi kẽ cần dựa và từng ca bệnh cụ thể và quá trình bệnh lý của bệnh nhân. Bác sĩ có thể chỉ định bằng phương pháp độc lập hoặc kết hợp nhiều phương pháp như:

3.1. Điều trị bằng thuốc

Dùng thuốc điều trị bệnh phổi kẽ còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống viêm, thuốc chống xơ hoặc thuốc làm chậm quá trình sẹo hóa để kiểm soát bệnh tốt hơn. Lưu ý nhỏ là bệnh nhân không tự ý dùng thuốc điều trị bệnh vì có thể gây phản ứng ngược lại, khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

3.2. Điều trị bằng oxy

Bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ thường bị khó thở, gặp khó khăn trong quá trình hô hấp. Lúc này, bác sĩ có thể gợi ý sử dụng liệu pháp oxy để cải thiện các triệu chứng do khó thở gây ra.

3.3. Phẫu thuật

Với các tổn thương nghiêm trọng và không hồi phục, bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ có thể phải cấy ghép phổi để kéo dài sự sống cũng như nâng cao chất lượng sống. Do nguồn ghép phổi còn hạn chế nên bác sĩ thường thử điều trị bằng các phương pháp khác trước khi quyết định ghép phổi.

Bệnh phổi kẽ có thể gây ra những tổn thương khó hồi phục, ảnh hưởng lớn đến quá trình hô hấp và sức khỏe của người bệnh. Do đó khi có dấu hiệu nghi ngờ, nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Xem thêm: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top