✴️ Lịch uống vitamin A cho trẻ lúc nào?

Cho trẻ uống vitamin A là việc cần thiết giúp phòng tránh nhiều căn bệnh hiệu quả. Thế nhưng, đôi khi, các ông bố bà mẹ lại chưa biết rõ được tầm quan trọng của loại vitamin này với sức khỏe trẻ nhỏ.

Trẻ bao nhiêu tháng uống vitamin A? Theo khuyến nghị của Bộ Y tế Việt Nam, trẻ từ 6 – 36 tháng cần được uống vitamin A liều cao bổ sung 2 lần/năm (đợt 1 vào ngày 1 và 2/6, đợt 2 vào ngày 1 và 2/12 hằng năm) để phòng các bệnh về mắt như mù lòa, quáng gà. Ngoài các đối tượng kể trên thì các bé dưới 6 tháng tuổi không được nuôi bằng sữa mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A đều được uống bổ sung.

Việc cho trẻ uống vitamin A được thực hiện tại trạm y tế phường/xã hoặc các trường học. Phụ huynh cần lưu ý mỗi đợt chỉ uống 1 liều duy nhất, do đó, bạn cần báo cho giáo viên hay nhân viên y tế biết nếu con bạn đã được cho uống 1 liều trong cùng 1 đợt. Ngoài ra, cha mẹ nên lưu ý thêm về thời gian vì lịch hằng năm sẽ có sự thay đổi xê xích thời gian. Hãy theo dõi sát sao để đưa bé đi uống vitamin A đúng thời gian nhé!

 

Bé cần bao nhiêu vitamin A mỗi ngày?

Thực tế lượng vitamin A mà bé cần được tính cho mỗi 6 tháng và liều lượng cụ thể như sau:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ: 50.000 IU (đơn vị quốc tế) mỗi 6 tháng
  • Trẻ từ 6 – 12 tháng: 100.000 IU (đơn vị quốc tế) mỗi 6 tháng
  • Trẻ từ 12 – 36 tháng: 200.000 IU (đơn vị quốc tế) mỗi 6 tháng
  • Trẻ 37 – 60 tháng tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A: 200.000 IU (đơn vị quốc tế) mỗi 6 tháng

Ngoài ra, để phòng thiếu vitamin A cho trẻ sơ sinh, các bà mẹ mới sinh trong vòng 1 tháng sẽ được uống 1 liều 200.000 UI vitamin A.

Ngoài việc cho trẻ uống vitamin A định kỳ 2 lần mỗi năm, cha mẹ nên lưu ý bổ sung loại vitamin này thông qua chế độ ăn cho trẻ. Đối với trẻ nhỏ, mẹ nên cho bé ăn ít nhất 2 -3 loại trái cây giàu vitamin A và rau xanh mỗi ngày, khi chế biến thức ăn luôn bổ sung dầu mỡ (chất béo) để hỗ trợ cơ thể hấp thụ vitamin A tốt hơn.

 

Trẻ uống bao nhiêu vitamin A là quá nhiều?

Theo Hội đồng Thực phẩm và dinh dưỡng của Viện Y học Hoa Kỳ: Trẻ em tuổi từ 1-3 không nên hấp thu nhiều hơn 2.000 IU (600 mcg RAE) mỗi ngày. Trẻ em trong độ tuổi từ 4-8 không nên hấp thu nhiều hơn 3.000 IU (900 mcg RAE).

Do đó, bạn không nên cho con uống vitamin A bổ sung nhiều hơn hàm lượng khuyến cáo mà bé cần.

Việc tích trữ quá nhiều dạng hoạt động của vitamin A trong cơ thể có thể gây buồn nôn, ói mửa, nhức đầu, chóng mặt, nhìn mờ và thiếu sự phối hợp vận động. Ảnh hưởng lâu dài bao gồm loãng xương, bệnh về gan và các rối loạn của hệ thần kinh trung ương.

Vitamin A là một trong những vi chất vô cùng quan trọng nhưng lại thường bị thiếu hụt ở trẻ em sinh sống tại các nước đang phát triển. Vì vậy, cha mẹ nên chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ không để trẻ hấp thu quá nhiều hay quá ít nhằm tránh những tác hại nghiêm trọng.

 

Con bạn có đang hấp thu quá nhiều vitamin A không?

Thông thường, cơ thể có thể chuyển đổi vitamin A từ dạng không hoạt động thành dạng hoạt động để cơ thể sử dụng. Lượng vitamin A dư thừa trong cơ thể thường từ thuốc bổ sung vitamin chứa hàm lượng vitamin A dạng hoạt động cao. Trong một số trường hợp, trẻ cũng có thể nhận được quá nhiều dạng hoạt động của vitamin A từ các nguồn: thực phẩm có nguồn gốc động vật như gan và sữa. Nếu hấp thụ quá nhiều, trẻ có thể bị ngộ độc, nôn ói…

Ngược lại, trẻ hầu như không có nguy cơ bị ngộ độc khi hấp thu các loại sắc tố hữu cơ khác nhau (mà thành phần chính là tiền chất của vitamin A), bao gồm các sắc tố màu cam và màu vàng trong cà rốt, các loại rau và trái cây khác. Khi con bạn nhận vitamin A từ các nguồn thực phẩm có nguồn gốc thực vật, cơ thể chỉ chuyển đổi một phần các sắc tố hữu cơ thành dạng hoạt động của vitamin A.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top