Ngồi vắt chéo chân có hại gì không?

Nội dung

Ngồi vắt chéo chân là tư thế quen thuộc của rất nhiều người, đặc biệt là phái nữ. Về lâu dài, tư thế này có thể gây nhiều tác động nghiêm trọng đến vùng cổ, lưng, hông, gối, tư thế, dáng đi, nhất là người bị suy giãn tĩnh mạch.

Khi ngồi bắt chéo chân, một chân đặt lên đùi chân còn lại, làm trụ hông không còn cân bằng mà phải nghiêng về một bên. Để cơ thể cân bằng trở lại, vùng cột sống phải lệch sang phía bên đối diện, lâu dần sẽ làm cột sống và lưng cổ không còn thẳng do phải chịu lực nhiều hơn bình thường.

Ngoài ra, phần lưng, cổ, hông cũng phải chịu nhiều áp lực, dễ đau nhức và mỏi hơn. Khi vắt chéo chân, vùng phía dưới cũng bị tì đè nhiều, khiến tình trạng suy giãn tĩnh mạch nặng nề hơn.

Ngồi vắt chéo chân khiến vùng hông chịu lực không đều dẫn đến các cơ vùng cột sống, hông cũng sẽ phát triển không đều. Bên chịu lực nhiều hơn sẽ to hơn, ảnh hưởng đến tư thế hình dáng, thậm chí đi lại.

Thói quen ngồi vắt chéo chân làm mất sự cân xứng của cơ thể, gây lệch vẹo khung chậu, thậm chí gây đau vùng thắt lưng chậu, đau khớp gối. Bắt chéo chân có thể gây áp lực lên dây thần kinh mác ở phía sau đầu gối, lưu lượng máu xuống các khớp ở chân cũng bị giảm, gây cản trở quá trình tạo dịch nhầy ở khớp, khiến khớp bị khô.

Vắt chéo chân trong thời gian dài cũng làm cho khớp gối bị đè ép sai tư thế, làm tăng áp lực lên sụn khớp, gây căng giãn hệ thống dây chằng. Tư thế này nguy hiểm với người mắc bệnh lý xương khớp, người suy giảm tĩnh mạch, khiến tình trạng bệnh nặng nề, đi lại khó khăn, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Tư thế ngồi tốt nhất cho sức khỏe là hai chân ngồi đặt song song, lưng và cổ thẳng. Đây là tư thế làm cho lực được phân bố đồng đều xuống cổ, lưng, chậu hông. Lúc này, cơ thể cân đối, hạn chế ảnh hưởng lên các cơ, xương và cột sống. Thỉnh thoảng, chị em có thể ngồi bắt chéo, nhưng không nên biến thành thói quen.

Đối với những người phải ngồi trong thời gian dài, nên duỗi thẳng chân và đưa bàn chân về phía trước, hoặc chỉ nên bắt chéo bàn chân. Người làm công việc văn phòng ít vận động nên đứng dậy sau mỗi 60-120 phút ngồi và đi lại để hạn chế nhức mỏi.

Khi bị lệch vẹo khung chậu, cột sống hoặc có vấn đề về xương khớp, bạn cần đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị phục hồi, giảm đau, cải thiện chức năng vận động.

return to top