✴️ Rối loạn nhịp tim hậu Covid cần tầm soát ra sao?

Tại sao Covid gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim?

Theo các chuyên gia, có nhiều cơ chế tác động của SARS-Cov-2 lên cơ tim cũng như làm trầm trọng thêm chứng rối loạn nhịp tim ở người có tiền sử trước đó. Trước khi xâm nhập vào tế bào, virus SARS-CoV-2 gắn vào các thụ thể men chuyển angiotensin – 2 (ACE-2) sau đó gây ra các phản ứng viêm tại nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có tế bào tim. Một số lý do giải thích tình trạng rối loạn nhịp tim do hậu covid bao gồm:

  • Kích thích thần kinh giao cảm: SARS-CoV-2 kích thích hệ thần kinh giao cảm hoạt động mạnh hơn, gây ảnh hưởng tới cơ quan hô hấp, tim mạch,… trong đó có gây rối loạn nhịp tim.
  • Xơ hóa cơ tim: Các nghiên cứu cho thấy covid làm tổn thương nghiêm trọng cơ tim, gây viêm cơ tim, xơ hóa mô kẽ cơ tim do phản ứng miễn dịch quá mức.
  • Rối loạn nhịp tim di truyền: Những người sinh ra trong gia đình có tiền sử rối loạn nhịp tim vốn có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim cao. Tỷ lệ này tăng cao hơn ở bệnh nhân mắc covid.
  • SARS-CoV-2 ức chế gen mã hóa kênh kali trên tế bào cơ tim gây hồi hộp, nhịp tim nhanh
  • SARS-CoV-2 kích hoạt quá trình sản sinh yếu tố hoại tử u alpha(TNF alpha) và Interleukin-1. Từ đó, ức chế khả năng co cơ tim gây rối loạn nhịp tim.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Rối loạn nhịp tim hậu covid còn được cho là do tác dụng phụ của các thuốc trong quá trình điều trị.

Ngoài ra, tâm lý lo lắng, stress khi mắc bệnh cũng khiến nhịp tim trở nên rối loạn, không đồng đều.

 

Các dạng rối loạn nhịp tim hậu covid

Một nghiên cứu tại 82 bệnh viện trên 4526 bệnh nhân covid, có 827 bệnh nhân nhập viện do rối loạn nhịp tim. Trong đó các dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất bao gồm, rũng nhĩ (80%), nhịp nhanh thất (20,7%), nhịp tim chậm (22,6%). Theo cuộc khảo sát của Hội Nhịp Tim (HRS) cho thấy rung nhĩ là rối loạn nhịp tim phổ biến nhất ở những bệnh nhân nhập viện do covid. Trong số 683 bệnh nhân tham gia khảo sát có tới 21% bị rung nhĩ, 5,4% bị cuồng nhĩ, 3,55 bị nhịp nhanh nhĩ kéo dài và 5,7% nhịp nhanh trên thất kịch phát. Một nghiên cứu khác về tình trạng nhịp tim chậm của bệnh nhân covid, trong 663 người tham gia thì nhịp xoang chậm và block tim chiếm tỷ lệ nhiều nhất đều là 8%. Ngoài ra, tình trạng block nhĩ thất độ 1 hoặc độ 2, block nhánh, hoặc chậm dẫn truyền trong não thất cũng được chẩn đoán ở những bệnh nhân này.

 

Hướng dẫn và các chỉ định xét nghiệm khi khám hậu covid cho bệnh rối loạn nhịp tim

Sau khỏi covid, nếu bạn xuất hiện các triệu chứng rối loạn nhịp tim như nhịp tim quá nhanh, quá chậm, không đều, đau tức ngực, xây xẩm, khó thở, mệt mỏi,… thì nên đến cơ sở y tế để kiểm tra xem có phải bản thân đang mắc di chứng tim mạch hậu covid hay không. Sau khi được bác sĩ chuyên khoa thăm khám hậu covid, người bệnh thường được chỉ định một số cận lâm sàng để chẩn đoán xác định như:

  • Điện tâm đồ: Là phương pháp theo dõi hoạt động, tốc độ, nhịp điệu của tim bằng cách ghi lại hoạt động điện học của tim, nhưng xung điện do tế bào cơ tim phát ra được ghi lại dưới dạng đồ thị. Đối với người bệnh rối loạn nhịp tim thường xuất hiện bất thường tại các vị trí phát ra nhịp như nút xoang, nút nhĩ thất,… trên điện tâm đồ.
  • Holter điện tâm đồ: Là phương pháp ghi nhận điện tâm đồ người bệnh trong khoảng 24-48 giờ. Kết quả Holter điện tâm đồ cho biết các thông số như tần số tim trung bình, nhịp tim nhanh nhất và chậm nhất trong một giờ, số lượng các rối loạn nhịp tim trong một giờ.
  • Siêu âm tim: Siêu âm tim là phương pháp sử dụng sóng siêu âm tần số cao để quan sát các hoạt động của tim, cấu trúc của tim. Đối với người bệnh rối loạn nhịp tim, siêu âm tim giúp phát hiện bất thường về kích thước tim, tổn thương cơ tim, dị tật tim,…
  • X-quang ngực thẳng: Phát hiện các bất thường cấu trúc tim gây rối loạn nhịp tim.
  • Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.
  • Xét nghiệm sinh hóa máu: Định lượng glucose, triglyceride, HDL-C, LDL-C, creatinin, ure, calci, CRP, FT3, FT4, FSH; thời gian prothrombin; thời gian thromboplastin một phần hoạt hóa.
  • Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu.

 

Những lưu ý cơ bản về chế độ sinh hoạt dành riêng cho bệnh rối loạn nhịp tim

Mặc dù chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng không có tác dụng điều trị rối loạn nhịp tim hậu Covid nhưng duy trì một lối sống khoa học giúp hạn chế sự tiến triển của bệnh, giảm nhẹ các triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng. Từ đó, giúp người bệnh có một cuộc sống khỏe mạnh hơn. Một số lưu ý trong sinh hoạt, dinh dưỡng dành cho người bệnh rối loạn nhịp tim như:

  • Tập thể dục với cường độ vừa phải, khoảng 30 phút mỗi ngày, ít nhất 3 lần mỗi tuần. Các bài tập được khuyến cáo cho người bệnh rối loạn nhịp tim gồm đi bộ, bơi lội, yoga, bóng bàn, cầu lông. Bạn không nên quá gắng sức, khi thấy mệt, khó thở thì dừng lại.
  • Ngủ đủ giấc, đúng giờ. Một giấc ngủ hợp lý giúp cơ thể được nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng và đào thải các độc tố ra ngoài.
  • Cân bằng giữa công việc và cuộc sống, không làm việc quá sức. Dành tối thiểu 30 phút để thư giãn mỗi ngày.
  • Hạn chế căng thẳng, stress, giữ tâm trạng luôn thoải mái.
  • Chế độ ăn hợp lý:
  • Ăn ít muối: Hạn chế các thực phẩm nhiều muối như nước mắm, cá khô, muối,.. trong quá trình chế biến thức ăn. Người mắc rối loạn nhịp tim tốt nhất chỉ nên ăn dưới 4g muối mỗi ngày.
  • Tăng cường rau xanh, trái cây tươi: Đây là nhóm thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và chất khoáng giúp cải thiện hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe. Cải bó xôi, súp lơ xanh, cà rốt, cà chua, ớt chuông, măng tây, táo, chuối, cam, nho,… là một số thực phẩm có lợi cho tim mạch bạn nên bổ sung.
  • Kiểm soát chất béo, đặc biệt là chất béo động vật. Hạn chế đồ chiên xào, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Ưu tiên các món luộc, hấp.
  • Từ bỏ thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác.
  • Uống đủ nước theo hướng dẫn của bác sĩ, không uống quá nhiều hay quá ít vì dễ làm tăng gánh nặng lên tim.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top