Viêm da ở trẻ em có nhiều loại, tổn thương da đa dạng như chốc lây, viêm nang lông, nhọt đầu đinh, mày đay, vết ngứa rắn bò của hội chứng ấu trùng di chuyển, giả vảy nến, viêm da do nấm (nấm nông như lang ben, nứt kẽ da hoặc các đầu ngón tay)...
Bình thường, trên da có nhiều tạp khuẩn, phần lớn là tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn, tập trung nhiều nhất ở vùng có nhiều lông, vùng đọng mồ hôi như các nếp kẽ, các lỗ chân lông. Trong những điều kiện thuận lợi như cơ thể suy yếu, giảm sức đề kháng, vệ sinh kém, ngứa gãi làm xây sát da, nhất là mùa hè nóng nực, da luôn bị ẩm ướt mồ hôi là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn trên tăng sinh, tăng độc tính gây nên bệnh ngoài da gọi chung là viêm da mủ. Bệnh viêm da mủ thường chia làm 2 nhóm bệnh do tụ cầu khuẩn và do liên cầu khuẩn gây nên.
Tụ cầu khuẩn thường gây tổn thương ở nang lông. Viêm nông ở đầu lỗ chân lông. Ban đầu, lỗ chân lông hơi sưng đỏ, đau, sau đó thành mụn mủ nhỏ, quanh chân lông có quầng viêm hẹp. Vài ngày sau, mụn mủ khô để lại một vảy tiết màu nâu sẫm. Sau cùng vảy bong đi, không để lại sẹo. Nếu bệnh nặng hơn sẽ tạo thành nhọt đầu đinh, nhọt ổ gà.
Liên cầu thường gây chốc. Hay gặp ở đầu, cổ, mặt, các chi, từ đó lan ra các chỗ khác, rất dễ lây nên còn gọi là chốc lây. Tổn thương bắt đầu bằng một phỏng nước nhỏ, lùng nhùng hình tròn, có quầng viêm đỏ. Lúc đầu nước trong, dần dần thành mủ đục, giai đoạn phỏng nước và phỏng mủ rất ngắn, sau đó đóng vảy tiết vàng, dưới lớp vảy là một lớp chợt đỏ, nông, không cộm. Tổn thương chốc rải rác toàn thân, có thể kèm theo sốt, biến chứng viêm cầu thận cấp, phù nề cẳng chân, mi mắt do viêm cầu thận.
Điều trị bao gồm giữ vệ sinh sạch sẽ, sát khuẩn tại vùng viêm da với milian, xanh methylen 1%, eosin 2% hoặc bôi kháng sinh tại chỗ. Cho uống kháng sinh. Không nên đắp các loại lá lên tổn thương viêm da. Tắm rửa, tránh kỳ cọ mạnh lên tổn thương. Phòng bệnh tránh lây lan bằng cách không dùng chung quần áo, chăn màn, khăn mặt và các dụng cụ khác với bệnh nhân. Nếu tình trạng viêm da ngày càng lan rộng, trẻ sốt cao, các mẹ nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ chuyên khoa nhi.
Viêm da Herpes biểu hiện bởi các bọng nước nhỏ quanh môi, bọng nước mọc riêng rẽ hay chụm lại thành đám, nếu có mủ thì thường do bội nhiễm vi khuẩn. Viêm da Herpes có thể gây đau nhức khó chịu hoặc sốt. Điều trị: giữ gìn vệ sinh vùng môi miệng. Điều trị bằng acyclovir bôi quanh môi, nếu biểu hiện nặng có thể cho uống acyclovir.
Thủy đậu biểu hiện bởi các bọng nước rải rác toàn thân, giai đoạn đầu bọng nước trong sau đó hóa mủ, có chấm đen ở giữa. Bệnh rất dễ bội nhiễm vi khuẩn, tỷ lệ lây cao. Trẻ thường sốt cao, bứt rứt khó chịu. Nếu nghi ngờ trẻ bị thủy đậu, mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá và điều trị thích hợp.
Bệnh tay chân miệng là tổn thương da rất hay gặp ở trẻ nhỏ, biểu hiện với các bọng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, miệng. Các dấu hiệu nặng của bệnh bao gồm sốt cao trên 39 độ, ngủ giật mình, run chi... Bệnh diễn biến nhanh và có thể tử vong nên khi nghi ngờ trẻ mắc tay chân miệng, bố mẹ không nên tự điều trị mà phải đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi.
Chàm là căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Chàm biểu hiện với ban đỏ, thường xuất hiện trên má, trong nếp gấp nơi cánh tay, mắt cá chân, tai và cổ. Nhiều bé khi gãi sẽ gây nhiễm trùng, gây chảy nước vàng do vảy bị bong tróc.
Điều trị: Da khô làm các triệu chứng của chàm tồi tệ hơn; vì thế, cần tránh xà phòng thơm và dùng kem làm mềm da cho bé. Các loại kem chứa steroid giúp kiểm soát làn da bị chàm rất tốt, tuy nhiên, chỉ nên dùng từng đợt ngắn, ngắt quãng.
Chàm có thể bắt nguồn từ tiền sử gia đình hoặc do kích thích bởi hóa chất, chẳng hạn hóa chất được tìm thấy trong bột giặt. Vì thế, cần chọn các sản phẩm giặt giũ dành cho làn da nhạy cảm của bé. Thời tiết ít độ ẩm gây khô da là nguyên nhân chính của bệnh chàm. Lông vật nuôi khiến bệnh chàm nặng hơn. Do đó, bạn không nên nuôi vật nuôi trong nhà. Đôi khi chàm là triệu chứng của dị ứng thực phẩm. Thông thường, chàm có thể do trứng hoặc sữa bò. Trang phục vải tổng hợp hoặc len có thể kích ứng làn da nhạy cảm. Vì thế, cần lựa chọn quần áo cotton và giữ làn da bé luôn thoáng mát. Đối với ga gối cũng nên chọn chất liệu tương tự.
Bệnh thường do người vô tình tiếp xúc với các chất tiết của côn trùng như kiến ba khoang hoặc một số loại côn trùng khác. Tổn thương da có thể xuất hiện cùng lúc ở nhiều vị trí trên cơ thể và không có triệu chứng báo trước, khác với bệnh zona chỉ có một bên phải hay trái. Khi có côn trùng bò trên da, phản xạ tự nhiên dùng tay quệt, đập... sẽ làm các độc chất dính lên da và gây bỏng da. Bệnh nhân lúc đầu có cảm giác ngứa rát, nổi hồng ban nơi vùng da tiếp xúc với côn trùng. Sau 6-12 giờ, da sẽ sưng phù và thường kéo thành vệt dài như vết cào gãi, trên có nhiều mụn nước kích thước 1-5mm không đều, biến thành mụn mủ 2-3 ngày sau. Tổn thương da dễ lan rộng do động tác gãi làm phát tán dịch tiết ra vùng da xung quanh. Cảm giác ngứa, rát tăng dần nhưng không đau nhức; có thể kèm theo sốt nhẹ, nổi hạch vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với vị trí tổn thương.
Ðể hạn chế tình trạng viêm dị ứng, mẹ nên rửa sạch vùng da tiếp xúc côn trùng của trẻ với nước và xà phòng; tạm sử dụng các thuốc bôi sát khuẩn ngoài da như milian, eosine, hồ nước hoặc kem corticoid; nếu ngứa nhiều có thể dùng thêm cetirizin, chlorpheniramine. Nếu sau 3 ngày, tình trạng viêm da của bé không giảm, mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để có chẩn đoán và hướng điều trị thích hợp.
Viêm da ở trẻ em rất đa dạng, bài viết trên đây chỉ giới hạn trong một số bệnh viêm da thường gặp trong cộng đồng, hy vọng sẽ giúp các mẹ có kiến thức để chăm bé vui khỏe.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh