✴️ Nghiên cứu mới: hai con đường tiến đến “siêu miễn dịch” đối với COVID-19?

Nghiên cứu từ phòng thí nghiệm Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon (OSHU) được xuất bản trực tuyến trên tuần san Khoa học Miễn dịch cho thấy, có hơn một con đường dẫn đến miễn dịch mạnh mẽ đối với COVID-19, cho dù là những ca “nhiễm đột phá” (breakthrough infection – tiêm đủ 2 liều vaccine mà vẫn nhiễm bệnh) hay nhiễm bệnh rồi mới tiêm chủng đều cho hiệu quả tăng cường miễn dịch mạnh như nhau!

“Hầu như không có sự khác biệt về thứ tự tiêm chủng và thời điểm mắc bệnh, trong cả 2 trường hợp chúng ta đều có đáp ứng miễn dịch mạnh hơn rất rất nhiều!” – TS. Fikadu Tafesse, đồng tác giả bài báo, đồng thời là trợ lý giáo sư khoa Sinh học phân tử và Miễn dịch học trường Đại học Y khoa OSHU cho hay.

Nghiên cứu trước đó được xuất bản vào tháng 12 của OHSU là nghiên cứu đầu tiên sử dụng nhiều biến chủng SARS-CoV-2 sống để đo mức độ trung hòa chéo từ huyết thanh của các ca “nhiễm đột phá”, kết quả cho thấy, sau khi tiêm đủ 2 liều vaccine rồi nhiễm bệnh, đáp ứng miễn dịch của cơ thể sẽ trở nên cực kỳ cao, hay còn gọi là “siêu miễn dịch”.

Tiếp đó, nghiên cứu mới đây lại tìm ra rằng, dù là “nhiễm đột phá” hay nhiễm bệnh tự nhiên rồi mới tiêm chủng thì trong cả 2 trường hợp, khi đo đáp ứng miễn dịch trong huyết thanh đều cho thấy lượng kháng thể nhiều và mạnh hơn tương đương nhau – ít nhất là mạnh hơn gấp 10 lần so với miễn dịch tạo ra chỉ với vaccine.

Nghiên cứu này được hoàn thành trước khi biến thể siêu lây nhiễm omicron xuất hiện, tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng đáp ứng miễn dịch tích hợp này vẫn sẽ tương tự.

Tafesse cho biết “Khả năng chúng ta bị “nhiễm đột phá” là rất cao, bởi vì hiện tại virus vẫn hiện diện ở khắp nơi, tuy nhiên vị thế của chúng ta sẽ ổn hơn sau khi được tiêm chủng, và cho dù có nhiễm bệnh thì triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn, đồng thời sau khi khỏi bệnh chúng ta sẽ có được cái gọi là “siêu miễn dịch” này!”

Về nghiên cứu, các nhà khoa học đã lựa chọn tổng cộng 104 đối tượng nghiên cứu, tất cả đều là nhân viên của OHSU và được tiêm chủng với vaccine Pfizer, sau đó chia họ làm 3 nhóm:

  • 42 người được tiêm chủng và không mắc bệnh,
  • 31 người tiêm chủng sau khi khỏi bệnh
  • 31 người “nhiễm đột phá” sau khi đã tiêm chủng.

Độ tuổi, giới tính và thời gian kể từ khi tiêm chủng và lây nhiễm đều được kiểm soát. Các nhà nghiên cứu lấy mẫu máu từ các đối tượng và cho tiếp xúc với 3 biến chủng SARS-CoV-2 sống ở phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3 trong khuôn viên Marquam Hill trường OHSU. Kết quả 2 nhóm có “miễn dịch tích hợp” đều cho mức độ miễn dịch cao hơn so với nhóm chỉ tiêm chủng với vaccine mà không mắc bệnh

Với biến chủng siêu lây nhiễm omicron đang lây lan trên toàn cầu, kết quả nghiên cứu trên chỉ ra rằng, mỗi một ca nhiễm đột phá xuất hiện có thể sẽ góp phần đưa cơn đại dịch này đến hồi kết. Theo thời gian, virus sẽ đi vào vùng miễn dịch ngày càng mở rộng của con người.

Các nhà khoa học OHSU cho biết họ đã không thử nghiệm nhiều vòng trên các ca nhiễm tự nhiên, mặc dù chắc hẳn sẽ có rất nhiều người thuộc nhóm này (hiện vẫn còn hàng triệu người dân Mỹ và trên toàn cầu chưa được tiêm vaccine). Với sự lây lan nhanh chóng của biến thể omicron, những người chưa được tiêm chủng rất có thể phải đối mặt với việc tái nhiễm lần nữa. Đối với những đối tượng này, mức độ đáp ứng miễn dịch sẽ không đồng nhất như khi tiêm chủng.

“Tôi có thể đảm bảo rằng miễn dịch dạng này là một biến số, một số người có thể có miễn dịch tương đương với những người được tiêm chủng, nhưng phần lớn sẽ không được như vậy. Và hiện tại không có một xét nghiệm nào để có thể biết được ai sẽ có được dạng miễn dịch nào. Việc tiêm chủng sẽ đảm bảo hơn, giúp chúng ta có được một đáp ứng miễn dịch tốt và ổn định.” TS. BS. Bill Messer, đồng tác giả và là phó giáo sư khoa Sinh học phân tử, Miễn dịch học và Bệnh nhiễm của trường Đại học Y khoa OSHU cho hay.

Marcel Curlin cũng đồng tình “Miễn dịch có được chỉ từ nhiễm bệnh tự nhiên rất đa dạng. Một số người sẽ có đáp ứng miễn dịch mạnh, nhưng một số thì không. Tuy nhiên khi kết hợp miễn dịch do tiêm chủng và mắc bệnh thì hầu như sẽ luôn cho đáp ứng miễn dịch rất mạnh mẽ. Kết quả từ nghiên cứu này và những nghiên cứu trước đó cho thấy, sẽ đến một thời điểm mà SARS-CoV-2 có thể sẽ trở thành một bệnh dịch nhẹ như nhiễm trùng hô hấp theo mùa, thay vì là một cơn đại dịch toàn cầu như hiện nay”.

https://news.ohsu.edu/2022/01/25/new-study-suggests-two-paths-toward-super-immunity-to-covid-19

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top