✴️ Tại sao hen suyễn thường xảy ra vào ban đêm?

Nội dung

Một tỉ lệ lớn bệnh nhân hen thường có cơn khó thở về đêm 1 hoặc 2 lần mỗi tháng. Một số người chỉ có cơn khó thở vào ban đêm, còn ban ngày chức năng hô hấp của họ gần như bình thường. Nguyên nhân một phần là do sự đáp ứng thái quá đối với thay đổi về lưu lượng thông khí bình thường cho mỗi chu kì 24h

Tình trạng co thắt phế quản nặng nhất là trong khoảng thời gian từ 18h đến 4h sáng (do đó tỉ lệ tử vong và bệnh tật do hen suyễn cao nhất trong khoảng thời gian này). Các bệnh nhân này có thể có giảm đáng kể lượng cortisol trong máu hoặc tăng trương lực phế vị (vagal tone) vào ban đêm. Các nghiên cứu cũng cho thấy có tăng tình trạng viêm ở những bệnh nhân có cơn hen vào ban đêm so với nhóm đối chứng và với các bệnh nhân có cơn hen vào ban ngày.

 

1, Định nghĩa:

Hen phế quản là một bệnh có đặc điểm là viêm mạn tính niêm mạc phế quản làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến có thắt lan tỏa cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản không cố định, thường có thể hồi phục tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản

Trong hen phế quản có sự xuất hiện của nhiều bạch cầu ái toan ở lớp dưới niêm mạc của các tiểu phế quản. Các tế bào này chưa đầy: histamine, prostagladine, leukotrient… Khi các bạch cầu này nhận thấy sự xuất hiện của các tác nhân môi trường như khói thuốc, bụi… chúng sẽ vỡ ra và giải phóng các chất bên trong tế bào dẫn đến sự phá hủy các mô xung quanh gây ra phản ứng viêm

Hệ quả của quá trình này là sự co thắt cơ trơn ở tiểu phế quản và sự tăng tiết nhầy vào bên trong lòng phế quản gây ra cơn khó thở ở bệnh nhân bị hen phế quản

 

2, Vì sao cơn hen phế quản thường xảy ra về đêm?

a, Do ban đêm nhiệt độ môi trường giảm

Cơ trơn phế quản cũng chịu ảnh hưởng từ nhiệt độ của cơ thể. Khi thân nhiệt cao, cơ trơn phế quản có xu hướng giãn ra, và ngược lại

Vào ban đêm, nhiệt độ môi trường giảm xuống -> cơ thể mất đi một lượng nhiệt đi ra ngoài môi trường -> thân nhiệt giảm -> cơ trơn phế quản dễ co thắt hơn -> dễ rơi vào cơn hen phế quản

b, Do giảm nồng độ cortisol

Cortisol là một hormon vỏ thượng thận, có tác dụng kháng viêm (Cơ chế kháng viêm của cortisol đã được page trình bày trong một bài trước đó) giúp giảm tình trạng viêm của phế quản. Nồng độ cortisol được vỏ thượng thận tiết ra không đều trong ngày, thường được tiết ra nhiều nhất vào khoảng 8-9 giờ sáng và giảm dần khi về chiều, đến giữa đêm thì lượng cortisol tiết ra gần như bằng 0.

Chính vì về đêm cortisol được tiết ra rất ít nên khả năng kháng viêm ở các tiểu phế quản giảm đi -> dễ rơi vào cơn hen phế quản

c, Do hệ thần kinh phó giao cảm hoạt động mạnh vào ban đêm

Giống như nhiều bộ phận khác của cơ thể, cơ trơn phế quản cũng chịu sự chi phối của cả hệ giao cảm và phó giao cảm. Vào ban ngày, khi cơ thể hoạt động nhiều -> hệ giao cảm chiếm ưu thế hơn so với phó giao cảm -> giãn cơ trơn tiểu phế quản. Tuy nhiên, vào buổi tối hệ phó giao cảm lại hoạt động mạnh mẽ hơn -> co thắt cơ trơn tiểu phế quản -> dễ rơi vào cơn hen phế quản

* Một số nguyên nhân khác cũng được cho là có thể gây khởi phát các cơn hen vào ban đêm, bao gồm:

  • Tư thế nằm ngủ
  • Tăng sản xuất chất nhầy
  • Giảm tiết hormone epinephrine, một loại hormone giúp giãn đường thở
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực phản (GERD)
  • Căng thẳng, lo âu
  • Các tình trạng khác liên quan đến giấc ngủ như chứng ngưng thở khi ngủ
  • Hít phải nhiều không khí lạnh hơn do ngủ trong điều hòa
  • Bèo phì, thừa cân

3,  Hen suyễn xảy ra về đêm là một vấn đề lâm sàng quan trọng cần được tích cực can thiệp

+ Cần dùng máy đo lưu lượng đỉnh (peak flow meters) để có những đánh giá khách quan về tình trạng khó thở và can thiệp kịp thời.

+ Ngưng thở lúc ngủ (sleep apnea), trào ngược dạ dày thực quản có triệu chứng và viêm mũi xoang cần được phát hiện và xử lý vì chúng sẽ là những tác nhân kích thích khởi phát cơn hen lúc nằm.

- Thuốc men cần được sử dụng phù hợp với giờ giấc xuất hiện cơn hen suyễn và nên chú ý sử dụng các thuốc chủ vận beta 2 tác dụng kéo dài LABA (hít hoặc uống), một thuốc biến đổi leukotriene (leukotriene modifier) và các corticosteroids hít. Theophylline tác dụng chậm ngày uống một lần và đổi giờ uống corticosteroids vào lúc xế chiều cũng có thể hữu ích.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top