✴️ Thế nào là mất ngủ kinh niên?

Nội dung

1. Thế nào là mất ngủ kinh niên?

Mất ngủ kinh niên (mất ngủ mãn tính) là một dạng khó ngủ kéo dài. Khi gặp phải tình trạng này người bệnh sẽ cảm thấy khó đi vào giấc hoặc mất ngủ ít nhất 3 đêm mỗi tuần trong 3 tháng hoặc lâu hơn. Một số người bị mất ngủ kinh niên có tiền sử khó ngủ kéo dài trong vài tháng, họ sẽ không thể ngủ sâu, thường xuyên giật mình thức dậy vào nửa đêm. 

Rối loạn về giấc ngủ có thể gây ra các triệu chứng vào ban đêm cũng như vào ban ngày và có thể cản trở khả năng thực hiện các công việc hàng ngày của bạn. Các vấn đề liên quan đến mất ngủ kinh niên thường gặp bao gồm:

  • Khó ngủ
  • Thức suốt đêm
  • Dễ tỉnh giấc và không thể ngủ lại
  • Buồn ngủ và mệt mỏi vào ban ngày
  • Cơ thể luôn trong trại thái uể oải
  • Dễ cáu gắt
  • Tâm trạng thất thường 
  • Khó tập trung dẫn đến các sai lầm trong công việc
  • Khả năng ghi nhớ suy giảm
  • Dễ gây ra tai nạn

 

2. Nguyên nhân nào dẫn đến mất ngủ kinh niên? 

Cũng giống như chứng mất ngủ ngắn hạn, mất ngủ kinh niên có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và có tỷ lệ cao hơn ở nữ giới. Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ mãn tính, nó thường liên quan đến một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, tác dụng phụ của thuốc, sử dụng chất kích thích hoặc lối sống không lành mạnh. Cụ thể như sau:

Một số bệnh lý có thể gây ra chứng mất ngủ kinh niên:

  • Vấn đề về hô hấp: hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), chứng ngưng thở lúc ngủ.
  • Suy tim sung huyết
  • Bệnh tiểu đường
  • Dạ dày trào ngược axit 
  • Cường giáp
  • Đau cơ xơ hóa
  • Chấn thương
  • Thời kỳ mãn kinh
  • Tiểu tiện mất tự chủ
  • Rối loạn lưỡng cực
  • Bệnh Alzheimer
  • Bệnh Parkinson

Trong vài trường hợp, một số loại thuốc và chất kích thích có thể gây mất ngủ mãn tính như:

  • Thức uống chứa cồn: rượu, bia
  • Cafein
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc nhuận tràng kích thích
  • Thuốc hóa trị
  • Thuốc cảm lạnh và dị ứng có chứa pseudoephedrine
  • Thuốc lợi tiểu
  • Ma túy bất hợp pháp: cocaine và các chất kích thích khác
  • Nicotine

Một yếu tố trong cuộc sống có thể làm ảnh hưởng đến tình trạng giấc ngủ bao gồm:

  • Căng thẳng thần kinh dẫn đến rối loạn cảm xúc 
  • Nhiêu lo âu, phiền muộn
  • Công việc quá tải
  • Thường xuyên đi công tác và di chuyển qua nhiều múi giờ, làm đảo lộn đồng hồ sinh học của cơ thể. 
  • Ít vận động, lười thể thao
  • Ngủ quá nhiều vào ban ngày
  • Không gian nghỉ ngơi không được thoải mái: nhiều sáng, tiếng ồn, ô nhiễm không khí,…

3. Mất ngủ kinh niên có điều trị được không?

Chúng ta dành khoảng một phần ba thời gian trong ngày cho giấc ngủ. Đây chính là khoảng thời gian mà cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn và khôi phục trạng thái cân bằng sau một ngày dài hoạt động. Tuy nhiên việc mất ngủ kinh niên sẽ gây ra vô vàn những khó khăn nhất định. Vậy căn bệnh này có thể điều trị như thế nào? Quá trình chữa bệnh mất ngủ kinh niên sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Biện pháp điều trị sẽ bao gồm sử dụng thuốc và các liệu pháp nhận thức hành vi khác.

Một số phương pháp trị liệu mất ngủ kinh niên thông quan nhận thức hành vi bạn có thể dễ dàng thực hiện như sau:

  • Viết nhật ký: ghi lại những điều khiến bạn căng thẳng, mệt mỏi trước khi ngủ để giúp bạn giải tỏa nỗi lòng của mình.
  • Kiểm soát tâm trạng: Nên hạn chế những suy nghĩ tiêu cực, lo âu quá mức. Học cách thả lỏng, buông bỏ những chuyện không vui trong ngày. 
  • Vận động nhẹ nhàng: các bài tập thở, yoga, thiền sẽ giúp giảm căng cơ, kiểm soát nhịp thở và nhịp tim để bạn thư giãn tốt hơn.

Mặc dù hiệu quả nhưng các bác sĩ thường không khuyến khích bệnh nhân sử dụng thuốc ngủ lâu dài vì chúng sẽ mang đến nhiều tác dụng phụ: buồn ngủ vào ban ngày, hay quên, mộng du, các vấn đề về tiền đình.

Một số loại thuốc kê đơn được chấp thuận để điều trị chứng mất ngủ kinh niên bao gồm:

  • Zolpidem (Ambien)
  • Eszopiclone (Lunesta)
  • Zaleplon (Sonata)
  • Doxepin (Silenor)
  • Ramelteon (Rozerem)
  • Suvorexant (Belsomra)
  • Temazepam (Restoril)

Các loại thuốc OTC (không kê đơn) hỗ trợ điều trị mất ngủ:

  • Diphenhydramine (Benadryl)
  • Doxylamine succinate (Unisom SleepTabs)
  • Melatonin
  • Rễ cây nữ lang
  • Trà hoa cúc

Ngoài ra, người bị bệnh mất ngủ kinh niên cũng nên lưu lại một số các gợi ý sau để giúp cải thiện tốt hơn tình trạng của mình. 

  • Tránh dùng các thức uống chứa caffein vào cuối ngày.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia và hút thuốc lá trước khi đi ngủ.
  • Thường xuyên vận động, luyện tập thể thao
  • Không ngủ vào buổi trưa hoặc ban ngày quá nhiều
  • Không ăn nhiều vào buổi tối.
  • Tập thói quen ngủ và dậy đúng giờ kể cả ngày nghỉ. 
  • Tránh sử dụng máy tính, điện thoại di động, TV, hoặc các thiết bị công nghệ khác 1 giờ trước khi đi ngủ.
  • Giữ cho phòng ngủ của bạn một nhiệt độ thoải mái.
  • Nên tắt đèn và xây tường cách âm để tránh các yếu tố làm phiền giấc ngủ. 

 

Việc mất ngủ có thể dẫn đến vô vàn rủi ro về sức khỏe và ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh gây ra nhiều loại bệnh tiềm ẩn khác nhau. Chính vì thế, bên cạnh việc điều trị chứng mất ngủ, người bệnh cũng nên tham khảo các sản phẩm bổ sung nuôi dưỡng sức khỏe não bộ. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top