THÔNG TIN CHUNG VỀ XẠ TRỊ PROTON

Công nghệ xạ trị phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới sử dụng chùm tia X, tia gamma hoặc các loại hạt nhẹ như electron. Tuy nhiên, nhược điểm của kĩ thuật này là trường chiếu đến khối u sẽ bao gồm cả các khu vực khác của cơ thể, làm tăng liều bức xạ đối với bệnh nhân, gây tổn hại không cần thiết đối với một số mô lành. Một số quốc gia phát triển trên thế giới đã nghiên cứu và áp dụng công nghệ xạ trị hiện đại sử dụng chùm proton hoặc ion nặng trong điều trị ung thư có thể khắc phục được những nhược điểm trên. 

 

Xạ trị proton là gì ?

Xạ trị proton hay còn gọi là liệu pháp proton trong xạ trị là công nghệ xạ trị sử dụng chùm hạt proton có năng lượng cao từ 160 tới 230 MeV, được gia tốc bằng khoảng 70 – 80% tốc độ ánh sáng để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc thu nhỏ khối u. Máy gia tốc phát ra chùm hạt proton có thể là cyclotron hoặc synchrotron.

Xạ trị Proton khác xạ trị thông thường như thế nào?

Tại Việt Nam, phẫu thuật, xạ trị, hóa trị là những phương pháp điều trị ung thư phổ biến. Nhiều thiết bị gia tốc xạ trị - xạ phẫu hiện đại, đa mức năng lượng đã được đầu tư ở các trung tâm điều trị ung thư, cho phép thực hiện nhiều kĩ thuật xạ trị hiện đại ngang tầm quốc tế và khu vực.

Tuy nhiên, các công nghệ xạ trị ở Việt Nam và phần lớn trên thế giới hiện nay vẫn chủ yếu là công nghệ sử dụng chùm photon (tia X, tia gamma) hoặc các loại hạt nhẹ như electron nên vẫn tồn tại một số nhược điểm nhất định.

Theo nguyên lý hiệu ứng đỉnh Bragg, chùm photon hoặc electron khi đi vào cơ thể sẽ đạt liều bức xạ tối đa ở vị trí nông (khoảng 10mm), sau đó giảm dần, do đó không hiệu quả đối với các loại u nằm sâu trong cơ thể. Trong trường hợp phải sử dụng liều bức xạ cao hơn để đạt được liều bức xạ mong muốn tại khu vực có khối u, phương pháp này có thể gây ra liều bức xạ không cần thiết đối với các khu vực lân cận khối u (theo hướng chiếu) gọi là liều thoát ra (exit dose).

Tóm lại, trong khi xạ trị tia X thông thường, bức xạ chủ yếu tập trung ở gần bề mặt cơ thể và giảm dần khi đi sâu vào trong cơ thể thì liệu pháp proton có lợi thế hơn trong việc tập trung liều bức xạ vào vị trí khối u, tránh ảnh hưởng đến những mô lành xung quanh.

 

Các kỹ thuật xạ trị proton hiện nay;
Liệu pháp proton hiện nay có 2 phương pháp chủ yếu đó là kỹ thuật chiếu xạ tán xạ đôi double-scattering irradiation và kỹ thuật quét chùm điểm spot scanning irradiation
– Kỹ thuật chiếu xạ bằng tán xạ đôi double scattering irradiation: Sử dụng 2 lá tá xạ để mở rộng chùm tia phát ra từ máy gia tốc sau đó sử dụng các thiết bị tạo hình chùm tia theo chiều dọc và chiều sâu để đưa chùm proton bao trọn lên khối u, không chiếu ra các mô lành xung quanh. Kỹ thuật này được sử dụng chủ yếu cho các khối u lớn, nằm ở vị trí có ít gần các cơ quan quan trọng như: u gan, phổi.

– Kỹ thuật chiếu xạ bằng quét điểm spot scanning irradiation: Là phương pháp hiện đại hơn sử dụng trực tiếp chùm tia pháp ra từ  máy gia tốc chiếu lên từng điểm trên khối u, quá trình chiếu xạ được liên kết trực tiếp với dữ liệu hình dạng khối u do đó có thể tăng liều cao khi chiếu vào giữa khối u và hạn chế tối đa việc chiếu vào mô lành xung quanh. Kỹ thuật này thường sử dụng điều trị bệnh nhân ung thư não, u đầu cổ, ung thư ở trẻ em…

 

Trung tâm xạ trị proton thường có các buồng điều trị gọi là các Gantry, các Gantry động có thể giúp đầu xạ trị quay quanh bệnh nhân tới 360 độ do đó có thể chỉ hướng bất kỳ tới vị trí khối u. Thường thì Gantry có định sẽ có hướng chiếu nằm ngang, được sử dụng chủ yếu để điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Với bệnh nhân bị ung thư ảnh hưởng tới toàn cơ thể như bệnh bạch cầu, bệnh lymphoma ác tính không thể sử dụng liệu pháp proton để điều trị.

return to top
Close menu