✴️ Thuốc kháng viêm giảm đau xương khớp có những loại nào?

Nội dung

Khác biệt giữa paracetamol và NSAIDs

Khác với các thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường như paracetamol (hay còn gọi là acetaminophen), NSAIDs còn có thêm đặc tính kháng viêm. Chính vì vậy, để điều trị các loại đau do viêm như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, bác sĩ cần phải điều trị các loại thuốc có cả đặc tính kháng viêm và giảm đau như NSAIDs (1).

Cả hai loại thuốc này đều có thể gây tác dụng phụ. Đối với paracetamol, nếu lạm dụng hoặc dùng liều cao có thể gây độc cho gan (1). Trong khi đó, đối với NSAIDs, hai tác dụng phụ quan trọng nhất bao gồm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa và trên tim mạch. Các loại thuốc NSAIDs thế hệ mới hơn, với cơ chế chọn lọc hơn giúp giảm đáng kể tỷ lệ biến chứng đường tiêu hóa (2). Đặc biệt, một loại thuốc NSAIDs thế hệ mới đã được FDA phê duyệt cũng đã chứng minh về tính an toàn trên tim mạch gần đây (3).

Khác biệt giữa corticosteroid và NSAIDs

Corticosteroid là một loại nội tiết nhân tạo, giống với nội tiết tố cortisone trong cơ thể người và có tác dụng kháng viêm và ức chế miễn dịch. Corticosteroid có nhiều đường dùng như dạng uống, dạng kem và dạng tiêm (tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm vào khớp). (4) Một số tác dụng phụ thường gặp của steroid bao gồm: (5)

  • Tăng cân
  • Thay đổi tâm trạng
  • Nhìn mờ
  • Dễ bị bầm tím
  • Phù nề, sưng, giữ nước
  • Mụn
  • Dạ dày bị kích thích
  • Khó ngủ
  • Đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp
  • Tăng huyết áp
  • Loãng xương

Loại thuốc này nếu sử dụng lâu dài hoặc lạm dụng có thể gây béo phì, chậm phát triển ở trẻ em và loãng xương và đặc biệt có thể gây suy tuyến thượng thận. Bên cạnh đó, do tác dụng gây suy giảm miễn dịch, corticosteroid dùng kéo dài có thể dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng. (6)

Trong khi đó, NSAIDs là một nhóm thuốc giảm đau không gây nghiện và không chứa vòng steroid trong cấu trúc. Cũng như cortisone, NSAIDs giúp giảm đau và giảm viêm do bệnh lý cơ xương khớp. Hai loại thuốc này không khác biệt về hiệu quả điều trị kháng viêm giảm đau trong các bệnh lý cơ xương khớp, tuy vậy NSAIDs giảm được nhiều tác dụng phụ so với corticosteroid. (7, 8)

 

Vậy làm sao để phòng ngừa các tác dụng phụ của thuốc kháng viêm giảm đau xương khớp?

Tóm lại, cả corticosteroid (hay còn gọi là steroid) và NSAIDs đều có tác dụng kháng viêm. Tuy vậy, thuốc NSAIDs dù ít tác dụng phụ hơn so với các steroid như mỏng, bầm da, loãng xương, tăng huyết áp, tăng đường trong máu và các vấn đề ở mắt nhưng vẫn có một số tác dụng phụ ở đường tiêu hóa và tim mạch. (4, 6, 8)

Do vậy, bất cứ khi dùng loại thuốc nào, bạn cần phải có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt với các thuốc corticosteroid. Không tự ý dùng thuốc, tăng giảm liều thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ hoặc dùng thuốc lâu hơn thời gian chỉ định.

Ngoài ra, khi đi khám, bạn cần đem theo các hồ sơ khám và toa thuốc đã có trước đây, cũng như nói rõ với bác sĩ tình trạng bệnh lý của mình để bác sĩ có thể lựa chọn loại NSAIDs phù hợp. Khi dùng thuốc, cần đảm bảo duy trì đúng liều vào thời gian quy định để đảm bảo phát huy tác dụng của thuốc mà vẫn giảm được tác dụng phụ. Trong quá trình dùng thuốc, nếu có bất cứ lo ngại nào, bạn cần báo bác sĩ ngay.

Hiện nay, một số bệnh nhân thường lạm dụng tiêm corticosteroid vào khớp. Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc xác định xem có cần chích corticosteroid vào khớp hay không tốt nhất nên do bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp quyết định và tiến hành tại bệnh viện hoặc tại một cơ sở có đầy đủ trang thiết bị y tế vô trùng và xử trí khi cần thiết. Một số trường hợp cần thận trọng khi tiêm corticosteroid vào khớp bao gồm: nhiễm trùng (như lao khớp), người bị suy giảm miễn dịch, người bị nhược giáp, rối loạn chảy máu, đái tháo đường không kiểm soát đường huyết tốt, loãng xương. (9)

Cuối cùng, cần nhớ rằng nguy cơ biến chứng đường tiêu hóa khi dùng corticosteroid sẽ tăng gấp 4 lần nếu dùng kèm NSAIDs và hơn 12 lần nếu dùng kèm NSAIDs liều cao. (10) Chính vì vậy, trước khi dùng NSAIDs, bạn cần trao đổi kĩ với bác sĩ về các loại thuốc bạn đang sử dụng, nhờ đó bác sĩ có thể điều chỉnh lại toa thuốc của bạn cho phù hợp. Đặc biệt, tuyệt đối không dùng toa thuốc của người khác để tự mua uống cho mình.

 

TLTK

1. Where to turn for pain relief – acetaminophen or NSAIDs?https://www.health.harvard.edu/pain/where-to-turn-for-pain-relief-acetaminophen-or-nsaids

2.  An Evidence-Based Update on Nonsteroidal Anti-Inflammatory Drugs. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1855338/

3. Cardiovascular Safety of Celecoxib, Naproxen, or Ibuprofen for Arthritis. https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa1611593

4. Steroids to Treat Arthritis. https://www.webmd.com/rheumatoid-arthritis/steroids-to-treat-arthritis#

5. Corticosteroids. https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/4812-corticosteroids

6. Corticosteroids vs. NSAIDs. https://www.medicinenet.com/corticosteroids_vs_nsaids/article.htm#which_drugs_interact_with _corticosteroids_and_nsaids

7. Non-Steroidal Anti-Inflammatory Drugs (NSAIDs). https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/11086-non-steroidal-anti-inflammatory-medicines-nsaids 

8. For acute gout, corticosteroids look safer than NSAIDs. https://www.mdedge.com/rheumatology/article/143993/gout/acute-gout-corticosteroids-looks-afer-nsaids 

9. Corticosteroid Injections of Joints and Soft Tissues. https://emedicine.medscape.com/article/325370-overview#a1

10. Steroids and Risk of Upper Gastrointestinal Complications. https://academic.oup.com/aje/article/153/11/1089/64676

return to top