Trẻ bị ho, sổ mũi: tiếp cận sao cho đúng?

Nội dung

Khi con bạn bắt đầu ho sổ mũi, hãy lần lượt trả lời 5 câu hỏi dưới đây:

1. Sốt hướng về vi khuẩn không?

2. Bé có đau tai không?

3. Bé có bỏ chơi không?

4. Bé có khó thở không?

5. Đợt ho sổ mũi này đã quá 10 ngày mà chưa bớt không?

=> Nếu có bất kỳ câu trả lời nào là CÓ thì cho con đi khám ngay.

=> Nếu tất cả đều là KHÔNG thì cho con ở nhà: vệ sinh mũi, bù dịch, theo dõi đủ ngày sẽ khỏi.

Bs Nhi khoa: Trần Công

 

1. Sốt hướng về vi khuẩn là như thế nào? Là sốt cao, sốt lâu, sốt mới, sốt lại và sốt lạ.

- Sốt cao: Trẻ sốt cao liên tục 39- 40 độ uống hạ sốt khó đáp ứng, trẻ mệt nhiều

- Sốt lâu:Trẻ sốt quá 72 giờ chưa thuyên giảm.

- Sốt mới: Mới đầu ho sổ mũi không sốt, tự dưng vài ngày sau đột ngột sốt cao, trẻ mệt nhiều.

- Sốt lại: Trẻ bắt đầu đợt ho sổ mũi với sốt, nhưng sốt kéo dài 1-3 ngày rồi hết. Nghỉ sốt được vài ngày đột ngột sốt cao lại.

- Sốt lạ: Người mẹ cảm thấy bất an, cảm thấy sốt đợt này rất lạ so với trước giờ

Khi trẻ có bất kỳ gạch đầu dòng nào trên đây thì coi như sốt này hướng về vi khuẩn hoặc bệnh nặng.

 

2. Đau tai: trẻ lớn khóc, chỉ tai nói đau. Trẻ nhỏ chưa biết nói thì khóc nhiều, quấy, đưa tay lên tai đau, người lớn vô tình hay cố ý đụng vào tai trẻ khóc thét lên.

 

3. Bỏ chơi: nên nhớ khi trẻ bệnh, trẻ có thể bỏ ăn chứ không bỏ chơi. Trẻ bỏ chơi coi chừng bệnh nặng. Bỏ chơi ở đây được định nghĩa là trẻ nằm im, thờ ơ, không quan tâm xung quanh hoặc ngược lại bứt rứt, kích thích quấy khóc liên tục không dỗ được. Không tính lúc trẻ sốt cao, khi trẻ sốt cao trẻ sẽ quấy hoặc lừ đừ. Chỉ cần cho 1 liều hạ sốt trẻ sẽ tỉnh lại, bình tĩnh lại và chơi lại được. Việc trẻ chậm chạp hơn, hay bắt bế, mè nheo khi ốm, khi được bế vẫn nói, vẫn cười, vẫn chỉ chỏ.. thì không được gọi là bỏ chơi.

 

4. Khó thở: biểu hiện qua 1 trong 2 hiện tượng chính: thở nhanh và rút lõm ngực

- Thở nhanh: để trẻ ngủ say hoặc nằm yên ( không sốt). Đếm nhịp thở trong vòng 1 phút, gọi là nhanh nếu trẻ thở trên:

> 60 lần/ phút với trẻ < 2 tháng

> 50 lần/ phút nếu trẻ 2-12 tháng

> 40 lần/ phút nếu trẻ 1-5 tuổi

> 30 lân/ phút nếu trẻ trên 5 tuổi

- Rút lõm ngực: quan sát sự di chuyển của ngực và bụng, sẽ thấy trẻ thở mạnh hơn, 2 bên mạng sường và giữa mũi ức rút sâu vào khi trẻ thở. Xin xem thêm các video đã cung cấp để rõ hơn.

 

5. Quá 10 ngày không bớt: nếu ho sổ mũi kéo dài quá 10 ngày không giảm thì có thể trẻ bị viêm phế quản, viêm phổi, khò khè, bội nhiễm hoặc dị ứng…

 

Lưu ý: các dấu hiệu này mang tính sàng lọc.

Trẻ mắc 1 trong các dấu hiệu này không có nghĩa CHẮC CHẮN TRẺ ĐÃ BỊ NẶNG. Ví dụ như dấu hiệu sốt mới: đó hoàn toàn có thể là 1 đợt bệnh mới chứ không hẳn là bệnh cũ biến chứng, hay ho kéo dài quá 10 ngày cũng có thể là do trẻ có cơ địa dị ứng hay trẻ bị 1 đợt cảm mới chồng lên. Khi có các dấu hiệu này phụ huynh nên đi khám để BS xem lại kỹ hơn. Nếu không có gì nghiêm trọng vẫn sẽ được về theo dõi tiếp, khi đó cần sự kiên trì của gia đình.

 

return to top