Cấu tạo và chức năng của tim

I. Cấu tạo của tim

Cấu trúc tim bao gồm nhiều bộ phận. Mỗi bộ phận lại giữ một nhiệm vụ riêng, góp phần đáp ứng và duy trì chức năng của tim.

 

1. Thành tim

Thành tim là các cơ co lại và giãn ra để đáp ứng chức năng của tim là bơm máu đi khắp cơ thể. Thành tim có ba lớp, mỗi lớp lại giữ một chức năng khác nhau, bao gồm:

  • Lớp nội tâm mạc (lớp trong cùng). Một lớp mỏng bên trong cùng tạo nên lớp niêm mạc của bốn ngăn và các van trong tim.
  • Lớp cơ tim (lớp ở giữa). Đây là một lớp cơ dày ở giữa co lại và thư giãn để bơm máu đến tim.
  • Lớp màng ngoài tim (lớp ngoài cùng). Màng ngoài tim là một lớp màng mỏng bao phủ toàn bộ trái tim. Nó tạo ra chất lỏng để bôi trơn trái tim và bảo vệ tim không bị cọ xát với các cơ quan lân cận khác.

 

2. Buồng tim

Trái tim được chia thành bốn ngăn còn được gọi là các buồng tim. Mỗi buồng tim lại giữ nhiệm vụ riêng nhằm đáp ứng chức năng của tim là bơm máu đi khắp cơ thể. Cụ thể như sau:

  • Tâm nhĩ phải (buồng tim trên bên phải): Hai tĩnh mạch chủ thu thập máu nghèo oxy từ toàn bộ cơ thể mang đến tâm nhĩ phải. Sau đó, tâm nhĩ phải sẽ bơm máu đến tâm thất phải.
  • Tâm thất phải (buồng tim dưới bên phải): Buồng tim này chịu trách nhiệm bơm máu nghèo oxy đến phổi thông qua động mạch phổi để phổi sẽ nạp lại oxy cho máu.
  • Tâm nhĩ trái (buồng tim trên bên trái): Sau khi phổi nạp đầy oxy vào máu, các tĩnh mạch phổi đưa máu đến tâm nhĩ trái. Buồng tim này sẽ bơm máu giàu oxy đến tâm thất trái.
  • Tâm thất trái (buồng tim dưới bên trái): Tâm thất trái là buồng tim lớn nhất trong trái tim. Nó chịu trách nhiệm bơm máu giàu oxy vào động mạch chủ và đến các phần còn lại của cơ thể.

 

3. Chức năng van tim

Van tim sẽ đóng mở nhịp nhàng theo từng nhịp đập để cho phép máu chảy qua các buồng tim một cách hợp lý. Chức năng van tim là kiểm soát, điều chỉnh lưu lượng và hướng máu qua các buồng tim. Các van tim bao gồm:

  • Van ba lá điều chỉnh lưu lượng máu nghèo oxy từ tâm nhĩ phải đến tâm thất phải.
  • Van động mạch phổi kiểm soát lưu lượng máu từ tâm thất phải vào động mạch phổi, mang máu đến phổi để lấy oxy.
  • Van hai lá cho phép máu giàu oxy từ phổi đi từ tâm nhĩ trái vào tâm thất trái.
  • Van động mạch chủ mở đường cho máu giàu oxy đi từ tâm thất trái vào động mạch chủ, động mạch lớn nhất của cơ thể bạn.

II. Chức năng của tim là gì?

Trái tim là một cơ quan quan trọng trong hệ tuần hoàn. Mỗi ngày, tim đập khoảng 100.000 lần để thực hiện chức năng bơm máu đi khắp cơ thể. Chức năng của tim là bơm máu đến tất cả các bộ phận khác trên cơ thể thông qua một mạng lưới các mạch máu được gọi là hệ thống tuần hoàn.

Máu do tim bơm cung cấp cho cơ thể một lượng oxy và chất dinh dưỡng cần thiết để giúp các cơ quan và cơ bắp hoạt động tốt. Máu cũng mang đi carbon dioxide và các chất thải không mong muốn khác trở lại phổi để loại bỏ ra ngoài.

* Mối quan hệ giữa tim với các cơ quan khác

Chức năng của tim được duy trì và phối hợp với các hệ thống cơ quan khác trên cơ thể để kiểm soát nhịp tim và ổn định huyết áp. Mối quan hệ giữa hoạt động của tim với các cơ quan khác cụ thể là:

  • Hệ thần kinh: Hệ thần kinh giúp kiểm soát nhịp tim. Thần kinh gửi tín hiệu cho tim biết nên đập chậm hơn khi nghỉ ngơi và nhanh hơn khi căng thẳng.
  • Hệ thống nội tiết: Hệ thống nội tiết gửi ra các hormone làm mạch máu co lại hoặc giãn ra, điều này ảnh hưởng đến huyết áp. Các hormone từ tuyến giáp cũng khiến cho tim bạn đập nhanh hơn hoặc chậm hơn.
return to top