✴️ Đái tháo đường là bệnh gì?nguyên nhân bệnh lý

Nội dung

Bệnh đái tháo đường là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa đang ngày một gia tăng trên toàn thế giới. Vậy đái tháo đường là bệnh gì, đâu là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh đó?

 

Đái tháo đường là bệnh gì?

Đái tháo đường hay còn gọi là bệnh tiểu đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat, mỡ, protein khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao.

Nhiều yếu tố quyết định bệnh đái tháo đường như gen, môi trường, ăn uống, vận động thể lực… Bệnh xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, hoặc cơ thể giảm đáp ứng với tác dụng của insulin (đề kháng với insulin).

 

Biểu hiện thường gặp của người bị đái tháo đường

Bệnh nhân đái tháo đường có những biểu hiện lâm sàng sau: Đi tiểu nhiều, uống nhiều nước, sụt cân nhiều, ăn nhiều, mệt mỏi, một số triệu chứng khác như ngứa, tê bì tay chân, giảm thị lực, khô da…

Những biểu hiện thường gặp ở người đái tháo đường giai đoạn đầu.

 

Tùy từng loại đái tháo đường mà biểu hiện bệnh cũng có sự khác biệt:

Đái tháo đường loại 1: Do tuyến tụy không tiết insulin

Nguyên nhân dẫn đến bệnh do tiền sử gia đình có người từng mắc đái tháo đường hoặc do các bệnh về tuyến tụy, nhiễm khuẩn hoặc bệnh tật dẫn đến tổn thương tuyến tụy làm cho tụy không thể sản xuất insulin, khiến glucose trong máu tăng cao. Bệnh phần lớn xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi.

Đái tháo đường loại 2: Do cơ thể tiết giảm và đề kháng insulin

Đái tháo đường loại 2 có thể bắt đầu ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng thường ảnh hưởng đến người lớn. Nguy cơ dẫn đến bệnh là có thể là do béo phì hoặc thừa cân, cơ thể có quá nhiều mỡ thừa có thể làm tăng đề kháng insulin, tăng cao glucose trong máu và tăng nguy cơ mắc bệnh. Lối sống thụ động, lười vận động có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường loại 2. Ngoài ra người bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… cũng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 cao hơn các đối tượng khác.

Đái tháo đường thai kỳ

Nguyên nhân do kích thích tố do nhau thai tạo ra hoặc quá ít insulin, lượng đường trong máu cao từ mẹ gây ra lượng đường trong máu cao ở em bé. Điều đó có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi nếu không được điều trị.

Ngoài ra đái tháo đường thai kỳ còn do một số nguyên nhân như tăng quá nhiều cân trong thời kỳ mang thai; đã từng bị đái tháo đường thai kỳ trong quá khứ khiến bạn dễ mắc bệnh này trở lại; di truyền trong gia đình; khi những phụ nữ trên 40 tuổi mới sinh con có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn…

Đo đường huyết thường xuyên để có biện pháp điều trị đái tháo đường phù hợp.

 

Biện pháp phòng ngừa bệnh đái tháo đường

Biểu hiện của bệnh đái tháo đường thường không quá rõ ràng, có nghĩa là nhiều người mắc bệnh trong thời gian dài mà không phát hiện ra trước khi được chẩn đoán. Vì vậy nếu nghi ngờ mắc bệnh đái tháo đường, tốt nhất nên tới bệnh viện để kiểm tra và chẩn đoán chính xác. Việc phát hiện sớm bệnh sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị đồng thời làm giảm nguy cơ phát triển các biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra có thể phòng ngừa bệnh đái tháo đường bằng một số cách sau:

– Có chế độ ăn uống khoa học: ăn ít đường, chất béo, cacbohydrat, ăn nhiều chất xơ có trong rau xanh, trái cây… Chất xơ có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh đái tháo đường, bởi nó hạ thấp tỷ lệ đường trong máu, ngoài ra chất xơ còn có tác dụng trong việc phòng chống bệnh tim mạch.

– Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, phù hợp với sức khỏe không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn hạn chế nguy cơ béo phì, giúp hạ thấp lượng đường và insulin trong máu.

– Hạn chế sử dụng chất kích thích như thuốc là, rượu bia…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top