✴️ Vì sao cần uống nhiều nước và nhịn tiểu khi siêu âm bụng tổng quát?

Siêu âm ổ bụng tổng quát là sử dụng sóng âm để quan sát bên trong ổ bụng nhằm phát hiện một bệnh lý nào đó trên cơ thể người. Siêu âm ổ bụng có thể được thực hiện để kiểm tra sức khỏe định kỳ, hoặc để xác định bệnh lý thông qua các dấu hiệu bất thường.

 

Một số yếu tố ảnh hưởng đến siêu âm ổ bụng

  • Siêu âm có thể khảo sát hạn chế ở bệnh nhân béo phì hoặc dạ dày nhiều hơi. Những bệnh nhân bị béo phì do thành bụng dày và ở những bệnh nhân ăn no sẽ thường còn tích trữ thức ăn trong dạ dày cũng như khí ở đường ruột. Những điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả siêu âm, và có thể khiến bỏ sót tổn thương. Vì vậy người bệnh nên hạn chế ăn những đồ khó tiêu, nhiều dầu mỡ và dễ gây đầy bụng trước khi siêu âm.
  • Nhiều thức ăn sẽ cản trở siêu âm hệ tiêu hóa. Thức ăn trong dạ dày khiến siêu âm ổ bụng không thể thấy hết được hình ảnh cấu trúc toàn bộ của dạ dày. Hơn nữa khi đang có thức ăn tức là hệ mật ruột đều cần hoạt động khiến túi mật bị xẹp và do đó khó khảo sát. Từ những điều này rút ra: trước khi siêu âm ổ bụng cần nhịn ăn từ 6 - 8 giờ trước khi kiểm tra, để đánh giá tốt nhất hệ tiêu hóa nói chung và bệnh lý về túi mật, đường mật nói riêng.
  • Ít nước tiểu trong bàng quang làm hạn chế khảo sát vùng hạ vị. Bệnh nhân vừa đi tiểu xong hoặc uống ít nước sẽ làm cho bàng quang ít nước tiểu, điều này dẫn đến hạn chế quan sát vùng tiểu khung và khiến khó phát hiện một số bệnh lý như u xơ tử cung ở nữa hoặc u xơ tiền liệt tuyến ở nam.

 

Những lợi ích của việc uống nhiều nước và nhịn tiểu khi siêu âm bụng tổng quát?

  • Khi uống nhiều nước, sẽ khiến cho dạ dày hoặc một số ống tiêu hóa dễ quan sát hơn, vì nước luôn là môi trường giúp truyền sóng âm tốt.
  • Cần thiết có nước tiểu trong bàng quang là do nước tạo ra môi trường truyền âm cho các tia sóng siêu âm đi qua tốt hơn và giúp quan sát các cơ quan nằm ở sâu. Nhịn tiểu làm căng bàng quang và cho kết quả siêu âm chính xác khi đánh giá các cấu trúc như lòng bàng quang, tuyến tiền liệt, tử cung...
  • Ở người nữ, việc nhiều nước tiểu trong bàng quang làm cho bàng quang căng dẫn đến thay đổi vị trí của tử cung - cụ thể là tử cung được đẩy lên dễ dàng quan sát hơn. Bàng quang căng dễ quan sát các cơ quan trong tiểu khung do không bị che lấp bởi các quai ruột.
  • Đối với siêu âm thai. Tuổi thai trước tuần 20-24 hoặc sớm hơn đặc biệt đòi hỏi bàng quang phải căng tiểu để quan sát rõ tử cung. Điều này sẽ giúp cho sóng siêu âm xuyên sâu tốt hơn và cho hình ảnh trong tử cung rõ nét. Ngoài ra nước trong bàng quang có thể tạo ra môi trường thuận lợi để thu được hình ảnh siêu âm thai tốt nhất.

 

* Đối với siêu âm đầu dò âm đạo (chỉ thực hiện ở phụ nữ đã có quan hệ tình dục): ngược lại với chuẩn bị khi siêu âm bụng - bệnh nhân phải đi tiểu hết để bàng quang không còn nước tiểu trước khi siêu âm.

 

BS Lương Công Minh - chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh

return to top