✴️ Phương pháp khám và chẩn đoán bệnh theo y học cổ truyền (P1)

Nội dung

NỘI DUNG CỤ THỂ

Vấn chẩn

Vấn chẩn là một phần trọng yếu của tứ chẩn, thông qua vấn chẩn gợi cho chẩn đoán chính xác. Nội dung chính của vấn chẩn gần giống như y học hiện đại, vừa phải giải thích triệu chứng đau hiện tại vừa phải hiểu được quá trình phát bệnh, nguyên nhân và khái quát quá trình bệnh nhân đã điều trị, phản ứng của bệnh sau uống thuốc hoặc châm. Khái quát bệnh sử và tập quán sinh hoạt, ăn uống, tình hình tư tưởng và gia đình… vấn chẩn có những đặc điểm riêng, y học xưa có người đặt thành bài ca thập vấn để khỏi quên thứ tự khám xét:

“Nhất vấn hàn nhiệt, nhị vận hãn

Tam vấn ẩm thực, tứ vận tiện

Ngũ vấn đầu thân, lục vấn phúc hung

Thất vấn tai, bát vấn khát, cửu vấn bệnh cũ

Thập vấn nhân”.

Ngoài ra, hỏi về uống thuốc, riêng nữ giới hỏi về kinh, đới thai sản, trẻ em vấn đề sởi đậu.

Vấn hàn nhiệt, hãn: phải hỏi rõ có sốt hay không sốt, mức độ nặng nhẹ của sợ gió lạnh, sợ rét nóng, đặc biệt của phát sốt, có mồ hôi hay không có mồ hôi, tính chất nhiều ít thế nào ?

Bệnh mới mắc phát sốt, sợ lạnh là biểu chứng ngoại cảm, sốt ít, sợ lạnh nhiều, không có mồ hôi là biểu chứng ngoại cảm phong hàn, nếu sốt cao, sợ lạnh ít, có mồ hôi là biểu chứng ngoại cảm phong nhiệt.

Lạnh rồi lại sốt, sốt rồi lại lạnh là chứng hàn nhiệt vãng lai, nếu thời gian phát bệnh ngắn kèm theo họng đắng, miệng khô, đầu choáng, mắt hoa, ngực sườn đầy tức là chứng “bán biểu bán lý”.

Phát sốt, không sợ lạnh, có mồ hôi, miệng khát, tiện bế là chứng lý thực nhiệt.

Bệnh mãn tính: thường bệnh nhân cố sốt nhẹ về chiều, ngực và lòng bàn tay, bàn chân nóng (ngũ tâm phiền nhiệt), gò má đỏ, môi khô, tự hãn là âm hư sinh nội nhiệt thường sợ lạnh, đoản khí vô lực, tự hãn là dương hư.

Vấn đề đầu, thân, ngực, bụng: chủ yếu là hỏi về vị trí đau, tính chất đau và thời gian đau.

Đầu đau, chóng mặt, đau đầu liên tục, đau ở hai bên thái dương kèm theo phát sốt sợ lạnh thường là do ngoại cảm (cảm mạo), nếu lúc đau, lúc không có kèm theo huyễn vựng, không rét, không nóng thường là do chứng bệnh nội thương thuộc lý, nếu đau nửa đầu đa phần do nội phong hoặc huyết hư, đau đầu sáng sớm, khi mệt mỏi đau tăng thường do dương hư, đau đầu buổi chiều thường do huyết hư, đau đầu giữa đêm thường do âm hư. Đau đầu, huyễn vựng, mắt đỏ, miệng đắng là do can thương hỏa thịnh. Đầu choáng, tâm quí, khí đoản, vô lực thường do khí huyết đều hư. Đột nhiên nhức như căng đầu ra thuộc thực chứng, lâu ngày thuộc hư chứng. Đau nhức nặng như ghì xuống, như mặc giáp thường thuộc về chứng thấp.

Đau thân thể, toàn thân đau mỏi, phát sốt, sợ lạnh do ngoại cảm, đau thân thể lâu ngày đa phần là do khí huyết bất túc, phần lưng đau mỏi do thận hư, khớp tứ chi, cơ nhục, cân cốt đau mỏi, tê nhiều hoặc sưng khớp, đau di chuyển nhiều hoặc cố định phần nhiều do phong hàn thấp tý.

Đau ngực, đau ngực phát sốt, ho, nôn máu (nục huyết) phần nhiều phế ung thũng (dãn phế quản, u phế quản), đau ngực triều nhiệt, ho khan, ít đàm, trong đàm có dây huyết do phế lao thương (phế kết hạch), u phổi. Đau ngực hướng lan ra sau lưng và lên vai hoặc đau xương ức, cảm giác nặng vùng tim là hung tý (chú ý tâm giao thống), hiếp thống thường do can khái không thư thái (căng thẳng kéo dài).

Phúc thống: chỉ đau bụng trên, hay oẹ hoặc nôn ra nước trong thuộc vị hàn, đau chướng bụng trên hay ợ chua, có thể do thực trệ, quanh rốn đau tức, lúc đau, lúc không, khi đau như có hòn cục nổi lên thường do giun đũa. Đau bụng phát sốt tiết tả hoặc hạ lợi (có máu), lỵ cấp hậu trọng phần nhiều do thực chứng thấp nhiệt. Đau bụng lâm râm, đại tiện lỏng nát, sợ lạnh, tứ chi lạnh phần nhiều là chứng hư hàn thấp.  Nói chung đau đột ngột, dữ dội là thực, đau lâu là hư, đau sau khi ăn, bụng chướng là thực, sau khi ăn đau giảm, vị trí đau cố định, đau đớn kịch liệt, khi ấn đau tăng (cự án) là thực, còn đau âm ỉ, vị trí không cố định, khi ấn đau giảm hoặc thiện án là hư.

Vấn đề ăn uống (ẩm thực): phải hỏi bệnh nhân tỉ mỉ về cảm giác thèm ăn, lượng ăn, khẩu vị, phản ứng sau khi ăn và cảm giác khát. Người bệnh ăn uống bình thường chứng tỏ vị khí không tổn thương, không muốn ăn uống lại hay buồn nôn hay ợ là vị có tích trệ; ăn nhiều hay đói là vị thực hỏa (chú ý chứng tiêu khát), miệng khát, thích uống nước mát phần nhiều là vị nhiệt thương âm, miệng khát thích uống nước ấm nóng thường là do vị dương bất túc; miệng khát, không khát hoặc do biểu chứng chuyển vào lý hoặc do chứng lý dương hư hàn thịnh, miệng khô không muốn uống là tỳ hư thấp thịnh. Bệnh nhân đắng miệng là can đởm có nhiệt, miệng chua là trường vị tích trệ, trong miệng lở loét thường là tỳ có thấp nhiệt, miệng nhạt là hư chứng. 

Vấn đề đại, tiểu tiện: phải hỏi rõ số lần, tính chất có máu hay không có máu.

Đại tiện táo kết, khô ráo khó đi, phát sốt thuộc chứng nhiệt (thực chứng), bệnh lâu, mới đẻ, người già tiện bí kết thường thuộc chứng khí hư hoặc tân hao.

Đại tiện lỏng nát, trước đại tiện không đau bụng là do tỳ vị hư hàn, trước ngủ dậy (sáng sớm) đau bụng, ỉa lỏng (gọi là ngũ canh tiết) thường do thận dương hư, đại tiện lỏng như nước, phản xạ mót dặn, nóng ở giang môn là vị trường có nhiệt, đại tiện phân chua, bạc màu, nhiều bọt, bụng đau phúc tả, sau tả đau giảm là thực trệ.

Đại tiện nùng huyết “lỵ cấp hậu trọng”, bụng đau phát sốt là thấp nhiệt hạ lợi, đại tiện phân có giây máu, sắc tươi hồng là mới xuất huyết, đại tiện phân hồng đen là máu cũ.

Tiểu tiện lượng nhiều mà trong, trắng phần nhiều là hư hàn; trong trắng nhiều lần (phiền số) thậm chí đái són là khí hư. Tiểu tiện ít mà vàng thuộc nhiệt hoặc tiểu đục, đái buốt, tiểu khó khăn phần nhiều do thấp nhiệt.

Tiểu tiện nhiều về đêm hoặc trong giấc ngủ di niệu là thận hư, niệu cấp, nhiều lần, buốt, dắt, bài niệu khó khăn hoặc nước tiểu có máu, sa thạch phần nhiều do lâm chứng. Miệng khát uống nhiều, tiểu tiện nhiều, toàn thân gầy nhanh là tiêu khát (đái tháo đường). Đột nhiên phát sinh niệu bế, bàng quang đau nhiều, phát sốt là thực chứng, lượng nước tiểu giảm ít, thậm chí vô niệu, sắc mặt trắng bệch, đau thắt lưng, tay chân lạnh là hư chứng.

Vấn về giấc ngủ (thùy miên): phải hỏi rõ vào giấc ngủ khó hay dễ, buổi tối khó vào giấc ngủ, ăn kém, gầy gò vô lực, tâm quí kiện vong, tinh thần hoảng loạn là tâm tỳ lưỡng hư phần nhiều do ưu tư quá độ, hư phiền không ngủ được, triều nhiệt tự hãn, lưỡi đỏ, ít tân, mạch tế là âm hư. Trong trường hợp mất ngủ sau khi ốm nặng hoặc là người già khí huyết lưỡng hư, khí huyết hư thường dẫn đến mất ngủ. Đêm ngủ không yên giấc, thiếu ngủ, tâm phiền, miệng lưỡi sinh mụn nhọt, đầu lưỡi đỏ là tâm hỏa vượng thịnh, mất ngủ, hay mộng, đau đầu, miệng đắng, hay giận dữ, cáu gắt là can hỏa vượng thịnh. Trong mộng kinh sợ nhiều là đởm khí hư hoặc vị nhiệt. Mơ mộng nhiều, chi thể gầy gò, ngủ nhiều, giấc ngủ không sâu là khí hư, sau khi ăn mệt mỏi, muốn ngủ đa phần là tỳ khí bất túc. Sau khi ốm ngủ tốt là chính khí đã hồi phục. Mình nặng, mạch hoãn, ngủ nhiều là thấp thắng.

Vấn về tai ù: thận can đởm có quan hệ chặt chẽ với tai, ù tai nhiều, đột ngột là can đởm hỏa vượng thực chứng, ù tai nhiều ngày kéo dài là thận hư, khí hư. Trong ôn bệnh xuất hiện tai ù là nhiệt tà thương âm, tai ù kèm theo tâm quí, đầu chóng là hư chứng, nếu kèm theo tức ngực, sườn đau, miệng đắng, đại tiện táo kết, hay nôn mửa đa phần thuộc thực chứng.

Thai phụ bệnh, ngoài đặc điểm vấn như trên, vẫn phải chú ý.

Người bệnh là nữ phải hỏi tỉ mỉ kinh nguyệt, đã kết duyên hay chưa (bao gồm dậy thì, chu kỳ, tính chất của kinh nguyệt nhiều hay ít, có hay không có thống kinh, mầu sắc khí vị bạch đới) và hỏi khả năng sinh dục (số lần có thai, đẻ, có khó đẻ hay không, xảy thai…)

Về kinh nguyệt: kinh gnuyệt lượng nhiều, đỏ thẫm mà đặc, miệng đắng, môi đỏ là huyết nhiệt, kinh huyết tím đen, có máu cục đa phần thuộc thực chứng. Kinh nguyệt kéo dài, kinh huyết lượng ít, đỏ nhợt mà loãng, sắc mặt vàng nhợt là huyết hư, nếu chi lạnh, mặt trắng là hàn thực, nếu huyết xám tím thành cục, bụng dưới đau đớn cự án hoặc chướng to là khí trệ huyết ứ. Kinh nguyệt huyết có mùi hôi là chứng nhiệt, có mùi tanh là chứng hàn. Bạch đới trong, lỏng mà tanh là hư hàn, vàng đặc mà hôi là thấp nhiệt. Sau đẻ sản dịch rong kinh kéo dài kèm theo bụng đau cự án là huyết ứ.

Đối với bệnh thiếu nhi đều phải hỏi rõ thời kỳ dậy thì (phát dục), tiền sử có bị đậu mùa, sởi hay không,  sau cùng là chú ý đến ăn uống và nuôi dưỡng.

Vọng chẩn

Là thông qua quan sát trạng thái chung, thần, sắc, hình thái mắt, môi và quan sát lưỡi giúp thêm cho chẩn đoán về tính chất bệnh. Trẻ em từ ba tuổi trở xuống, có thể xem “chỉ văn” để giúp thêm cho chẩn đoán.

Trạng thái chung: tinh thần uỷ mị, ánh mắt không thần, da mặt xanh bệu trệ, sắc mặt sáng tối, không sáng thường biểu hiện chính khí tổn thương, sắc mặt trắng bệch, da trông khô, môi nhợt phần nhiều do huyết hư, sắc mặt vàng bủng do tỳ hư, bệnh lâu ngày, sắc mặt xám đen phần nhiều do thận hư, hai gò má đỏ về chiều, có sốt thường do âm hư  sinh nội nhiệt, bệnh nhi có gò má hồng đỏ, quanh môi lại xanh tím là can phong. Trong màu sắc của các loại bệnh nhìn chung: nhuận sáng là bệnh tương đối nhẹ, xám tối là nặng. Trong các bệnh ôn nhiệt hoặc trẻ con bị cấp kinh phong, vận động nhãn cầu không linh hoạt, lúc cố định, lúc nhìn lên hoặc nhìn thẳng hoặc nhìn lệch, đa phần thuộc can phong nội động hoặc đàm nhiệt tụ bế, đây là một trong những triệu chứng của tiểu nhi kinh phong. Trong bệnh trẻ em mà không có mồ hôi, lỗ mũi khô, không có dịch thường là chứng nặng, sắc mũi trắng bệch là khí huyết hư nhược.  - Hình thái: hình thế tiều tụy, chi thể gầy gò, bì phu khô ráo là khí huyết hư nhược, hư bệu, ăn kém là tỳ hư có đàm; hình gầy, ăn ít là trung khí hư nhược, hình gầy ăn nhiều là trung tiêu có hỏa, da toàn thân thấy vàng, củng mạc, kết mạc phát vàng là hoàng đản; sắc vàng thẫm, tươi như quất bì, phát sốt là do dương hoàng (phần nhiều là cấp tính). Toàn thân phù thũng, bệnh tăng dần, khớp chi nặng nề, đau mỏi hoặc kèm theo sợ lạnh, sợ gió là thủy khí nội đình, phong tà xâm nhập, mình nặng tinh thần mệt mỏi là thấp nặng, lưng mỏi, chi lạnh, sắc mặt ám tối là thận dương hư. Hạ chi phù thũng, sắc mặt vàng bủng, ăn không ngon, bụng chướng, đại tiện lỏng nát là tỳ dương hư. Ngoài ra xuất hiện ban chẩn (dạng điểm là chẩn, dạng phiếu là ban) đa phần là nội nhiệt. Bệnh ôn nhiệt nặng là nhiệt vào huyết phận, ban chẩn sắc tươi, sắc hồng nhuận là bệnh nhẹ, sắc xám tối là bệnh nặng.

Vọng về lưỡi (thiệt chẩn): khi quan sát, trông lưỡi để chẩn đoán bệnh, y học cổ truyền luôn coi lưỡi như một trong những bức tranh phản ánh bệnh tật của cơ quan nội tạng. Vì vậy trông lưỡi để chẩn đoán bệnh theo y lý cổ truyền cần phải toàn diện, tỉ mỉ. Trước hết phải khám để loại bỏ những bệnh tại lưỡi và sự biến đổi của lưỡi liên quan đến chứng bệnh theo y học hiện đại. Những bệnh của lưỡi: viêm lưỡi, lưỡi sưng to, đau, cử động hạn chế thường gặp là trạng thái viêm lưỡi xung huyết. Loét lưỡi, lưỡi có các vết loét ở niêm mạc, người bệnh thường đau khó chịu, bệnh lưỡi ngoại khoa thường gặp u lành và các khối giả u. U máu (angiome) thành một đám gồ lên, màu hồng tươi hoặc xanh lơ, ở dưới niêm mạc có tính cương tụ, đám u này thường gặp ở lưỡi, lợi, môi. Lưỡi có hình thể to và thường xuyên bị đẩy ra phía trước, sờ ấn đám u máu thấy mềm, ấn xuống được và khi bảo người bệnh làm động tác cố gắng thì u máu cương tụ lên. U hạt; thường phát sinh sau một vết thương của lưỡi thành một u hạt, có nhiều mao mạch dãn, khi khám u hạt thấy như quả dâu tây có nhiều mạch máu, dễ chảy máu, dễ tái phát. Bướu giáp lạc ở chỗ lưỡi: bướu giáp lạc chỗ có thể thoái hóa biến thành dạng nang. U cơ, u mỡ, u xơ mỡ, u nang, u tuyến nang, u bẩm sinh, u nang do ký sinh trùng gây ra. U xơ hiếm gặp thường ở thân lưỡi.

Các loại u ác tính.

Saccom: thường gặp ở người trẻ, gặp ở nam giới hai lần nhiều hơn nữ, vị trí gặp ở hai phần ba phía sau của lưỡi, u cứng, mầu trắng, có tính chất đàn hồi, phát sinh ở bề sâu của lưỡi.

Ung thư biểu mô: thường gặp ở người có tuổi (40 - 60), người nghiện thuốc lá nặng, có đám vẩy trắng ở niêm mạc lưỡi (do sự kích thích trường diễn của thuốc lá), ở người có vết loét giang mai ở lưỡi. Lâm sàng thể hiện lúc đầu một đám (vết) tổn thương không đau, nhẵn, bóng như vết khảm, mềm, không chảy máu. Đám này lớn rộng dần, trở nên cứng, mầu chuyển thành xám, diện gồ ghề, hơi đau và dễ chảy máu khi chạm tới. Theo vị trí ung thư lưỡi ở đầu lưỡi, ở viền lưỡi, ở cuống lưỡi, khi khám thấy có hạch ở dưới hàm, vùng cổ kèm theo, chẩn đoán bằng sinh thiết làm xét nghiệm giải phẫu bệnh học.

Các thương tổn lưỡi của bệnh giang mai: khi khám lưỡi thấy các đám niêm mạc lột bong đi lộ ra các nền trống trên lưỡi được ví như các mảnh ruộng đã được giặt sạch.

Bệnh lưỡi và niêm mạc miệng.

Niêm mạc miệng và lưỡi có vết loét ở bờ lưỡi thành vệt màu trắng xám, kèm theo có hạch đau. Theo Bergeron là do một loại giống xoắn khuẩn.

Viêm lưỡi do thuốc (cả viêm niêm mạc miệng): thường do bismuth, vàng, asen. Tùy theo thuốc dùng mà có triệu chứng như khô niêm mạc miệng lưỡi, có vị kim loại, đau răng, đau khi nhai, nếu do bismuth thì có vết xanh đen ở niêm mạc miệng lưỡi, do vùng loét có mầu xà cừ, do asen loét có mầu hoại tử.

Viêm lưỡi mất gai lưỡi do nhiều nguyên nhân.

Thiếu máu ác tính (viêm lưỡi Hunter) niêm mạc lưỡi nhợt nhạt mà đau, nhẵn, bóng, mất gai, lưỡi teo toàn bộ bề mặt hoặc teo 1/2 phần trước mặt dưới lưỡi, cần xét nghiệm máu để phát hiện thiếu máu ưu sắc có nhiễm tiểu cậu nhẹ, viêm lưỡi Moeller cũng do thiếu máu ác tính biểu hiện ở lưỡi bằng các vệt đỏ hoặc nhợt nhạt hình bầu dục rải rác trên mặt lưỡi, đau dữ dội ở các vết đó khi đụng vào.

Viêm lưỡi do thiếu máu nhược sắc, thiếu dưỡng chất, biểu hiện viêm lưỡi mất gai, khô, đau niêm mạc miệng, cần xét nghiệm máu (số lượng hồng cầu gần bình thường nhưng huyết sắc tố giảm mạnh, xét nghiệm dịch vị không có HCL, thiếu dưỡng chất).

Viêm lưỡi do thiếu Vitamin C: viêm lưỡi mất gai, nhẵn, bóng, giảm tiết nước bọt, tổn thương móng tay, chân, mồ hôi giảm (móng lõm, rối loạn tiêu hóa với thiểu toan). 

Hội chứng Gougerch - Sjoegren: viêm miệng khô, viêm lưỡi mất gai (cả khô mắt)

Viêm lưỡi mất gai thành đám: cần xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán để xác định hoặc loại trừ, có thể do sâu răng, rối loạn tiêu hóa, đái đường.

Viêm lưỡi hình thoi trung tâm: mặt lưỡi nhẵn, đôi khi hơi tím và có bạch cầu nhẹ, đôi khi mất mô, giải phẫu bệnh lý có tăng gai, nguyên nhân chưa rõ, có thể là một loại bột (novi); lưỡi địa đồ gồm nhiều đám mất gai đỏ và nhẵn, có một viền trắng bao quanh vằn vèo vẽ thành như hình địa đồ, không đau, kéo dài vô tận, chưa rõ nguyên nhân.

Viêm lưỡi do nấm mốc: xét nghiệm tìm Candida albicans có cả viêm miệng môi (tứa miệng, lưỡi).

Liken phẳng ở lưỡi: cần khám niêm mạc miệng ở lưỡi hình mạng lưới, hình vàng hoặc hình rêu dương xỉ, trắng đục, gờ cao.

Bạch sản (leucoplasie)thường chỉ gặp ở nam giới, nhẹ thì trông như một mạng trắng, đục, nhẵn đồng đều, ranh giới không rõ. Nặng và để lâu thì như đám trắng xà cừ đục, bề mặt nhẵn hoặc có khía ô vuông, vách mặt trên như có bự niêm mạc, ở chỗ đó không mềm mại, cần làm sinh thiết vì bạch sản dễ làm ung thư.  

Lưỡi đen hay gặp tương đối, mầu có thể từ nâu hoặc đen thật sự: phân chia thành hai loại.

Lưỡi đen có nhung mao, gai lưỡi phì đại, xù xì màu đen và có lẽ do chất sừng tạo ra.

Lưỡi đen do thuốc, do dùng thuốc súc miệng hoặc thuốc khác có tính oxy hóa làm phì đại gai lưỡi và sẫm màu.

Đau lưỡi là một cảm giác đau cảm nhận thấy ở một điểm cố định ở lưỡi hoặc ở một phần lớn của lưỡi, nhìn qua không phát hiện được những biến đổi ở lưỡi, thường xuất hiện ở những người có trạng thái tâm lý (bị ám ảnh, sợ ung thư), khám kỹ lưỡi sẽ thấy ở trên một vùng lưỡi nào đó có phì đại gai lưỡi dạng chỉ. Các gai này lởm chởm, đỏ chói, thường rất đau khi chạm vào, dù rất nhẹ. Hiện tượng viêm gan này bề ngoài có vẻ nguyên phát và có lẽ là nguyên nhân của đau vì khi đốt điện nông các gai viêm này thì hết đau lưỡi, người ta phát hiện có giãn tĩnh mạch dưới lưỡi. Căn nguyên thường khó xác định, có thể do viêm lợi, răng, do liken phẳng không nhìn thấy, do sản sinh ra các hóa chất hoặc dòng điện từ  răng giả hoặc chất hàn răng, do rối loạn tiêu hóa làm biến đổi pH nước bọt… cũng có thể do viêm gai nhiễm khuẩn (do liên cầu khuẩn).

Biến đổi lưỡi liên quan đến bệnh lý toàn thân.

Lưỡi mập, bệu, nhẽo: thường do phù nề tổ chức khi albumin trong huyết tương giảm thấp. Do có giảm trương lực các nhóm cơ ở lưỡi nên diện tiếp xúc của bờ rìa lưỡi và đầu lưỡi với mặt trong các răng có các vết dấu hằn của răng.

Lưỡi to mập, bệu, chắc nhưng cử động lưỡi khó; gặp trong bệnh to mặt và các chi, lưỡi miệng hầu dầy.

Cần phân biệt với các trạng thái dị dạng bẩm sinh về hình thể lưỡi sau đây.

Lưỡi to bẩm sinh: ngay sau khi mới đẻ do sự phát triển quá nhiều tổ chức cơ, tổ chức tuyến, tổ chức bạch mạch. Do lưỡi quá to nên chèn các bộ phận khác trong miệng, làm lệch vẹo vị trí các răng.

Lưỡi rụt ngắn bẩm sinh: do ngắn bẩm sinh đoạn nối lưỡi với nền miệng nên không thè lưỡi ra được và do đó cử động lưỡi bị hạn chế.

Tuyến giáp lạc vị trí và ở ngay trên viền lưỡi, nơi tiếp giáp đường viền nhú dạng đài với thanh nhiệt. Khi khám thấy có phần gồ ở nền lưỡi, có tổ chức tuyến giáp và màng lưới mạch máu phong phú.

Biến đổi màu sắc lưỡi.

Bình thường chất lưỡi hồng tươi, khi thiếu máu có phù to do albumin huyết tương giảm, mầu lưỡi sẽ trắng nhợt.

Khi có tăng sinh các huyết quản có xung huyết, mầu lưỡi thường xẫm.

Khi có ứ trệ lưu thông huyết, mầu lưỡi thường xanh tím.

Biến đổi độ ẩm lưỡi: lưỡi khô khi trạng thái cơ thể bị thiếu nước (mất nước do đi lỏng, nôn nhiều, do ra quá nhiều mồ hôi), khi lượng nước bọt bị giảm do sự tiết các tuyến nước bọt kém hoặc bị ức chế thần kinh.

Biến đổi cử động lưỡi: khi thương tổn dây thần kinh vận động của lưỡi và ở một số trạng thái nhiễm độc, nhiễm khuẩn, cử động lưỡi không được bình thường. Khi khám lưỡi yêu cầu người bệnh há miệng để xem lưỡi có đúng vị trí không, bảo người đó thè lưỡi, rụt lưỡi xem lưỡi có được đưa ra và trở lại theo đúng với đường giữa hoặc lệch về một bên. Cũng cần khám xem có hiện tượng teo các nhóm cơ lưỡi không.

Biến đổi niêm mạc lưỡi.

Lớp biểu mô của niêm mạc lưỡi dầy lên do tăng sinh và sừng hóa, thường gặp ở những người nghiện thuốc lá, thuốc lào, khi khám thấy có những đám trắng bệch, dày ở lưỡi.

Lớp niêm mạc lưỡi có những rãnh nứt, có những vết trợt loét.

Lớp gai nhú lưỡi teo lại, khi khám thấy lưỡi dẹt, mỏng và bóng nhẵn.  - Biến đổi rêu lưỡi: bình thường lưỡi sạch, không có rêu hoặc lớp rêu trắng rất mỏng và đều. Rêu lưỡi được tạo thành do sự kết hợp cáu bẩn, những gai nhú lưỡi đã bị sừng hóa với những mảnh bong của lớp tế bào biểu mô niêm mạc lưỡi cùng với các tế bào thẩm thấu của nước bọt, các vi sinh vật sống ở trong miệng và với một số thành phần của thức ăn khi nhai ở miệng, sự biến đổi của rêu lưỡi (dầy, mỏng, mầu sắc trắng, vàng, đen…) có liên quan đến một số quá trình bệnh lý tại lưỡi, miệnh hoặc toàn thân (xem ở các phần sau)

Trạng thái rêu lưỡi liên quan với chất lưỡi trong một số chứng bệnh theo y học hiện đại.

Bệnh tiêu hóa.

Chất lưỡi sạch, đỏ, ướt, thường gặp ở các người bệnh bị loét đường tiêu hóa ở các giai đoạn không có biến chứng.

Rêu lưỡi xám trắng, có mùi hôi, thường gặp ở người có viêm dạ dày cấp.

Lưỡi khô, khi ổ bụng có những biến chứng nặng, khi người bệnh bị viêm tụy cấp.

Lưỡi viêm có các vết trợt và chuyển dần sang màu đỏ bóng (như sơn mài) khi bị bệnh viêm teo mãn tính niêm mạc đại tràng có đi lỏng mãn tính.

Lưỡi màu đen hoặc đỏ tía như màu sơn mài thường gặp ở người bị xơ gan.

Lưỡi teo, các nhú lưỡi mất, thường gặp ở người ung thư dạ dày, viêm teo dạ dày có giảm nặng các chức phận tiết của dạ dày.

Bệnh truyền nhiễm.

Lưỡi khô, có rêu dày, màu nâu xẫm ở cuống lưỡi và giữa lưỡi, còn phía bờ viền, quanh lưỡi, đầu lưỡi không có rêu và nhìn thấy vết hằn của răng, gặp ở các bệnh thương hàn, phó thương hàn. Trong các bệnh này ở thời kỳ khỏi bệnh; lưỡi hơi trắng ở thời kỳ toàn phát, lưỡi bự  trắng, có các rêu mầu nâu xẫm hoặc đen trông như lưỡi lợn quay, lưỡi co nẻ khô lại như lưỡi vẹt, còn viền quanh lưỡi, đầu lưỡi màu đỏ rừ.

Lưỡi khô, môi và niêm mạc miệng khô; bệnh dịch tả thể hiện trạng thái mất nước nhiều.

Lưỡi và môi khô, rêu lưỡi trắng; bệnh dịch hạch.

Lưỡi đỏ tía; bệnh hồng ban.

Bệnh thiếu sinh tố.

Lưỡi đỏ tươi, phù, có các vết loét gây đau, gặp trong bệnh thiếu sinh tố PP.

Lưỡi đỏ tươi, bóng, ánh nhẵn (do teo lớp gai lưỡi), hình thể lưỡi dẹt, có thể có các vết loét ở viền lưỡi và đầu lưỡi, ở niêm mạc miệng; còn thấy hiện tượng teo lớp niêm mạc ở miệng, ở thành sau hầu, hiện tượng hà răng phát triển gặp trong thiếu sinh tố B12.

Lưỡi viêm cùng với niêm mạc miệng; gặp trong thiếu sinh tố B2.

Trạng thái nhiễm khuẩn nặng, nhiễm độc nặng: (lưỡi khô, rêu lưỡi xám xẫm, có khi có mầu vàng đen, có những đường nứt ở niêm mạc lưỡi, rêu mầu vàng có quan hệ đến sự phát triển của các quá trình nhiễm độc, nhiễm khuẩn nặng, sức chống đỡ của cơ thể giảm sút nhiều, các rối loạn vi tuần hoàn nặng, số lượng vi khuẩn, nấm xâm nhập nhiều).

Trạng thái dị ứng thuốc như: dị ứng penixilin, lưỡi bị viêm loét, có đám gai lưỡi bị lột đi.

Lý luận về “thiệt chẩn”. Vị trí của “thiệt chẩn” trong chẩn đoán bệnh; thiệt chẩn (xem lưỡi) là một bộ phận quan trọng trong chẩn đoán đông y. Việc xem lưỡi đối với đông y rất tỷ mỉ, chi tiết. Từ việc xem lưỡi mà hiểu được thực, hư của tạng phủ, tính chất của ngoại tà, vì vậy ở mức độ nhất định có thể giúp thêm cho chẩn đoán.

 

XEM TIẾP

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top