✴️ Trị viêm loét dạ dày bằng nghệ có hiệu quả không?

Nội dung

1. Tác dụng của nghệ trong trị viêm loét dạ dày

Các tinh chất trong nghệ tươi mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khoẻ như các curcuminoid, tinh dầu nghệ, tinh bột nghệ, protein, các hợp chất vô cơ, các hợp chất vi lượng, chất xơ,…

Thành phần được xem quý nhất của nghệ chính là hàm lượng curcumin (2-7%). Chất này có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm tốt, có khả năng giải độc gan và kích thích tiết mật.

Do vậy, nghệ rất hiệu quả trong điều trị các bệnh đường tiêu hóa, giúp người bệnh dạ dày không còn cảm giác bị ứ trệ, đầy bụng, khó tiêu. Với bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày, nghệ có tác dụng tăng cường lớp màng bảo vệ, hỗ trợ giảm triệu chứng bệnh và làm lành ổ viêm loét.

Nghệ có nghệ đen và nghệ vàng. Cả 2 loại nghệ này đều có tác dụng trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày song nghệ đen có thành phần hoạt tính cực mạnh nên không được khuyến khích sử dụng. Để chữa bệnh dạ dày nên sử dụng loại nghệ vàng vừa giúp đảm bảo an toàn vừa mang lại hiệu quả cho quá trình điều trị bệnh.

Nghệ từ lâu đã được biết đến là bài thuốc hưu hiệu trong điều trị các bệnh dạ dày.

 

2. Sử dụng nghệ đúng cách để có hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất

2.1. Cách chế biến nghệ trị viêm loét dạ dày

Với nghệ tươi:

Trước mỗi bữa ăn, pha nghệ tươi (15gr) với mật ong (10cc) cùng 100ml nước ấm.  Sau đó khuấy đều và và uống đều đặn mỗi ngày sẽ có hiệu quả.

Với bột nghệ:

– Cách làm: Trộn đều hỗn hợp bột nghệ (120gr) và mật ong (60g).  Ve thành các viên nhỏ,mỗi viên khoảng 5gr (35-40 viên).  Cho các viên nghệ mật ong vào lọ thủy tinh bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh hoặc ở nơi khô ráo thoáng mát.

– Cách sử dụng:  Với bệnh viêm loét nặng dùng liên tục khoảng 40 ngày. Mỗi ngày 3 lần, mỗi lần ăn 3 viên. Trường hợp bệnh nhẹ sử dụng liên tục khoảng 5-10 ngày, mỗi ngày 9 viên chia đều theo 3 bữa.

 

2.2. Tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ điều trị

Đối với người bệnh viêm loét dạ dày, trên hết vẫn cần chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị bệnh đúng phác đồ.

Đặc biệt, khi sử dụng nghệ với các loại thuốc Tây có thể gây ra những phản ứng phụ không tốt tới sức khỏe. Chính vì thế, người bệnh cần tham khảo kỹ lưỡng ý kiến từ bác sĩ để có cách sử dụng đúng đắn và hiệu quả nhất.

 

2.4. Những lưu ý khi sử dụng nghệ trị viêm loét dạ dày

Nghệ cho tác dụng tốt trong điều trị bệnh dạ dày, tuy nhiên việc sử dụng nghệ cũng cần nhiều lưu ý để vừa mang lại hiệu quả tốt cũng như tránh những tác dụng phụ có thể xảy ra.

– Sử dụng nghệ đúng liều lượng, đủ lộ trình và đều đặn mỗi ngày.

– Không nên lạm dụng nghệ vì có thể gây ra tác dụng phụ như nóng trong, tiêu chảy, kích ứng dạ dày, làm máu loãng hơn,…

– Khi sử dụng nghệ mật ong thì không được ăn cùng các loại hoa quả chứa nhiều chất xơ, những thực phẩm có hàm lượng dầu mỡ cao hoặc các hoạt chất kích thích vì có thể dễ dẫn tới tiêu chảy.

– Cẩn trọng khi sử dụng nghệ chữa viêm loét dạ dày ở phụ nữ mang thai.

 

3. Người bệnh viêm loét dạ dày cần làm gì để cải thiện tốt tình trạng bệnh

3.1. Thực hiện chế độ ăn uống đảm bảo khoa học

Nên ăn những gì?

– Sữa chua giúp tăng cường lợi khuẩn, tốt cho tiêu hóa.

– Trứng giúp tạo lớp đệm lót giúp trung hòa lượng axit ở dạ dày. Mỗi tuần có thể ăn từ 2-3 quả.

– Bổ sung đạm cho cơ thể để hỗ trợ tiêu hóa: thịt lợn, cá, các loại đậu… Nên ưu tiên chế biến bằng cách luộc, hấp và kho để cơ thể dễ hấp thụ.

– Rau củ quả tươi sạch như bắp cải, rau cải, súp lơ,… Chúng chứa lượng vitamin dồi dào, hỗ trợ làm lành tổn thương trong hệ tiêu hóa.

– Thực phẩm chứa tinh bột và dễ tiêu hóa cụ thể như cơm, bánh mì, súp, cháo, khoai củ đã nấu chín.

– Các loại dầu thực vật điều chế từ những loại hạt như: hạt hướng dương, đậu nành, hạt cải,…

– Uống đủ nước mỗi ngày.

Nên kiêng những gì?

– Sản phẩm thịt nguội, đồ ăn được chế biến sẵn như dăm bông, lạp xưởng, xúc xích,…

– Thức uống có gas, có chất kích thích như bia rượu, trà, cà phê,…

– Trái cây có vị chua như chanh, quýt, cóc, xoài, sấu,…

– Hạn chế gia vị cay, nóng điển hình là tiêu, tỏi, ớt,…

– Các thực phẩm lên men, muối chua như: cơm rượu, cà muối, dưa muối,…

– Bỏ thuốc lá và cần tránh xa khói thuốc.

 

3.2. Xây dựng lối sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh, tích cực

– Thói quen trong ăn uống: Ăn chậm, nhai kỹ, ăn đồ ăn được nấu chín kỹ mềm, không ăn quá no hoặc để bụng quá đói trong thời gian dài, ăn đủ bữa đúng giờ,…

– Có thói quen rửa tay với xà phòng sẽ giúp làm sạch vi khuẩn, hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.

– Ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc và tuyệt đối không được quá thức khuya.

– Giữ tinh thần thoải mái, suy nghĩ tích cực, tránh bị căng thẳng mệt mỏi kéo dài.

– Vận động thể chất điều độ để tăng sức đề kháng cũng như tốt cho hoạt động tiêu hóa.

 

3.3. Thực hiện thăm khám

Người bệnh khi nhận thấy các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như: đau bụng, khó tiêu, ợ nóng, ợ chua, đi ngoài phân đen,… kéo dài và không được cải thiện tốt dù đã thực hiện chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý thì cần chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.

Như vậy, trị viêm loét dạ dày bằng nghệ sẽ cho tác dụng tốt nếu được thực hiện đúng cách. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống khoa học, lối sống sinh hoạt lành mạnh, thực hiện thăm khám khi cần cũng là yếu tố quyết định giúp cải thiện tốt tình trạng bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top