✴️ Bị sỏi mật có nguy hiểm không?

Nội dung

Nguyên nhân gây nên sỏi mật

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của sỏi mật như do các yếu tố thuận lợi thúc đẩy hình thành sỏi mật: tuổi tác (tuổi càng cao khả năng hình thành sỏi mật càng dễ) hoặc do sinh đẻ nhiều (phụ nữ), béo phì hoặc do táo bón kéo dài… nhưng sỏi mật được hình thành chủ yếu do các nguyên nhân sau:

 

Do các thành phần cơ bản trong mật như Cholesterol, Bilirubin…

Dư thừa cholesterol (trên 70% lượng dịch mật) hình thành sỏi cholesterol, cholesterol này không được hòa tan bởi dịch mật và kết tinh với các thành phần khác lại thành sỏi. Sỏi dạng này chiếm 60% các dạng sỏi mật hiện nay.

Hàm lượng cholesterol chiếm 30-70% dịch mật sẽ gây nên sỏi hỗn hợp.

Nhiễm trùng mạn tính đường mật hoặc nhiễm ký sinh trùng (như giun, sán) hoặc mắc các bệnh về máu dẫn đến tăng lượng bilirubin (được tạo thành do hồng cầu bị phá hủy nhiều) gây nên sỏi sắc tố.

Nguyên nhân gây sỏi mật

Nguyên nhân gây sỏi mật

 

Do yếu tố ăn uống

Ăn nhiều thức ăn chứa nhiều cholesterol có trong mỡ, nội tạng động vật, ăn nhiều trứng, đồ ăn có nhiều phụ gia, hóa chất, uống nhiều đồ uống có gas làm cho chức năng gan mật bị suy giảm sinh ra nhiều chứng bệnh trong đó có sỏi mật.

 

Do giảm vận động đường mật

Ngoài ra các nhà khoa học còn đề cập đến nguyên nhân do giảm vận động đường mật (ngồi nhiều, ít vận động cơ thể ở người lái xe chuyên nghiệp, nhân viên văn phòng, người cao tuổi…) khiến cho dịch mật bị ứ trệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần ở trong dịch mật lắng đọng và kết tụ thành sỏi.

 

Những nguy hiểm từ bệnh sỏi mật

Bệnh sỏi mật thường tiến triển trong thầm lặng, sỏi ẩn nấp bên trong túi mật hoặc nằm ở đường mật với nhiều kích thước từ nhỏ như hạt cát tới lớn như quả mơ. Có nhiều người trong quá trình đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần mới phát hiện sỏi mật.

Những nguy hiểm từ bệnh sỏi mật

Những nguy hiểm từ bệnh sỏi mật

 

Những biến chứng nguy hiểm của sỏi mật

Sự nguy hiểm của sỏi còn phụ thuộc vị trí, tính chất sỏi và khả năng di chuyển của sỏi như: sỏi bùn dễ gây viêm hơn sỏi viên… Nếu không thăm khám và điều trị kịp thời sỏi mật sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm túi mật: sỏi kẹt ở cổ túi mật có thể gây viêm túi mật, dẫn đến nhiều khả năng người bệnh bị đau dữ dội kèm theo sốt.
  • Tắc nghẽn đường dẫn mật: sỏi mật có thể chặn các ống dẫn mật chảy từ túi mật hoặc gan vào ruột non, dẫn tới vàng da hoặc viêm đường mật. Trong đó viêm đường mật là một biến chứng nghiêm trọng cần được cấp cứu ngay.
  • Tắc nghẽn ống tụy: Ống tụy chạy từ tuyến tụy tới ống mật chủ. Sỏi mật có thể tắc nghẽn trong ống tụy, gây viêm tụy. Viêm tụy gây đau bụng dữ dội, liên tục, cần cấp cứu can thiệp lấy sỏi kịp thời.

Những dấu hiệu cần phải đi khám sỏi mật

Khi có dấu hiệu đầy bụng khó tiêu, chán ăn, khó chịu sau khi ăn đồ nhiều dầu mỡ, đau bụng, đau nhiều ở phần hạ sườn phải, đau có thể lan ra vai và lưng kèm theo sốt, vàng mắt, vàng da, buồn nôn, nước tiểu vàng sậm, phân bạc màu thì cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế để xác định mình có bị sỏi mật không từ đó có biện pháp điều trị kịp thời đúng bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm từ sỏi mật.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top