Trái cây rất tốt cho sức khỏe nhưng bạn cần ăn đúng cách vì nếu ăn sai cách không những không hấp thu được hết dưỡng chất mà có thể gây hại.
Uống nước cam thì sẽ nhận được các chất dinh dưỡng quan trọng như đường, vitamin các loại, nước giải nhiệt… nhưng sẽ thiếu đi lượng chất xơ cần thiết. Ăn cả múi cam sẽ thu nhận đủ chất dinh dưỡng từ cam đồng thời có thêm nguồn chất xơ rất lợi cho tiêu hóa. Người đái tháo đường ăn trái cây thì càng nên ăn nguyên xác, chất xơ sẽ giúp làm chậm tăng đường huyết. Vì thế, nên hạn chế vắt nước hay xay sinh tố trái cây.
Đa số các loại trái cây sẽ đạt được hương vị ngon nhất khi chín muồi nhưng chưa chín rục. Những loại có mủ như măng cụt, mãng cầu, mít , sầu riêng… thì nên ăn khi trái đã chín thật sự.
Tuy nhiên, nếu trái cây đã chín rục, thâm đen hay lên men rượu rồi thì thành phần dinh dưỡng có thể đã thay đổi, do đó chỉ nên ăn khi màu, mùi, vị còn tốt. Trái cây úng thúi, vị đắng… không nên dùng. Người đái tháo đường chỉ nên ăn chuối hơi sống, xoài hơi xanh… để hạn chế tăng đường huyết.
Sau khi ăn hoa quả, ta thường có cảm giác răng rất sạch. Đó là do khi ăn, nhai, chất acid trong trái cây làm chúng ta tăng tiết nước bọt và làm sạch các bợn răng. Vì vậy đã hình thành một thói quen lâu đời là tráng miệng bằng trái cây sau bữa ăn. Gần đây, xu hướng ăn trái cây trở nên đa dạng hơn, đặc biệt khi tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu… gia tăng trong cộng đồng.
Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu và cho kết quả: Ăn trái cây một giờ trước bữa ăn có tác dụng giảm béo và giúp tiêu hóa hiệu quả. Trái cây có chất đường nên cơ thể dễ dàng hấp thu làm tăng đường huyết chống đói, chất xơ trong trái cây cũng tạo nên cảm giác no kéo dài hơn, đó chính là bí quyết giảm béo khi dùng trái cây trước bữa ăn.
Tương tự, các nhà nghiên cứu Đài Loan cũng có cùng kết luận với các đồng nghiệp ở Mỹ rằng nếu ăn cơm no rồi ăn thêm trái cây ngọt thì lượng đường tổng cộng trong bữa ăn sẽ tăng, đường huyết sẽ tăng cao và nhanh, không lợi cho sức khỏe, nhất là người đái tháo đường.
Các loại vitamin bổ dưỡng trong trái cây như vitamin C, folate… có thể bị mất dần dưới tác dụng của ánh sáng, không khí, nhiệt độ… Quá trình mất chất này sẽ càng tăng nhanh hơn nếu vỏ ngoài của trái cây bị phá vỡ hoặc bề mặt tiếp xúc không khí của trái cây tăng lên khi cắt nhỏ ra. Vì vậy, cần chọn trái cây tươi và gọt vỏ, cắt miếng xong ăn ngay để nhận được chất dinh dưỡng nhiều nhất.
Gọt vỏ, cắt miếng trái cây để lâu sẽ làm cho quá trình oxy hóa và nhiễm khuẩn trái cây nhanh và dễ dàng hơn. Một số trái cây như táo có thể ăn cả vỏ (nếu thích) thì phải ngâm rửa sạch trước ăn, nếu gọt vỏ thì nên ăn ngay. Táo mất lớp vỏ bảo vệ sẽ dễ bị oxy hóa nếu để lâu trong không khí.
Nước ta bốn mùa hoa trái, đặc biệt ở miền Nam. Ngoài những loại trái cây có quanh năm như chuối, đu đủ, mãng cầu… mỗi mùa chúng ta lại được thưởng thức thêm những trái cây đặc biệt nữa như bơ, bưởi, vải, xoài, sầu riêng, măng cụt…
Tất cả các loại trái cây đều có lợi cho sức khỏe nhưng nên lựa chọn và phối hợp giữa các loại một cách hợp lý để tận dụng tối đa ưu điểm của chúng. Chẳng hạn, ngày hè nóng nực, mồ hôi ra nhiều thì nên ăn loại trái cây nào vừa giải khát vừa giúp bổ sung chất dinh dưỡng. Không phải trái cây đắt tiền thì mới bổ dưỡng.
Việc ăn trái cây ngay trước hoặc sau bữa ăn có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng của trái cây. Không những thế, với bệnh nhân tiểu đường, thói quen ăn trái cây như vậy còn gây tác dụng phụ không tốt đối với sức khỏe.
Với người bình thường, ruột non của họ có thể hấp thư gấp đôi hàm lượng chất dinh dưỡng trung bình mà người đó tiêu thụ trong ngày. Tuy nhiên ruột non của người bị đái tháo đường lại không thế hấp thụ được quá nhiều chất dinh dưỡng.
Với người bị tiểu đường tuýp 2, bạn nên ăn trái cây kèm thực phẩm khác để đường từ trái cây đi vào ruột non chậm hơn. Việc ăn kèm còn giúp làm giảm lượng đường trong máu so với việc chỉ ăn mỗi trái cây.
Với phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu không nên ăn trái cây chứa nhiều đường. Bạn nên thay thế bằng các loại trái ít đường như bưởi, táo, thanh long…
Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện và khó hấp thu nếu bạn cho con ăn quá nhiều. Bạn có thể cho bé ăn trái cây từ khi con được 4 – 6 tháng tuổi nhưng chỉ nên cho con ăn những loại quả dễ tiêu hóa và ăn ít một chứ không nên cho bé ăn quá nhiều vì có thể dẫn đến khó tiêu, tiêu chảy.
Những loại trái rất tốt mà bạn có thể cho trẻ ăn như chuối chín, dâu tây, đu đủ chín, nho, kiwi, xoài chín… Khi cho bé ăn trái cây, ba mẹ nên lưu ý không nên cho bé ăn trái cây họ cam quýt quá sớm vì axit trong những loại trái này không tốt cho hệ tiêu hóa còn non nớt của bé. Hãy cho bé ăn chúng khi con đã được hơn 1 tuổi.
Bạn có thể ăn hoa quả bất cứ lúc nào nhưng để trái cây có thể mang đến giá trị dinh dưỡng cao nhất và tốt cho sức khỏe thì nên ăn vào buổi sáng. Nguyên nhân là do trái cây chứa nhiều fructose nên cần ăn sau khi thức dậy để nạp năng lượng. Đồng thời, việc ăn vào buổi sáng giúp cho các dưỡng chất trong trái được tiêu hóa để sẵn sàng để dành bụng cho bữa trưa.
Bạn cần lưu ý rằng, không nên ăn trái cây ngay trước bữa ăn hoặc ăn ngay sau khi vừa ăn cơm xong. Tốt nhất hãy ăn trước hoặc sau bữa ăn chính 1-2 giờ để tránh tình trạng đầy bụng, chướng hơi.
Hoa quả cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cơ thể nhưng cần lựa chọn trái cây tươi, ăn ngay khi gọt chứ không nên để quá lâu vì nếu để lâu, hương vị thơm ngon của trái không còn và cả lượng chất dinh dưỡng cũng giảm dần, nhất là khi chúng đã được gọt, thái lát hoặc ép nước.
Trái cây gọt xong ăn luôn sẽ là tốt nhất. Nếu trong trường hợp phải chuẩn bị trước, bạn có thể ngâm trái cây vào nước muối nhạt để giữ được lượng vitamin, khoáng chất và giúp một số loại quả không bị thâm khi gọt quá lâu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh