Ánh nắng dễ làm tổn thương làn da

Một số vấn đề da thường gặp

Vấn đề mùa nóng thường gặp có thể là chàm cấp tính, sẩn ngứa, mày đay. Các bệnh này thường tiến triển mạn tính. Bệnh thường có liên quan đến tiền sử sử dụng các thuốc tại chỗ và toàn thân như kháng histamin, chlorpromazin, thuốc giảm đau tại chỗ, các kem chống nắng chứa aminobenzoique... Bệnh xuất hiện chậm và kín đáo thường sau 1 ngày khi tiếp xúc với ánh nắng. Thương tổn bắt đầu ở vùng hở, sau đó có thể lan ra khắp người.

Ngoài ra, mùa nắng nóng còn có yếu tố gây bỏng da do nắng, nguyên nhân là da tiếp xúc với ánh nắng giai đoạn tia cực tím mạnh nhất trong ngày (từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều); ở những nơi tia cực tím phản xạ lại không gian nhiều như bề mặt nước, kính, bề mặt tuyết, cát trắng, bê tông...; vào mùa hè thì tia cực tím mạnh hơn các mùa khác trong năm, cảm giác phỏng rát nhiều hơn ngứa, xuất hiện sau 6-24 giờ tiếp xúc với ánh nắng.

Khi đó, biểu hiện là những hồng ban giới hạn rõ, màu đồng nhất, phù nề, mụn nước, bóng nước. Vị trí phân bố ở vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, tuy nhiên, những vùng da được che bởi quần áo cũng có thể bị ảnh hưởng. Không giống như bỏng nhiệt, bỏng nắng khi lành thường không để lại sẹo.

 

Có thể viêm da nhiễm độc do nắng

Bệnh do tác dụng trực tiếp của ánh nắng trên da, người nào cũng có thể bị nhiễm độc ánh nắng. Thương tổn do nhiễm độc ánh nắng có thể vừa gây ra tại chỗ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng lại vừa gây ra ở những nơi không tiếp xúc với ánh nắng. Các tác nhân gây ra nhiễm độc ánh nắng là các hoá chất sử dụng tại chỗ hoặc toàn thân.

Viêm da nhiễm độc do ánh nắng hệ thống: Sau khi tiếp xúc với ánh nắng vài giờ, da bị ngứa, châm chích, bỏng rát..., những triệu chứng tiếp sau đó là đỏ da, phù nề, mụn nước, bóng nước... Bệnh thường xảy ra khi bệnh nhân đang dùng thuốc (kháng sinh, thuốc chống động kinh, thuốc tim mạch, kháng viêm, thuốc lợi tiểu...) và thường biến mất sau khi ngưng thuốc.

Viêm da nhiễm độc do ánh nắng tại chỗ: Biểu hiện đầu tiên là cảm giác phỏng rát, châm chích, đau, đôi khi ngứa; sau đó da nổi đỏ, phù nề, nổi mụn nước và bóng nước; hình dạng sang thương không đặc trưng (có thể có hình dạng kỳ quặc). Vị trí phân bố thường ở tay, chân và mặt, khi lành để lại vết sạm da giới hạn rất rõ với hình dạng của các sang thương kéo dài nhiều tuần sau đó. Bệnh thường gặp ở những người sau khi tắm biển, tắm sông, nằm phơi nắng lâu trên bãi cỏ vào những ngày trời nắng (nắng có cường độ càng mạnh càng dễ bị và khi bị càng nặng). Bệnh xuất hiện sau 1 vài giờ phơi nắng. Ngoài ra, bệnh còn xảy ra ở người có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với một số loại cây, cỏ dại có chứa chất furocoumarins hay dùng một số loại nước hoa (chứa bergaten hay 5-methoxypsoralen) kèm theo tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

 

Khi nào ung thư da?

Thông thường, sau khi bị tổn thương da do nắng, nhiều người thấy da bị ngứa, nổi sẩn, mụn nước đã sử dụng lá cây như: lá khế, lá cây lược vàng, đậu xanh giã nhuyễn... để đắp, chà xát cho mát da, thậm chí nhiều người đã uống các nước lá cây với mong muốn để khỏi. Điều này chưa hẳn đúng vì khi tổn thương da do ánh nắng không vệ sinh da sạch sẽ và sử dụng các loại lá cây đắp lên vùng da tổn thương khiến viêm da nặng thêm, dẫn đến viêm da mạn tính. Trên thực tế, rất nhiều người dùng kem tự chế, kem không rõ nguồn gốc để đắp lên mặt, uống cho đẹp da dẫn đến tình trạng suy gan, suy thận và dị ứng khá nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Tổn thương da do nắng dễ thành mạn tính, đôi khi có thể dẫn đến tiền ung thư và ung thư da. Tiền ung thư thường xuất hiện ở vùng da cơ thể thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như vùng mặt, da đầu, mặt duỗi cẳng tay, mu tay. Lúc đầu, bệnh biểu hiện như là một dát màu hồng, rám hoặc đôi khi không có thay đổi nào về màu sắc, bề mặt thô, khô, có ít vảy da. Dấu hiệu cảnh báo thường gặp nhất của ung thư da là một chỗ biến đổi bất thường của da, ví dụ như một vết loét đau, chảy máu, đóng mài trên bề mặt, lành rồi sau đó lại loét trở lại ngay vị trí này.

 

Phòng bệnh về da

Để phòng các tổn thương do nắng bằng các biện pháp như tránh đi ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 10 - 16 giờ, khi phải đi ra ngoài nắng hoặc phải làm việc dưới trời nắng, nên mang đủ các trang bị bảo hộ như kính râm, quần áo chống nắng, mang ô, đội mũ nón... Nếu có điều kiện,  nên sử dụng thêm các loại kem chống nắng an toàn.

Sử dụng chất chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 15 trở lên. Bôi kem chống nắng ít nhất 15-30 phút trước khi ra ngoài. Sử dụng các chất chống nắng phổ rộng có thể bảo vệ chống lại cả tia cực tím UVA và UVB. Phải bôi lại kem chống nắng sau 2 giờ và bôi cả khi trời có mây.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top