Vẩy nến là bệnh viêm da thường gặp do di truyền và rối loạn hệ miễn dịch. Đây là bệnh mạn tính, rất hay tái phát và khó điều trị dứt điểm. Bệnh có thể khởi phát ở giai đoạn sớm từ 16-22 tuổi hoặc ở giai đoạn muộn 50-60 tuổi. Ở Việt Nam, vẩy nến chiếm 3-5% tổng số bệnh nhân đến khám da liễu. Bệnh không lây lan (trừ khi bệnh xâm nhập xương khớp hoặc nhiễm độc), không gây ảnh hưởng lớn cho sức khỏe, nhưng ảnh hưởng tâm lý, buồn phiền vì da... chẳng giống ai.
Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh vẩy nến vẫn chưa được sáng tỏ. Bệnh có thể liên quan tới nhiều yếu tố riêng rẽ hoặc phức hợp tùy từng bệnh nhân: nhiễm lạnh, nhiễm khuẩn (viêm tai mũi họng, cúm), xúc cảm thần kinh đột ngột (stress), rối loạn chuyển hóa đường, mỡ, nội tiết, dị ứng, di truyền...
Hồng ban giới hạn rõ rệt, có vẩy trắng như nến, có thể gây ra thành từng lớp như mica, có khi nổi dát đỏ như giọt nước, có khi to, tròn hoặc bầu dục, đường kính 2,5cm, có khi thành mảng rộng do nhiều dát kết hợp lại. Lúc đầu từng lớp vẩy bong ra như nến rồi đến màng bong là một màng rất mỏng. Khi màng đó đã được nạo đi sẽ thấy rướm máu lấm tấm, có lẫn cả tiết dịch trong giống như những giọt sương li ti, vì vậy còn được gọi là hiện tượng sương máu, có giá trị rất lớn để chẩn đoán.
Vị trí hay gặp là vùng da bị tỳ, cọ nhiều như khuỷ tay, đầu gối, mông, xương cùng, vùng mấu chuyển lớn. Có trường hợp vẩy nến khu trú ở da đầu, ăn xuống rìa tóc hoặc ở lòng bàn tay, bàn chân, có khi lan ra toàn thân. Móng tay chân có thể dày, sần sùi, móng có vạch ngang, dễ gãy, dưới móng có chứa bột trắng. Nhiều trường hợp vẩy nến nổi ngay trên các vết sẹo, vết sượt da, vết mổ, vết tiêm. Bệnh gây ngứa ít nhiều tùy theo từng người, tiến triển từng đợt, lúc ổn định, lúc vượng, có lúc tự nhiên khỏi. Thường hay tái phát theo mùa, có người nặng về mùa hè, có người nặng về mùa đông. Một số ít phụ nữ lúc mang thai bệnh nhẹ hoặc hết, sau sinh, bệnh lại tái phát, có khi nặng hơn.
Trên lâm sàng gặp nhiều thể, trong đó thể chấm, giọt, đồng tiền hoặc mảng khu trú thường lành tính, chỉ gây ngứa khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh. Riêng các thể đỏ da, mụn mủ, viêm da thường kèm theo tổn thương nội tạng, tiên phát hoặc thứ phát, nếu không được điều trị, săn sóc tích cực, đúng đắn thì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Thể đỏ da: Do bệnh phát triển, da toàn thân đỏ, sưng, tróc vảy kèm phát sốt, các khớp đau, lòng bàn chân sừng hóa, móng dày lên và rụng.
Thể khớp: Thường vẩy nến tăng lan đến các khớp lớn nhỏ như khớp ngón, khớp cổ tay, cổ chân, khớp gối, nhẹ là khớp sưng, nặng thì dịch bao khớp xương hủy hoại, khớp dị dạng.
Thể mụn mủ: Tế bào gai bị tổn thương rõ, trên tổn thương vẩy nến mọc lên những mụn mủ không có vi khuẩn, gặp nhiều ở người lớn tuổi.
Tùy vào từng thể bệnh và mức độ thương tổn mà có phương pháp chữa trị phù hợp. Do đó, người bệnh vẩy nến cần tìm đến các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn điều trị hiệu quả. Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh này vẫn chưa được sáng tỏ, do đó việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Các thuốc Đông y và Tây y đều không mang lại hiệu quả bền vững và không ngăn được tái phát. Hơn nữa thuốc điều trị vẩy nến có thể gây tác dụng phụ, đơn cử như các thuốc mỡ salicylic, crisofamic, gudron... nếu bôi rộng có thể gây nhiễm độc. Còn các mỡ corticoid, flucinar,... ban đầu có thể cho kết quả tốt nhưng nếu lạm dụng sẽ gây tái phát nặng hơn. Nếu bôi corticoid diện rộng, lâu ngày có thể gây tác dụng phụ (teo da, trứng cá, phị mặt, xốp xương, rối loạn điện giải). Vì vậy, đối với bệnh nhân vẩy nến, nhất là các thể rộng và nặng, người bệnh phải kiên trì điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu, thậm chí chấp nhận chung sống hòa bình với bệnh.
Để tránh bệnh vẩy nến phát triển và lan rộng, bạn cần tránh làm tổn thương da, tránh gãi nhiều, tránh chà xát mạnh lên tổn thương khi tắm rửa và bôi thuốc (có thể tắm bằng nước ấm, xà phòng giúp bong vẩy, sau đó bôi thuốc dưỡng ẩm cho da). Chế độ ăn cũng góp phần điều trị và hạn chế tái phát bệnh. Cần ưu tiên chọn thực phẩm giàu omega-3 (cá hồi, cá thu...); rau quả có nhiều beta-caroten như trái bơ, xoài, cà rốt, bông cải xanh; nghêu sò, hải sản giàu kẽm và khoáng chất cần thiết không chỉ cho da mà cho sức đề kháng (trừ người bệnh dị ứng với hải sản đó thì phải kiêng ăn); hạn chế thịt, sữa, trứng, vì chứa nhiều arachidon là chất xúc tác cho phản ứng viêm tấy. Người bị vẩy nến nên tránh dùng các chất kích thích, hạn chế rượu, cà phê, không hút thuốc lá. Ngoài ra, việc sinh hoạt điều độ, lao động, thể dục thể thao, tắm biển, tắm nắng thích hợp (chỉ nên tắm nắng nhẹ)... rất có lợi cho điều trị.
Vẩy nến là bệnh khó trị, cần kiên nhẫn, hợp tác với thầy thuốc và tự chăm sóc bệnh của mình. Tắm mỗi ngày để loại bỏ vẩy bám trên da. Tránh nước quá nóng, xà bông quá mạnh làm da thêm khô ngứa. Lau da nhẹ nhàng tránh gây tổn thương thêm. Thường xuyên tái khám để bác sĩ theo dõi tiến triển bệnh, thay đổi trị liệu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh