Sau khi bị cháy nắng, bạn cần cho da của bạn được “thở”. Mặc quần áo quá chật khi mà bạn đã bị cháy nắng hoàn toàn là một điều không nên làm vì khi bạn bị cháy nắng, da bạn đã bị viêm. Cơ thể sẽ cố gắng đáp ứng lại với tình trạng tổn thương bằng cách tăng lưu lượng máu chảy đến vùng da bị cháy nắng để giúp da mau lành hơn. Điều này sẽ dẫn đến trạng thái đỏ, nóng và viêm tại vùng bị cháy nắng. Mặc quần áo chật có thể sẽ làm nặng thêm các đáp ứng viêm và do vậy, sẽ khién da sưng và phồng rộp nhiều hơn.
Nha đam hay lô hội có tác dụng chống viêm và rất tốt cho da sau khi bạn bị cháy nắng. Tuy nhiên, nếu sử dụng các loại nha đam chế biến sẵn có mùi thơm thì chúng có thể gây kích ứng da nhiều hơn. Bạn nên sử dụng nha đam không có mùi thơm hoặc sử dụng trực tiếp ruột nha đam mới hái từ cây. Và cách điều trị tốt nhất, đương nhiên vẫn là tránh để bản thân mình bị cháy nắng ngay từ đầu.
Bạn nên nhớ thường xuyên uống nước sau khi bị cháy nắng. Cháy nắng không chỉ gây tổn thương da mà cháy nắng còn có thể làm hút bớt dịch ra khỏi da và ra khỏi các phần khác của cơ thể. Do vậy, bạn cần đảm bảo rằng bạn uống thật nhiều nước, nước trái cây hoặc đồ uống thể thao trong vòng vài ngày sau khi bị cháy nắng và nên chú ý tới các dấu hiệu mất nước.
Kể cả khi vết cháy nắng của bạn trông rất xấu xí, bạn cũng không nên che chúng lại bằng việc make up. Cách duy nhất để vết cháy nắng mau lành là để da bạn thoáng khí. Đó là chưa kể đến việc các loại bông, mút trang điểm thường có chứa rất nhiều bụi bẩn và vi khuẩn, có thể sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc dị ứng tại vết cháy nắng.
Khi da bạn bắt đầu bong ra, điều đó có nghĩa là da bạn đang bắt đầu lành lại và tốt nhất là bạn không nên can thiệp vào quá trình hồi phục của da. Hãy để lớp da chết bong ra một cách tự nhiên. Nếu muốn chăm sóc tốt hơn, bạn có thể dưỡng ẩm cho vùng da đó hàng ngày bằng những sản phẩm phù hợp. Dưỡng ẩm sẽ giúp vùng da bị cháy nắng trông bớt khó coi và giúp da bong ra nhanh hơn, tự nhiên hơn.
Tương tự như việc không nên bóc da, bạn cũng không nên nặn, bóp các nốt phồng rộp. Những nốt phồng rộp này đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ vết thương. Nếu nốt phồng rộp làm bạn đau rát khó chịu, hãy thoa một lớp kem nha đam không có mùi thơm lên trên.
Sử dụng các sản phẩm tẩy da chết hoặc những sản phẩm chăm sóc da khác có chứa axit glycolic, retinoid hoặc axit salicylic sẽ gây tổn thương rất ghê gớm tới da của bạn, đặc biệt là nếu da bạn đang bị cháy nắng. Một khi da bạn đã ngừng bong ra, hãy đợi khoảng 3 ngày rồi hãy nghĩ đến chuyện dùng bất cứ sản phẩm nào kể trên.
Hãy đảm bảo rằng khi bạn thoa kem hoặc nha đam lên vùng da bị cháy nắng, thì loại kem đó phải không chứa cồn. Cồn rất nổi tiếng với khả năng làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da. Khi thoa các sản phẩm có chứa cồn lên vết cháy nắng đang lành, cồn sẽ làm giảm khả năng lành da, và do vậy, sẽ khiến vết thương mau lành hơn.
Cơ thể đáp ứng lại với tình trạng cháy nắng bằng phản ứng viêm, do vậy, bạn cần phải sử dụng các thuốc chống viêm để làm giảm tình trạng viêm khi bạn thấy các dấu hiệu cháy nắng bắt đầu xuất hiện. Các loại thuốc chống viêm không cần kê đơn như ibuprofen hoặc aspirin có thể sẽ giúp làm giảm đau và giảm viêm. Vết cháy nắng thường sẽ mất từ 4-6 tiếng để phát triển và nếu bạn đợi trong thời gian đó mà không uống thuốc, thì việc bạn uống thuốc sau đó sẽ không còn tác dụng nữa.
Rõ ràng, bạn sẽ muốn tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sau khi đã bị cháy nắng, nhưng nếu bắt buộc bạn phải ra ngoài, hãy nhớ dùng kem chống nắng đúng cách. Tuy vậy, một sai lầm mà nhiều người hay mắc phải đó là sử dụng kem chống nắng hóa học. Để vết cháy nắng tiếp xúc với các chất hóa học có thể sẽ gây kích ứng. Do vậy, bạn nên chọn loại kem chống nắng mà thành phần có chứa lượng oxit kẽm cao (9-10%) vì loại kem này sẽ làm dịu da bạn nhiều hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh