Các loại laser ra đời đã nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn vàng trong điều trị xóa xăm do đáp ứng được nhu cầu loại bỏ hình xăm một cách an toàn, ít để lại sẹo. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ trong điều trị xóa xăm như phản ứng dị ứng, phản ứng chuyển màu mực xăm cũng như hiện tượng hình xăm đề kháng với điều trị laser tiếp tục đặt ra nhiều thách thức mới cho bác sĩ.
Xăm hình trên cơ thể được xem là một trong những loại hình nghệ thuật đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử phát triển của loài người. Ngày nay, tỉ lệ có hình xăm trên người ngày càng gia tăng trong dân số trẻ ở khắp nơi trên thế giới, tỉ lệ ước chừng 3 - 5%. Song song đó, nhu cầu xóa xăm cũng ngày càng gia tăng. Trong một khảo sát năm 2012, 1 trong 7 (14%) trên tổng số 21% người trưởng thành ở Mỹ cho biết cảm thấy hối hận vì đã xăm hình lên cơ thể.
Hình xăm có thể loại bỏ bằng những phương pháp thủ công, thực hiện tại nhà như đốt nóng bằng nhiệt (áp tàn thuốc lá hoặc miếng kim loại nóng), bào mòn bằng muối, phá hủy bằng hóa chất… Trong giai đoạn này, các kỹ thuật xóa xăm chuyên dụng tại các cơ sở y tế cũng chỉ áp dụng các phương pháp phá hủy không chọn lọc bề mặt da nhằm loại bỏ đi các hình xăm như siêu mài mòn (bằng đầu kim cương hoặc siêu mài mòn cát), áp lạnh (đá CO2, nitơ lỏng), đốt điện, đốt bằng các loại laser không chọn lọc như laser CO2… Các phương pháp này tuy có thể loại bỏ tương đối hữu hiệu các hình xăm nhưng thường để lại di chứng sẹo, đôi khi rất nặng nề và gây biến dạng bề mặt da làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phương diện thẩm mỹ.
Vào đầu những năm 1980, cùng với sự ra đời của lý thuyết tiêu nhiệt chọn lọc, kỹ thuật xóa xăm bằng laser đã đạt được tiến bộ vượt bậc. Nội dung chính của lý thuyết này là phá hủy một cách có chọn lọc mô đích (phân tử mực xăm), tia laser cần được phát ra trong thời gian cực ngắn để cột nhiệt chỉ ảnh hưởng phá hủy mô đích mà không làm nóng hoặc gây phá hủy các mô xung quanh. Để đạt được điểm này, thời gian phát xung laser cần đạt mức ngắn hơn, trong khoảng thời gian nanoseconds được xem là có khả năng phá hủy chọn lọc đối với phân tử mực xăm, cho phép xóa sạch hình xăm mà không để lại sẹo.
Các loại laser với bước sóng 694nm, 755nm,và 532 - 1064nm được sử dụng rộng rãi trong điều trị xóa xăm. Bên cạnh ưu không để lại sẹo, kỹ thuật xóa xăm bằng laser vẫn tồn tại khuyết điểm đòi hỏi thời gian trị liệu kéo dài và trong một số trường hợp không thể xóa sạch hoàn toàn hình xăm dù thực hiện nhiều lần điều trị. Chính vì vậy, nhu cầu cải tiến công nghệ xóa xăm là thiết thực và rất được quan tâm.
Thể hiện theo 3 hướng: thay đổi trong phương pháp thực hiện điều trị xóa xăm, cải tiến trong công nghệ laser xóa xăm, sự ra đời của các loại mực xăm an toàn, dễ xóa.
Nhu cầu xóa xăm trong thời gian ngắn được đáp ứng bằng sự thay đổi trong kỹ thuật thực hiện xóa xăm bằng laser: R20 và phối hợp nhiều loại laser trong tiến trình điều trị.
Vào năm 2010, R20 đã được các chuyên gia báo cáo nhằm đáp ứng nhu cầu xóa sạch hình xăm ngay trong 1 lần điều trị. Kỹ thuật tương đối đơn giản, dễ áp dụng nhưng đem lại hiệu quả điều trị cao hơn so với cách xóa xăm tiêu chuẩn. Với kỹ thuật này, laser xóa xăm được thực hiện thành 4 lần điều trị cách nhau 20 phút trong cùng 1 ngày điều trị. Trong báo cáo trên, hơn 50% trường hợp trị liệu bằng R20 đạt hiệu quả xóa gần hoàn toàn hình xăm chỉ trong 1 lần điều trị. Kết quả hứa hẹn khả năng rút ngắn thời gian điều trị xóa xăm.
Ngoài ra, kỹ thuật xóa xăm kết hợp laser vi phân và laser xóa xăm được đề cập khá nhiều. Mục đích của sự kết hợp nhằm mở ra các cánh cửa sinh học, giúp laser xóa xăm có thể xâm nhập xuống sâu trong da hơn nhờ đó loại trừ được các phân tử mực nằm sâu thường đề kháng với các trị liệu thông thường. Bên cạnh đó, laser vi phân cũng gây bóc tách lấy đi các phần tử mực tồn tại trên bề mặt da mà không để lại sẹo như cách bóc tách thông thường của laser CO2 theo chế độ phát xung liên tục. Laser bóc tách vi điểm đặc biệt hữu ích trong trường hợp dị ứng với mực xăm, đặc biệt là các mực xăm màu đỏ.
Đối với các trường hợp bệnh nhân đã có biểu hiện dị ứng với mực xăm, việc sử dụng các loại laser xóa xăm thông thường có nguy cơ tạo nên tình trạng phản ứng dị ứng nặng hơn do hiện tượng tăng phóng thích dị nguyên (các phân tử mực) vào hệ thống mạch bạch huyết sau khi chiếu laser. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên thận trọng chọn lựa khi điều trị laser cho trường hợp có biểu hiện dị ứng mực xăm.
Sự ra đời của laser pico giây (picosecond) được xem là một trong những tiến bộ vượt trội trong điều trị xóa xăm bằng laser. Với thời gian phát xung cực ngắn, đỉnh mức năng lượng đạt được trong 1 lần phát xung laser cao hơn rất nhiều so với laser nano giây (nanosecond) thông thường được dùng trước đó để xóa xăm. Hiệu ứng quang âm đạt được do laser picosecond giúp phá hủy phân tử mực thành những mảnh vỡ nhỏ hơn rất nhiều so với laser nanosecond, tạo thuận lợi cho thải loại mực xăm một cách hiệu quả hơn, rút ngắn được thời gian điều trị.
Trong nhiều nghiên cứu gần đây, laser picosecond được chứng minh hiệu quả làm sạch hoàn toàn hình xăm cao hơn so với laser nanosecond thường dùng trước đây trong điều trị xóa xăm. Số lần điều trị cần thiết để đạt hiệu quả 75% thay đổi trong khoảng 4 - 6 lần trong các nghiên cứu. Hiện nay, các loại laser pico giây có độ rộng xung càng ngắn được thấy có hiệu quả hơn so với loại độ rộng xung dài trong điều trị xóa xăm.
Một ưu điểm khác của picosecond là thời gian nghỉ dưỡng ngắn, ít gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của khách hàng. Thời gian lành tổn thương sau điều trị trung bình khoảng 3 - 5 ngày. Các tác dụng phụ như để lại sẹo phì đại hoặc sẹo lồi cũng ít hơn so với laser nanosecond.
Bên cạnh những tiến bộ trong kỹ thuật laser, xu hướng mới trong xóa xăm chính là sự phát triển các dòng mực xăm dễ được loại bỏ. Nguyên lý của việc phát triển này dựa trên việc cấu tạo của một số loại mực xăm, đặc biệt là các loại có chứa các hợp chất kim loại, thường không dễ bị phá hủy bởi các loại laser xóa xăm thông thường. Các loại mực xăm mới được cấu tạo theo kiểu màng bọc. Các hạt mực kích thước rất nhỏ được bao phủ trong một màng bọc để cấu thành các phân tử mực có kích thước như hạt mực thông thường. Tuy nhiên khi chiếu laser xóa xăm, màng bọc dễ dàng bị phân hủy phóng thích các phân tử mực kích thước rất nhỏ ra bên ngoài. Các phân tử mực rất nhỏ dễ dàng bị thải loại qua cơ chế thực bào hơn so với hạt mực thông thường. Do đó, các loại mực xăm mới được gọi là mực xăm thế hệ mới, an toàn và dễ xóa.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh