1. Viêm da cơ địa
• Dưỡng ẩm thường xuyên, dưỡng ẩm cực quan trọng, dù hết bệnh cũng cần phải dưỡng ẩm, dưỡng ẩm tốt nhất là ngay sau khi tắm và dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày.
• Không tắm lá, không tắm muối, không tắm bằng nước quá nóng, nên tắm bằng sữa tắm dịu da mà Bs đã kê đơn
• Một số trẻ em hay người lớn đang trong giai đoạn cấp, tổn thương chảy dịch nhiều cần đáp gạc tẩm dung dịch theo hướng dẫn, ngày 3 lần để trên tổn thương da 30 phút rồi đợi tổn thương khô mới bôi thuốc, kiên trì như thế cho đến khi tổn thương khô rồi kết hợp bôi thuốc theo toa
2. Chàm bàn tay, bàn chân
• Không rửa tay bằng xà phòng, chất tẩy rửa nên rửa bằng sữa tắm dịu da
• Dưỡng ẩm thường xuyên, dưỡng ẩm cực quan trọng, dù hết bệnh cũng cần phải dưỡng ẩm, dưỡng ẩm tốt nhất là ngay sau khi tắm và dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày, tuỳ theo giai đoạn mà dưỡng ẩm sử dụng cũng khác nhau.
• Đeo găng khi rửa bát, đeo găng ni lông, nếu đeo găng cao su thì cần đeo găng ni lông trước rồi đeo găng cao su bên ngoài (một số găng cao su có chứa latex – nguyên nhân cao nhất dễ dị ứng tay)
• Đối với một số thể chàm bàn tay bàn chân có dày da nhiều, sau khi dưỡng ẩm buổi tối cần băng bịt lại, nếu không mua được gạc chuyên dùng đề băng bịt, có thể dùng màng bọc thực phẩm để băng bịt lại để qua đêm để tổn thương đỡ dày da, khô da, nứt và chảy máu.
3. Trứng cá
• Không cạy nặn mụn, không sờ tay lên mụn
• Rửa mặt bằng sữa rửa mặt hàng ngày, không rửa mặt bằng nước nóng
• Cần điều trị mụn theo lộ trình bác sĩ đưa ra, tuân thủ bôi thuốc theo thời gian và đủ thời gian, tuỳ mức độ bệnh mà thời gian điều trị kéo dài vài tháng đến hàng năm, dù các tổn thương trên bề mặt da nhìn thấy đã hết cũng cần dùng thuốc theo chỉ định.
• Sau khi hết lộ trình điều trị nên chăm sóc theo chế độ chăm sóc Bác sĩ đã đưa ra
• Khi bác sĩ cho kháng sinh điều trị cần tuân thủ đúng liều và thời gian uống
• Một số bệnh nhân đang sử dụng isotretinoin thì không phối hợp với các thuốc uống như multivitamin, vitamin ADE, các nhóm kháng sinh Tetracycline. Nếu có uống những thuốc nào khác hãy hỏi ý kiến Bác sĩ để xem có tương tác với thuốc đang sử dụng hay không
4. Viêm da tiết bã
• Điều trị cần kiểm soát lâu dài
• Dầu gội đầu sau khi hết giai đoạn cấp tính cần duy trì lâu dài theo liều lượng Bác sĩ kê. Một số dầu gội đầu chống nấm Bs kê đơn là do cơ chế bệnh sinh, mong quý anh chị em nên tuân thủ, nếu có thời gian Bs sẽ giải thích rõ với anh chị em hơn.
• Sử dụng sữa rửa mặt kiểm soát dầu và các thuốc bôi theo chỉ định, tuỳ từng tình trạng mà thuốc bôi sẽ khác nhau, bôi nhiều lần hay ít lần trong ngày.
5. Mày đay mạn tính
• Đây là bệnh khó để khống chế, cần tuân thủ theo bậc thang điều trị, mỗi giai đoạn có thể cần một loại thuốc chống dị ứng hay nhiều loại thuốc khác nhau, có thể liều lượng tăng hay giảm cũng khác nhau.
• Nên có một cuốn sổ riêng để ghi chép loại trừ dần các thức ăn gây dị ứng, đôi khi một loại thức ăn không gây dị ứng nhưng khi kết hợp thức ăn này với thức ăn khác lại gây dị ứng, anh chị em chú ý nhé.
• Một số bệnh có thể làm mày đay khởi phát như giun sán (nên tẩy giun định kỳ), viêm dạ dày có vi khuẩn HP, một số nhiễm trùng vùng hầu họng, nên loại trừ và điều trị nếu có.
6. Với các nhóm bệnh miễn dịch như: Viêm bì cơ, xơ cứng bì, vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống …
• Đây là các nhóm bệnh khó, cần khống chế lâu dài và cần phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau.
• Một số giải pháp dùng thuốc đang hiện có ở nhà có thể chỉ là tạm thời khi các anh chị em chưa đến được bệnh viện, mong khi dịch ổn các anh chị sẽ đến viện làm xét nghiệm để tiếp tục dùng thuốc
7. Nhiệt miệng
Phosphalugel có thể được kê đơn để bôi khi nhiệt miệng. (Ko nằm trong công dụng của nhà sản xuất)
- Một số sản phẩm bổ gan thường được hướng dẫn cho người hay nhiệt miệng, là thực phẩm chức năng có thể dùng kèm
- Súc miệng bằng nước súc miệng để hỗ trợ nhiễm trùng răng miệng và nhiệt miệng có nhiễm khuẩn.
8. Thuốc bôi tại chỗ
- Thuốc mỡ (salysilic 5%, daivonex, panoxyl 5-10%). Làm mềm da, tăng khả năng hấp thu của da nhưng làm trở ngại bài tiết và gây bít da. Không dùng dạng thuốc mỡ khi thương tổn đang ở giai đoạn cấp tính hoặc chảy nước. Thường dùng dạng mỡ trong giai đoạn mạn tính.
- Thuốc hồ (hồ Brocq, hồ nước, hồ tetraped…) làm thoáng da nhưng không ngấm sâu bằng thuốc mỡ, làm giảm viêm, giảm sung huyết, chống ngưng tụ huyết, làm khô da, dùng cho thương tổn ở giai đoạn bán cấp.
- Thuốc bột (bột talc…): có tác dụng làm dịu da, giảm viêm và khô da.
- Dung dịch (jarish, lugol, milian, caslellani…): hoạt chất thường là các dung môi lỏng hoặc hòa tan trong nước. Dạng thuốc này có tác dụng nhất thời dùng trong giai đoạn cấp tính. Các dung dịch màu nên bôi vào buổi chiều tối, tránh nắng. Bởi vì, các hoạt chất màu dễ mẫn cảm với ánh sáng để trở thành chất cảm quang gây viêm da do ánh sáng.
- Dạng gel (metrogylgel, erythrogel) dễ sử dụng, bôi nhanh khô tạo cảm giác dễ chịu.
- Corticoid bôi ngoài da: hydrocortison acetat (Hydracort, Hydrocorson), triamcinolon acetonid (Kenacort), aclometason (Acloson)... Mặc dù có tác dụng chống viêm tốt, nhưng nếu lạm dụng có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng: dị ứng, khô da, rậm lông, giảm sắc tố trên da, teo da, giãn mao mạch xuất huyết, tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm nấm, virus,...
9. Thuốc Kháng histamin: chống ngứa, chống dị ứng
Có 3 thế hệ kháng histamin H1 đang được sử dụng:
- Kháng H1 thế hệ : chlopheniramin, hydroxyzin, promethazin, Brompheniramin, Diphenhydramin.
- Kháng H1 thế hệ II:cetirizin, loratadin, acrivastin…
- Kháng H1 thế hệ III: fexofenadin (Telfast), Levocetirizin, Desloratadin.
Lưu ý:
+ Kháng H1 thế hệ I tác dụng phụ gây buồn ngủ, nên dùng vào buổi tối. Thế hệ II và thế hệ III ít gây buồn ngủ.
+ Các kháng histamin thường tương tác với rượu gây tăng tác dụng an thần. Cho nên khi sử dụng kháng histamin bệnh nhân không được uống rượu.
10. Thuốc chống nấm
- Thuốc chống nấm dùng toàn thân để điều trị các trường hợp nhiễm nấm sâu hoặc nhiễm nấm da lan tỏa, gồm các loại: thuốc chống nấm gốc azol (các dẫn chất của imidazol và triazol), Griseofulvin, Nystatin, Amphotericin B.
- Thuốc chống nấm tại chỗ (thuốc bôi) thường dùng cho những trường hợp nhiễm nấm nông khu trú ở da và niêm mạc như: hắc lào, lang ben, trứng tóc, tưa miệng...
Lưu ý: Khi sử dụng các thuốc chống nấm đường toàn thân cần lưu ý tương tác của thuốc. Ví dụ: dùng các dẫn chất của imidazol thì không nên phối hợp với các thuốc kháng histamin H1 thế hệ II và III, các kháng sinh như rifampicin, isoniazid, bệnh nhân không nên uống rượu.