Nguy hiểm đến từ kem trộn

Nội dung

Mong ước là vậy tuy nhiên không phải ai cũng may mắn có được một làn da đẹp. Chính điều đó thôi thúc chúng ta phải có biện pháp để thay đổi làn da của bản thân và không khéo sẽ rước họa.

Mới đây, một nữ bệnh nhân 38 tuổi, ở huyện Giồng Riềng, Kiên Giang phải đến khám tại BV. Da liễu Cần Thơ trong tình trạng da mặt thường xuyên bị ngứa, nổi mẩn đỏ mỗi khi ra nắng hoặc gội đầu, mặt xuất hiện nhiều vết thâm. Bệnh nhân cho biết do nghe bạn bè rỉ tai xài kem cho da mặt trắng hồng nên mua về bôi được hơn 1 năm, ban đầu thấy da trắng đẹp hẳn ra, nhưng sau đó bắt đầu thấy tình trạng nổi ửng đỏ khi ra nắng hoặc khi gội đầu xà bông dính lên mặt... Người bệnh ngưng dùng kem một vài lần là da bị đỏ ngứa, mặt thâm nám.

Trước đó, BV. Da liễu Trung ương liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng nặng: rậm lông, mụn mủ, chảy dịch trên mặt… sau khi dùng các loại kem trộn trị nám má, mụn trứng cá được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội.

Kem trộn là gì?

Cách đây chừng 15 - 20 năm, phong trào sử dụng các loại kem làm trắng tự chế bắt đầu xuất hiện. Các chị em rỉ tai nhau công thức của một loại kem thần dược có khả năng làm trắng da, điều trị mụn và cho làn da căng bóng.

Để có được loại kem này, người sử dụng chỉ cần đến quầy bán mỹ phẩm ở đầu chợ và mua một bộ mỹ phẩm về và có thể tự tay chế biến thành loại kem thần thánh ấy. Việc bào chế thần dược ấy rất đơn giản: “Cà nhuyễn thuốc viên, cho hết các loại kem vào một hủ to hơn và trộn đều tay”. Chính việc pha trộn này mà cái tên “Kem trộn” ra đời. Và đúng như lời quảng cáo, loại thần dược này vô cùng hiệu quả trong thời gian đầu rồi sau đó…

20 năm sau, tôi gặp lại người phụ nữ của những năm 2000, người mà ngày xưa tôi từng nhìn thấy làn da không tì vết của chị.Chị đến phòng khám tìm tôi với tình trạng da nám nặng nề, mạch máu trên mặt giãn chi chít và vô cùng nhạy cảm. Chị vẫn chưa biết chuyện gì xảy ra, chị vẫn còn đang xài hủ kem 200.000 đồng mua trong chợ huyện và không thể bỏ kem đó được vì bỏ là da chị sẽ ngứa ngáy khó chịu.

Một ngày nọ, tôi khám cho một khách hàng khá sang trọng. Chị đến khám mang theo khá nhiều mỹ phẩm “xịn” vì chị rất quan tâm tới làn da của mình và luôn muốn dành điều tốt nhất cho làn da. Trong số mỹ phẩm cao cấp ấy, có 1 lọ kem có tên khá lạ với công dụng ghi trên bao bì rất đơn giản “trị nám, trị mụn, mịn da”.

Chị kể về nguồn gốc hủ kem cho tôi nghe, mới biết được rằng chị mua hủ kem này ở một trung tâm thẩm mỹ khá lớn tại TP.HCM cách đây khoảng hơn một năm.Lần ấy chị đến trung tâm này và được nhân viên ở đây tư vấn dùng kem này bôi kết hợp với làm laser để cho da mịn màng, trắng sáng.Đúng như lời quảng cáo, da chị đẹp ra ngay sau tuần đầu tiên sử dụng và chị đã kiên trì bôi kem gần 2 năm nay.Tuy nhiên làn da của người phụ nữ đối diện tôi cũng không khác người phụ nữ của những năm 2000 mà tôi vừa gặp lại.

Vậy điểm chung của 2 người phụ nữ này là gì? Tại sao tình trạng da của họ lại tương tự nhau như vậy?Chắc chắn thủ phạm không ai khác chính là các loại kem bôi được gọi là “kem trộn” hay nói chính xác hơn là các loại mỹ phẩm có chứa corticosteroid (corticoid) mà các chị đã sử dụng trong một thời gian dài.

 

Corticoid là gì mà đáng sợ đến như thế?

Corticosteroid (corticoid) là một nhóm các chất hóa học bao gồm các hormone steroid được sản xuất từ vỏ thượng thận của động vật có xương sống và các chất tổng hợp tương tự các hormone đó.

Corticoid là thuốc kháng viêm phổ rộng, mạnh nhất trong các loại thuốc kháng viêm, được sử dụng trong nhiều bệnh lý khác nhau như dị ứng, ức chế miễn dịch, cơ xương khớp… Thuốc corticoid có nhiều dạng sử dụng. Đường toàn thân: uống, tiêm, truyền. Dùng tại chỗ: Xịt, bôi, tắm, gội… Corticoid dùng tại chỗ là một thuốc rất phổ biến trong chuyên ngành da liễu, được sử dụng trong điều trị các biểu hiện da viêm do dị ứng, miễn dịch, nhiễm trùng...

Tuy nhiên khi sử dụng thuốc bôi chứa corticoid kéo dài, cơ thể bắt đầu xuất hiện các biến chứng như: Teo da, giãn mao mạch, rối loạn sắc tố, rạn da, xuất huyết dưới da, đỏ da, vết thương lâu lành, viêm da quanh miệng, phát ban dạng mụn trứng cá, tăng nguy cơ nhiễm trùng nhiễm nấm tại chỗ…

 

“Kem trộn” núp bóng dưới những hình thức nào?

Loại đầu tiên là cái loại kem bán tràn lan ở các sạp mỹ phẩm ở những vùng quê xa nơi mà sự khủng khiếp của kem trộn vẫn chưa được biết rõ. Người mua loại này thường là người lớn tuổi, không có thông tin gì về sản phẩm cũng như không có khái niệm về “kem trộn”.

Loại thứ 2 là loại kem được quảng cáo với những tác dụng thần thánh như: trắng da, trị mụn, trị nám… bởi các cô cậu bán hàng online hoặc các loại kem gia truyền, kem đặc trị được phát minh và quảng bá bới các hotboy, hotgirl. Đối tượng khách hàng của nhóm này là các bạn học sinh, sinh viên.Những đối tượng này thường dễ tin vào sự định hướng của truyền thông cũng như tin vào sự quảng cáo của người bán hàng.

Loại thứ 3 là loại núp bóng dưới các loại mỹ phẩm được gắn mác “organic” hay “có nguồn gốc tự nhiên” chiết xuất từ trà xanh, nhân sâm, mật ong, cám gạo, nha đam… Với loại mỹ phẩm này, người sử dụng thường là giới văn phòng và những người có kiến thức nhất định.Họ biết về các tác hại của kem trộn nên muốn tìm các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên để dùng nhưng nhiều khi đời không như là mơ.

Loại cuối cùng được gọi là “kem trộn cao cấp” được sản xuất riêng theo kiểu dáng, tên gọi cũng như sự đặt hàng của các trung tâm thẩm mỹ, người nổi tiếng… Loại này được bán với giá rất cao và đối tượng khách thường thuộc nhóm khách hàng có thu nhập cao.

Như vậy, dù bạn có là ai, bạn ở đâu, “kem trộn” vẫn tràn lan chung quanh chúng ta. Liệu bạn đã biết cách bảo vệ bản thân mình chưa? Và liệu nhà nước có biện pháp nào để quản lý chất lượng của các loại mỹ phẩm trên thị trường hiện nay chưa? Kiểm nghiệm à?Các loại kem trộn này đều có giấy kiểm nghiệm đấy. Tuy nhiên chỉ toàn là kiểm nghiệm: vi khuẩn, ký sinh trùng… 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top