Nguyên nhân dẫn đến bệnh zona thần kinh

1. Zona thần kinh là gì?

Bệnh Zona là bệnh gây nên do virus có ái tính với thần kinh. Nó thuộc nhóm virus Herpès. Về kháng nguyên và khả năng phát triển thì virus này giống virus thủy đậu nên người ta xếp vào virus thủy đậu. Bệnh này lây qua tiếp xúc, kết hợp với một số yếu tố như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, rối loạn chuyển hóa, các bệnh về máu, mệt mỏi về tinh thần, nhiễm lạnh, sang chấn tinh thần…

Cách phòng chống: Tránh tiếp xúc với người bệnh; loại bỏ các yếu tố thuận lợi dễ gây bệnh như đã nêu trên. Chữa trị: Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ và giai đoạn bệnh, áp dụng các cách sau: Bệnh mới bắt đầu: mụn nước chưa dập vỡ thì dung thuốc dịu da: hồ nước, Ricanol 1%. Khi mụn đã dập vỡ: chấm thuốc màu: dung dịch eosin 2%; thuốc giảm đau: Paracetamol, analgin; thuốc an thần: Rotunda; kháng dị ứng: Polaramin; sinh tố nhóm B và Vitamin C; kháng sinh nhóm Cyclin (phòng bội nhiễm). Trường hợp nặng phải dùng Acyclovir Zovirax 200 mg x 5 viên/ngày, uống 5-7 ngày).

 

2. Triệu chứng của bệnh zona thần kinh

Lâm sàng: Trước khi tổn thương mọc 2-3 ngày thường có cảm giác báo hiệu như: rát dấm dứt, đau vùng sắp mọc tổn thư¬ơng kèm theo triệu chứng toàn thân ít hoặc nhiều như mệt mỏi, đau đầu... Hạch ngoại vi lân cận có thể sưng và đau.

+ Vị trí : thường khu trú tập trung ở những vị trí đặc biệt và chỉ có một bên của cơ thể dọc theo các đường dây thần kinh, nhưng cá biệt có thể bị cả hai bên hay lan toả.

+ Tổn thương cơ bản: thường bắt đầu là các mảng đỏ, nề nhẹ, gờ cao hơn mặt da, hình tròn, bầu dục lần lượt nổi dọc dây thần kinh, rải rác hoặc cụm lại thành dải, thành vệt, sau 1-2 giờ trên mảng đỏ xuất hiện những mụn nước chứa dịch trong, căng khó vỡ, các mụn nước tập trung thành cụm (như chùm nho), về sau đục, vỡ, xẹp để lại sẹo (nếu nhiễm khuẩn). Trước hoặc cùng với mọc tổn thương ở da thư¬ờng nổi hạch sưng và đau ở vùng tương ứng và là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán.

 

3. Nguyên nhân gây bệnh

Siêu vi khuẩn varicella zoster là thủ phạm gây nên bệnh thủy đậu và zona. Đầu tiên, cơ thể người tiếp xúc với các virus, nó lan rộng gây loét, ngứa gọi là bệnh thủy đậu. Sau đó nó đi vào trong các tế bào thần kinh, xuất hiện trở lại sau một vài năm thậm chí hàng chục năm sau, gây ra bệnh zona.

Bệnh zona thần kinh rất dễ chẩn đoán. Chỉ cần dựa vào những triệu chứng là có thể phát hiện ra bệnh. Thông thường, những mụn nước thường đóng vảy trong khoảng từ 7-10 ngày, và hoàn toàn biến mất trong khoảng từ 2-4 tuần. Ở những người khỏe mạnh, các mụn thường không để lại sẹo, đau đớn và ngứa sẽ biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng. Nhưng những người có hệ miễn dịch suy yếu, các mụn nước sẽ phát triển khó lành.

Ở một số người lớn tuổi, bệnh zona thần kinh có thể gây đau đớn kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau khi bệnh đã được chữa lành. Những đau đớn này do thần kinh bị tổn thương, được gọi là đau dây thần kinh sau zona. Có người cảm thấy ngứa khủng khiếp ở khu vực từng bị phát ban. Trong trường hợp nặng, đau hoặc ngứa có thể gây ra mất ngủ, giảm cân hoặc trầm cảm.

Ngoài ra, nếu zona xuất hiện xung quanh mắt hay trán, nó có thể gây nhiễm trùng mắt thậm chí gây mù. Nếu zona tấn công vào tai, thính giác có thể bị kém. Trong trường hợp hiếm hoi, zona có thể tấn công vào não hoặc tủy sống. Có thể ngăn ngừa các biến chứng bằng cách điều trị bệnh zona càng sớm càng tốt.

 

4. Điều trị bệnh như thế nào

Nếu xuất hiện đau rát và những mụn nước trên da, cần đến các bác sĩ thần kinh hoặc da liễu để được khám và điều trị càng sớm, hiệu quả càng tốt. Trong trường hợp có zona thần kinh ở mắt, nên đến các bác sĩ chuyên khoa mắt để tránh nguy cơ mù mắt.

Điều trị bao gồm 2 giai đoạn: điều trị giai đoạn cấp và giai đoạn đau sau zona.

Giai đoạn cấp :

- Thuốc giảm đau:

- Efferalgan codein (paracetamol + codein) 500mg x 3 - 4 lần/ngày, là loại thuốc sủi bọt, có tác dụng giảm đau mạnh. Chống chỉ định trong trường hợp dị ứng với thành phần của thuốc, suy gan - thận.

Hoặc thuốc giảm đau chống viêm không corticoid như aspirin 1.000mg x 2lần/ngày, uống sau ăn no. Chống chỉ định trong trường hợp loét dạ dày - tá tràng, dị ứng với thành phần của thuốc.

- Corticoid (prednisolon): Liều 1mg/kg/ngày x 3 ngày đầu, sau đó giảm dần (giảm 10mg mỗi 3 ngày) rồi dừng, thường uống trong vòng 15 ngày. Chống chỉ định trong trường hợp có mẫn cảm với thuốc. Thận trọng cho người bệnh loãng xương, loét dạ dày - tá tràng, tiểu đường, tăng huyết áp, suy tim, trẻ em đang lớn. Tác dụng không mong muốn: mất ngủ, thần kinh dễ bị kích động, đục thể thủy tinh, glôcôm, phù, tăng huyết áp, loét dạ dày - tá tràng, loét thực quản, viêm tụy...

- Thuốc kháng virut (acyclovir, famyclovir...): viên nén 200mg, 400mg, 800mg. Liều 800mg x 5 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4 giờ. Thời gian điều trị từ 5-7 ngày. Thuốc được dùng ngay khi bệnh mới mắc hoặc khi có mụn nước xuất hiện. Thuốc có tác dụng làm giảm cường độ và thời gian đau sau zona, càng điều trị sớm hiệu quả càng cao. Chống chỉ định trong trường hợp có mẫn cảm với thuốc. Tác dụng không mong muốn: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu. Thận trọng trong trường hợp có thai và cho con bú.

- Thuốc bôi tại chỗ: trong thời gian mụn nước xuất hiện, vệ sinh nơi tổn thương sạch sẽ, mặc quần áo sạch sẽ thoáng mát tránh bội nhiễm. Khi mụn nước vỡ, có thể chấm bằng thuốc xanh metylen.

Ngoài ra có thể dùng thêm thuốc kháng histamin (chlorpheniramine...), thuốc không có tác dụng chống virut nhưng có tác dụng làm giảm ngứa tại nơi tổn thương và an thần nhẹ.

Giai đoạn đau sau zona:

- Amitriptylin: viên nén 25mg, liều từ 25-75mg/ngày chia 2 lần. Lúc đầu dùng liều thấp sau tăng dần. Thuốc có tác dụng tốt trong trường hợp đau rát bỏng, đau như xé. Tác dụng phụ: hạ huyết áp tư thế, ngủ gà, lú lẫn, khô miệng, run, táo bón, bí đái, tăng cân. Chống chỉ định: glôcôm góc đóng, u tuyến tiền liệt, loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền, động kinh, có thai.

Trong trường hợp đau từng cơn, đau như dao đâm, đau nhói hoặc co cơ hay máy cơ... có thể dùng các thuốc sau với liều thấp sau đó tăng dần tới liều tác dụng:

- Carbamazepin (tegretol): viên nén 200mg, liều lượng từ 400- 1.200mg/ngày. Tác dụng không mong muốn: chóng mặt, buồn nôn lúc bắt đầu điều trị (hạn chế bằng cách tăng dần liều); hội chứng tiền đình tiểu não hoặc lú lẫn do quá liều; giảm nhẹ bạch cầu trung tính; rối loạn dẫn truyền tim; phản ứng đặc ứng (nhiễm độc da, viêm gan, thiểu sản tủy xương). Chống chỉ định: Bloc nhĩ - thất (nhịp tim chậm).

- Clorazepam (rivotril): viên nén 2mg, liều từ 1-4mg/ngày. Tác dụng không mong muốn: ngủ gà, giảm trí nhớ (ở người già). Chống chỉ định trong trường hợp mẫn cảm với thuốc.

- Gabapentin (neurontin): viên nén 300mg, liều từ 900mg-2.000mg/ngày. Tác dụng không mong muốn: ngủ gà, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đi loạng choạng, run. Chống chỉ định trong trường hợp có thai hoặc cho con bú, dị ứng với thành phần của thuốc. 

Thuốc bôi tại chỗ: voltarel gel, aspirin gel... trong vòng 4 tuần.

- Vitamin nhóm B, C, E...

- Châm cứu phối hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top