Cần làm gì khi trẻ quấy khóc vào ban đêm?

Nội dung

Nếu bạn đã và đang làm cha mẹ, vậy bạn sẽ biết rằng giấc ngủ của trẻ không hề yên bình chút nào. Trẻ ọ ẹ và rên rỉ, ho và thở dài, vặn vẹo và ngọ nguậy trong khi ngủ. Một điều nữa mà bạn có thể không hề mong đợi với tư cách là một người mới làm cha mẹ là trẻ sẽ thức giấc và quấy khóc vào nửa đêm.

Lý do khiến trẻ dậy quấy khóc bất thường lúc nửa đêm phụ thuộc phần lớn vào độ tuổi của trẻ. Ví dụ, trẻ sơ sinh thường thức giấc vì những lý do hoàn toàn khác với trẻ 4 tháng tuổi. Và trẻ từ 9 đến 12 tháng tuổi lại thức giấc vì lý do khác nhau.

9 lý do khiến trẻ thức dậy và quấy khóc

Trẻ sơ sinh dễ mắc những chứng rối loạn về đêm hơn so với người lớn và có rất nhiều lý do tại sao điều này có thể xảy ra. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:

  • Đói bụng
  • Đầy hơi
  • Mọc răng
  • Môi trường không thoải mái
  • Đang bị bệnh
  • Sự lo lắng ở trẻ nhỏ
  • Suy thoái giấc ngủ
  • Tăng trưởng nhanh
  • Ác mộng về đêm

Đói bụng

Các chuyên gia cho biết nếu trẻ dưới 4 tháng tuổi, lý do lớn nhất khiến trẻ thức giấc giữa đêm và khóc thét là do đói bụng. Trẻ nhỏ cần được cho ăn suốt ngày và đêm, cứ 2 đến 3 giờ một lần.

Dù sau này trẻ sẽ bỏ một số cữ bú đêm và kéo dài thời gian giữa các lần bú, tuy nhiên, ở độ tuổi này, có lẽ nguyên nhân gây quấy khóc ở trẻ là do trẻ cần được cho bú, đặc biệt là nếu đã được vài giờ kể từ lần bú cuối cùng.

Đầy hơi

Như đã nói ở trên, trẻ có thể ăn nhiều trong khi hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện.

Ví dụ: ngay cả khi trẻ không dung nạp được sữa bò, thì không phải lúc nào dạ dày của chúng cũng có khả năng tiêu hóa những chất có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Điều này dẫn đến việc khí trệ và đau nhức, khó chịu cho trẻ. Và bởi vì trẻ về cơ bản là còn quá nhỏ, chúng không biết cách làm thế nào để giảm bớt các triệu chứng đầy hơi, vì vậy trẻ cần sự giúp đỡ của bạn thông qua việc quấy khóc.

Nếu trẻ bị đầy hơi nhiều hoặc có vẻ như đang bị phình lên ở giữa bụng, có thể trẻ đang bị đau đớn và khó chịu do đầy hơi.

Mọc răng

Chuyên gia cho biết trong độ tuổi từ 4 đến 6 tháng, việc trẻ bắt đầu mọc răng là lý do phổ biến khiến trẻ thức giấc vào ban đêm.

Mặc dù cơn đau khi mọc răng có thể kéo dài hàng tháng, nhưng cuối cùng trẻ sẽ học được cách đối phó với cơn đau này. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, trẻ sẽ thường cảm thấy khó chịu vì cảm giác ngứa ngáy ở miệng.

Một số dấu hiệu phổ biến khi trẻ mọc răng bao gồm:

  • Nước dãi chảy nhiều
  • Trẻ muốn đưa mọi thứ vào miệng
  • Sưng nướu

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào trong số những dấu hiệu này vào ban ngày và thức dậy quấy khóc vào ban đêm, thì có thể là do quá trình mọc răng của trẻ.

Môi trường không thoải mái

Tã lót, phòng quá nóng hoặc quá lạnh, tấm lót cũi bị thấm nước... nếu những vấn đề này khiến bạn cảm thấy không thoải mái khi ngủ, thì có thể nó cũng khiến trẻ cảm thấy không thoải mái khi ngủ.

Một lần nữa, vì trẻ sơ sinh không thể tự giải quyết bất kỳ vấn đề nào của mình, nên chắc chắn trẻ sẽ thông báo cho bạn (đôi khi bằng cách ồn ào nhất, tức giận nhất có thể) rằng giấc ngủ của trẻ đang bị gián đoạn bởi một thứ gì đó trong môi trường của chúng.

Bệnh tật

Khi cơn ốm ập đến vào nửa đêm, trẻ có thể đột ngột thức giấc kèm theo sốt, đau bụng hoặc nghẹt mũi.

Nếu trẻ cảm thấy nóng, hãy kiểm tra xem trẻ có bị sốt không. Nếu trẻ có vẻ khó chịu hoặc đang cọ xát hoặc ngoáy tai, mắt hoặc mũi, trẻ có thể đang cố gắng nói với bạn rằng trẻ không được khỏe.

Cảm thấy lo lắng

Ở trẻ lớn hơn - khoảng 9 tháng tuổi trở lên - thức giấc vào ban đêm bắt đầu trở thành một vấn đề về sự phát triển tinh thần hơn là một vấn đề thể chất.

Chuyên gia cho biết từ khoảng 9 đến 12 tháng, trẻ có thể có nỗi lo lắng về sự chia ly. “Trẻ sơ sinh ở độ tuổi này thường thức dậy, nhận ra bố hoặc mẹ không ở bên cạnh và lo lắng”.

Nếu trẻ thức giấc và la hét nhưng sau đó dịu lại khi bạn chạy đến chỗ trẻ, rất có thể bạn đang giải quyết một nhu cầu tình cảm cho trẻ chứ không phải là một cái tã bẩn hay cái bụng trống rỗng.

Suy thoái giấc ngủ

Có một số giai đoạn phát triển khi suy thoái giấc ngủ có thể xảy ra. Chúng bao gồm các tháng 4, 6, 8, 12, 18 và 24.

Điểm chung của tất cả các giai đoạn này là chúng đánh dấu một số mốc phát triển của trẻ. Cho dù trẻ đang trở nên độc lập hơn, cố gắng khẳng định mong muốn của mình hay chỉ đơn giản là nhớ bạn, thì những thay đổi trong quá trình phát triển thường dẫn đến chứng suy thoái giấc ngủ.

Ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, lý do chính khiến trẻ bị suy thoái giấc ngủ là do thói quen đi ngủ. Nếu trẻ thường xuyên được cho đi ngủ với bình sữa hoặc núm vú giả và thức dậy nhận ra nó không còn ở đó nữa, trẻ sẽ bắt đầu la hét.

Điều tương tự cũng xảy ra với bất cứ điều gì bạn làm để giúp trẻ đi vào giấc ngủ, chẳng hạn như đung đưa, cho ăn hoặc ôm ấp.

Nếu trẻ phụ thuộc vào ai đó hoặc điều gì đó để ngủ, khi trẻ thức dậy vào ban đêm giữa các chu kỳ ngủ và thấy chỉ có một mình trong cũi tối, chúng sẽ rất hoảng hốt.

Tăng trưởng mạnh mẽ

Những trẻ nhỏ hơn thường trải qua những giai đoạn tăng trưởng theo chu kỳ khiến trẻ trở nên hung dữ và quấy nhiễu hơn.

Điều đó có nghĩa là trẻ không chỉ có thể thức dậy thường xuyên hơn vào ban đêm để đòi ăn mà trẻ có thể yêu cầu được ăn một cách vô cùng khẩn cấp.

Một đợt tăng trưởng thực sự thường chỉ kéo dài khoảng 2 hoặc 3 ngày. Nếu trẻ thức dậy và khóc và không có gì ngoài việc cho bú để xoa dịu trẻ, thì có thể tình huống chỉ là tạm thời và trẻ sẽ tự vượt qua được.

Ác mộng

Mặc dù phổ biến nhất vào khoảng 3 đến 4 tuổi, những cơn ác mộng chắc chắn có thể làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ và khiến trẻ khóc, quấy nhiễu bạn suốt đêm. Tuy nhiên hầu hết trẻ sơ sinh sẽ không bị chứng sợ ban đêm cho đến khi 18 tháng, vì vậy nếu trẻ nhỏ hơn 18 tháng thì có lẽ đó không phải là nguyên nhân.

Tuy nhiên, trẻ nhỏ hơn dễ có phản xạ giật mình do hoạt động quá mức, thường có thể trông giống như chúng vừa thức dậy sau một giấc mơ xấu. Trẻ sơ sinh sẽ giật mình thức giấc giữa các chu kỳ ngủ, và chỉ cần một cái vỗ nhẹ vào lưng hoặc một cái chạm nhẹ để giúp trẻ trở lại giấc ngủ.

 

Làm thế nào để xoa dịu trẻ khóc vào ban đêm?

Khi con bạn thức giấc đột ngột khóc vào ban đêm, bạn có thể thực hiện một số bước nhanh chóng để tìm ra vấn đề, bạn không thể giải quyết vấn đề nếu bạn không biết nó là gì:

-Xem liệu nhu cầu cơ bản của trẻ đã được đáp ứng chưa, ví dụ như trẻ đã được cho ăn chưa? Đã thay tã? Trẻ cảm thấy ấm hay lạnh? Đôi khi, giải pháp đơn giản là cho trẻ bú, thay tã hoặc quấn lại chăn cho trẻ.

-Cố gắng đánh giá xem trẻ có đau đớn về thể xác không. Nếu trẻ đã nhai mọi thứ trong ngày, có thể trẻ đang mọc răng và một chút xoa bóp nướu hoặc dùng liều giảm đau phù hợp với lứa tuổi có thể hữu ích. Nếu trẻ có vẻ cáu kỉnh, chuyên gia khuyên bạn nên thực hiện một vài động tác đạp xe và thả khí cho trẻ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

-Đo phản ứng cảm xúc của trẻ khi bạn xuất hiện trong tầm mắt của trẻ vào buổi đêm. Nếu trẻ vui khi nhìn thấy bạn, có thể trẻ đang lo lắng về việc ở một mình. Nếu trẻ bình tĩnh ngay sau khi bạn nhấc núm vú lên hoặc đưa núm vú giả vào miệng, trẻ có khả năng trở nên phụ thuộc vào dụng cụ hỗ trợ giấc ngủ.

Nếu tất cả nhu cầu cơ bản của trẻ đều được đáp ứng, thì có khả năng trẻ cần phát triển một số hành vi tự xoa dịu bản thân.

 

Huấn luyện giấc ngủ có thể giúp ích gì không?

Nếu bạn nghi ngờ trẻ cần học cách tự ngủ trở lại, có một số tin tốt và một số tin xấu.

Tin tốt là vấn đề này đã có giải pháp. Tin xấu là trẻ cần luyện ngủ mặc dù điều đó nghe có vẻ khó khăn, mệt mỏi và căng thẳng.

Nếu trẻ đã phát triển sự gắn bó với một thói quen, một người hoặc một đồ vật để thoải mái chìm vào giấc ngủ - và trẻ thức giấc vào nửa đêm khi trẻ không còn nó nữa – thì việc luyện ngủ là một giải pháp khả thi.

Nếu bạn đã cố gắng liên tục trong nhiều tuần để dỗ trẻ ngủ trở lại và không đạt được tiến bộ nào, thì bạn nên xem xét một phương pháp huấn luyện giấc ngủ bài bản hơn.

Việc luyện ngủ thường không hữu ích cho trẻ dưới 4 tháng tuổi, vì vậy bạn không thể bắt đầu quá sớm. Nó cũng có thể mất một thời gian để có kết quả.

Chuyên gia lưu ý rằng phải mất 2 tuần để hình thành và phá bỏ thói quen, vì vậy bạn phải dành thời gian cho phương pháp luyện ngủ trước khi đánh giá rằng kế hoạch này không có hiệu quả.

Sự kiên nhẫn vẫn là quan trọng nhất vào lúc này. Rất nhiều trường hợp trẻ quấy khóc giữa đêm và bạn không thể làm gì khác để khắc phục, vấn đề là chờ đợi, kiên nhẫn và duy trì tiến trình luyện ngủ.

 

Khi nào cần cho trẻ đi khám bác sĩ?

Phần lớn, tất cả những lo lắng về giấc ngủ này là những vấn đề bạn có thể giải quyết tại nhà bởi việc trẻ thức dậy vào ban đêm thường không phải là điều gì đó cần đến bác sĩ.

Điều đó có nghĩa là, nếu trẻ có vẻ ốm yếu, bỏ ăn hoặc có nhiệt độ từ 38°C trở lên, bạn có thể nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ. Tương tự đối với trẻ quấy khóc đêm này qua đêm khác mà không rõ nguyên nhân.

Tất nhiên, việc đưa trẻ tới khám bác sĩ rất được hoan nghênh bất cứ lúc nào để được hướng dẫn, tư vấn nhằm loại trừ các vấn đề về thể chất có thể khiến trẻ thức dậy và quấy khóc vào ban đêm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top