✴️ Đại cương động vật chân đốt (P2)

Nội dung

PHÂN LOẠI ĐỘNG VẬT CHÂN ĐỐT.

Theo phân loại hiện nay, ngành động vật chân đốt được chia làm bốn ngành phụ là: Trilobitomorpha, Chelicerata, Branchiata (Crustacea) và Tracheata (Uniramia), trong đó có khoảng hơn mười lớp nhưng các có hai lớp có vai trò y học chủ yếu là lớp nhện Arachnida thuộc ngành phụ Chelicerata và lớp côn trùng (Insecta) thuộc ngành phụ  Tracheata (Uniramia).

Lớp nhện (Arachnida):

Đặc điểm hình thể:

Là những động vật chân đốt mà cơ thể là một khối hình bầu dục gọi là idiosoma, miệng có bộ phận hút là kìm, không có anten, không có cánh, có 4 đôi chân, mỗi chân gồm 6 đốt.

Lớp nhện có một số loài thở bằng khí quản (ve, mạt), có loài thở qua da      (cái ghẻ). Bộ máy tiêu hoá có cấu tạo đặc biệt: có nhiều ngăn, chứa được rất nhiều máu, vì vậy khi ăn no thân lớn rất nhiều so với lúc đói.

Vòng đời và phân loại:

Vòng đời: phát triển thường qua 4 giai đoạn: trứng - ấu trùng - thanh trùng và trưởng thành. Hình thể ấu trùng gần giống trưởng thành nhưng chỉ có 3 đôi chân.

Phân loại: lớp nhện có nhiều bộ, nhưng có hai bộ liên quan đến y học: bộ  Linguatula, và bộ ve (Acarina):

Bộ Linguatula: đáng chú ý Linguatula serrata và Porocephalus armillatus.

Bộ ve: ve - mò - mạt - cái ghẻ.

Lớp côn trùng (Insecta):

Côn trùng trưởng thành: có 3 đôi chân, thân chia thành 3 phần rõ rệt: (đầu, ngực, bụng), có vòi.

Đầu: thường có mắt. Có 2 loại mắt, mắt đơn và mắt kép (mắt kép gồm nhiều mắt đơn ghép lại), mắt thường to chiếm gần hết đầu. Có 2 râu (anten) có từ 3 - 15 đốt. Có 2 pan, còn gọi là súc biện, cũng chia đốt. Có 1 vòi để hút thức ăn, vòi có cấu tạo phức tạp gồm những bộ phận: hàm trên, hàm dưới, môi… để giúp cho việc hút máu hoặc nghiền, liếm thức ăn.

Ngực: có 3 đốt, dính thành một khối, chia 3 thành phần: ngực trước, ngực giữa, ngực sau, mỗi phần ngực mang một đôi chân. Chân côn trùng chia nhiều đốt: đốt hông, đốt háng, đốt đùi, đốt cẳng và đốt bàn chân. Trên ngực còn có một hoặc hai đôi cánh, cũng có loài côn trùng không có cánh. Trên cánh có gân dọc, gân ngang, có lông hoặc vảy phủ trên các gân.

Bụng: có từ 5 - 11 đốt, đốt cuối cùng thường là bộ phận sinh dục đực hoặc cái.

Vòng đời và phân loại:

Vòng đời phát triển của côn trùng thường qua bốn giai đoạn: trứng - ấu trùng - thanh trùng và trưởng thành. Lớp côn trùng chia thành hai nhóm: nhóm phát triển biến thái hoàn toàn và nhóm phát triển biến thái không hoàn toàn.

Nhóm phát triển biến thái không hoàn toàn: Các giai đoạn phát triển ấu trùng có hình thái tương tự như con trưởng thành, chỉ khác về kích thước, cơ quan sinh dục. Trong nhóm này có hai bộ liên quan đến y học:

  • Không cánh: bộ Anoplura (bộ Chấy rận).
  • Bốn cánh: bộ Hemiptera (bộ Rệp) gồm họ Rệp và họ Bọ xít.

Nhóm phát triển biến thái hoàn toàn: Các giai đoạn ấu trùng và trưởng thành rất khác nhau và trải qua giai đoạn chuyển tiếp là nhộng. Nhóm này gồm những bộ liên quan đến y học là:

  • Không cánh: bộ Siphonaptera (tên cũ là Aphaniptera, bộ Bọ chét).
  • Hai cánh: bộ Diptera. Bộ hai cánh được phân loại theo số đốt của râu và đường costa trên cánh:
  • Râu dưới 3 đốt: bộ phụ Brachycera, trong đó có họ Tabanidae (có hai chi liên quan đến y học là Chrysops và Tabanus), họ Muscidae, Sarcophagidae, Oestridae.
  • Râu trên 3 đốt: bộ phụ Nematocera. Bộ này gồm các họ sau:
    • Costa chạy tới đầu cánh:
      • Râu ngắn: họ Simulidae (ruồi vàng).
      • Râu dài: họ Chiromomidae (dĩn, gián).
    • Costa chạy vòng quanh cánh:
      • Trên gân cánh có lông: họ Psychodidae có chi Phlebotomus (muỗi cát) và Lutzomyia liên quan đến y học.
      • Trên gân cánh có vẩy: họ Culicidae (muỗi).

Ngoài cách phân loại như trên, người ta còn phân loại động vật chân đốt theo vai trò của chúng đối với y học.

PHÒNG CHỐNG ĐỘNG VẬT CHÂN ĐỐT.

Nguyên tắc:

Phòng chống động vật chân đốt truyền bệnh trên quy mô rộng lớn nhưng có trọng tâm trọng điểm. Hầu hết các bệnh kí sinh trùng do động vật chân đốt truyền là bệnh xã hội, phổ biến, nhiều người mắc, dễ lây lan. Bệnh do động vật chân đốt truyền có nhiều, không thể đồng loạt phòng chống mà phải chọn những bệnh   nào đó có hại nhiều đến sức khoẻ, sức sản xuất của từng vùng, cân nhắc khả  năng khống chế được bệnh với điều kiện vật chất kĩ thuật có thể có được. Ví dụ: muỗi truyền bệnh sốt rét ở Tây Nguyên, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ở thành phố, nơi đông người… Nhiều bệnh kí sinh trùng do động vật chân đốt truyền  khác có thể sẽ giảm dần trên cơ sở đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội ngày càng được nâng cao.

Phải có kế hoạch phòng chống động vật chân đốt trong thời gian lâu dài, liên tục, dựa vào kế hoạch hành chính của chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, vì các bệnh do động vật chân đốt truyền thường kéo dài, tái nhiễm liên tiếp.

Phòng chống động vật chân đốt truyền bệnh phải là công tác của quần chúng, xã hội hoá công việc phòng chống, lôi cuốn cộng đồng tự giác tham gia. Vì mức độ phổ biến của bệnh do động vật chân đốt truyền liên quan đến hàng triệu người nên mọi người phải hiểu biết về bệnh để tự giác tham gia. Người làm công tác chuyên môn phải biết tuyên truyền giáo dục, vận động, giúp cho mọi người dân hiểu biết, tự nguyện phòng chống. Nhiệm vụ của ngành Y tế là phải tham mưu cho chính quyền thấy rõ được tác hại của các loài động vật chân đốt truyền bệnh bằng những số liệu thuyết phục, đề xuất được những kế hoạch cụ thể, hiệu lực trong việc phòng chống.

Kết hợp nhiều biện pháp với nhau, từ thô sơ đến hiện đại, kết hợp các biện pháp cơ - lí - hóa - sinh học để phòng chống động vật chân đốt truyền bệnh.

Lồng ghép việc phòng chống động vật chân đốt truyền bệnh với các hoạt động/các chương trình, các dịch vụ y tế, sức khoẻ khác. Kết hợp phòng chống động vật chân đốt truyền bệnh với việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nhất là ở tuyến cơ sở.

Biện pháp chung:

Biện pháp cơ học - lí học: phá bỏ những ổ động vật chân đốt, thay đổi môi trường làm mất nơi trú ẩn hoặc nơi sinh đẻ của chúng. Đối với động vật chân đốt trưởng thành có thể bắt, đập, bẫy, quạt, hun khói, xua đuổi cách li không cho tiếp xúc với người... biện pháp này đơn giản dễ làm, nhưng muốn đạt hiệu quả cao mọi người để phải tham gia, tốn nhiều công sức.

Biện pháp hoá học: dùng các hoá chất có hiệu lực để diệt động vật chân đốt khi chúng tiếp xúc hoặc ăn phải các hoá chất đó. Cần lựa chọn hoá chất, lựa chọn cách thức sử dụng, không tạo điều kiện để động vật chân đốt kháng thuốc, không gây ô nhiễm môi trường.

Biện pháp sinh học: sử dụng kẻ thù tự nhiên của động vật chân đốt để diệt chúng, hoặc làm giảm mật độ động vật chân đốt gây hại. Ví dụ: dùng kiến để diệt rệp, cá ăn bọ gậy... hoặc dùng phương pháp tiệt sinh: sử dụng những kĩ thuật làm giảm sức sinh sản của động vật chân đốt hay làm biến đổi cấu trúc di truyền của động vật chân đốt. Phương pháp này có thể diệt được động vật chân đốt mà không gây độc cho người và môi trường.

Biện pháp cụ thể:

Do có nhiều loại động vật chân đốt truyền bệnh khác nhau nên không thể cùng một lúc tiến hành phòng chống mọi loại động vật chân đốt. Phải căn cứ theo yêu cầu, khả năng thực hiện để xây dựng kế hoạch phòng chống động vật chân đốt có trọng tâm trọng điểm. Với từng loại động vật chân đốt, căn cứ theo sinh thái mà áp dụng các biện pháp khác nhau để phòng chống một cách toàn diện. Có ba phương pháp chính:

Phương pháp cơ học - lí học:

Bắt và diệt các côn trùng trung gian truyền bệnh, cải tạo môi trường làm phá vỡ, hạn chế điều kiện phát triển, bất lợi cho loài động vật chân đốt truyền bệnh, phương pháp này không gây ô nhiễm môi trường.

Phá bỏ những ổ động vật chân đốt, thay đổi môi trường làm mất nơi ẩn, nơi sinh đẻ của chúng, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, phá nơi sinh sản cư trú của động vật chân đốt.

Đối với động vật chân đốt trưởng thành có thể bắt, đập, bẫy, hun khói, xua đuổi cách li không cho tiếp xúc với người... biện pháp này đơn giản dễ làm, nhưng muốn đạt hiệu quả cao mọi người đều phải tham gia, tốn nhiều công sức.

Phương pháp  hoá học:

Nguyên lí của biện pháp này là dùng các hoá chất độc để diệt động vật chân đốt khi chúng tiếp xúc hoặc ăn phải hoá chất, hoặc dùng những chất có mùi đặc biệt làm cho côn trùng sợ không dám tấn công vào vật chủ.

Cần lựa chọn hoá chất, lựa chọn cách sử dụng, không tạo điều kiện để động

Vol 30; ĐS/2005 Vol 30; ĐS/2005

vật chân đốt kháng thuốc, không gây ô nhiễm môi trường. Phương pháp này có tác dụng nhanh, trên phạm vi rộng. Thường sử dụng các nhóm thuốc sau:

Nhóm thuốc xua: dùng những hoá chất có mùi đặc biệt để xoa lên những chỗ da hở, hoặc tẩm vào màn, lưới, quần áo... làm cho côn trùng sợ phải bỏ đi.

Có nhiều thuốc xua côn trùng có tác dụng tốt như tinh dầu xả, DEP (diethyl phtalat), DMP (dimethyl phtalat)...

Nhóm thuốc diệt: nhóm này bao gồm nhiều hoá chất:

Nhóm hoá chất vô cơ: xanh Paris, acetoarseniat đồng... Các hoá chất này thường được thả xuống nước để diệt ấu trùng động vật chân đốt trong nước.

Nhóm hoá chất clo hữu cơ: dichlorodiphenyltrichloroetan (DDT) hoặc hexachlorocychlohexan (HCH, 666) methoxychlor... Các hoá chất này được sử dụng từ lâu, diệt côn trùng nhanh, tồn lưu lâu nhưng có nhược điểm gây độc cho người và động vật, làm ô nhiễm môi trường.

Nhóm lân hữu cơ: malathion, fenthion, dichlorodivynilphosphat (DDVP)… Các chất này có tác dụng diệt động vật chân đốt nhanh nên thường được sử dụng khi cần dập tắt nhanh các ổ dịch. Thuốc tồn lưu ngắn (thường từ 15 ngày tới 3 tháng), rất độc đối với người và động vật nên khi sử dụng cần đề phòng nhiễm độc.

Nhóm carbamat: những chất kháng enzym cholinesterase thường dùng để diệt bọ gậy tồn lưu lâu nhưng giá thành đắt nên ít được sử dụng.

Nhóm pyrethroid: pyrethrin tự nhiên là những chất chiết xuất từ hoa cây thuộc họ cúc, chi Chrysanthenum. Pyrethrinoid tổng hợp: permethrin, deltamethrin, lamdacyhalothrin (ICON), trebon... Các hoá chất thuộc nhóm này có tác dụng   tốt diệt động vật chân đốt, ít độc với người, hệ số an toàn cao, ít gây ô nhiễm   môi trường.

Cách sử dụng hoá chất: tùy theo đặc tính lí, hoá và độ an toàn mà các hoá chất kể trên có thể được sử dụng dưới các dạng: phun tồn lưu, phun dưới dạng sương mù, dạng khói, tẩm màn hoặc quần áo. Dùng hoá chất dưới dạng nào cũng phải đảm bảo yêu cầu diệt được động vật chân đốt nhưng không gây độc cho người, động vật, không làm ô nhiễm môi trường. Để tránh hiện tượng động vật chân đốt kháng hóa chất cần sử dụng chúng đúng mục đích, đúng kĩ thuật không để dư thừa và có kiểm soát, cần thường xuyên theo dõi mức độ kháng để kịp thời thay đổi hoá chất hoặc phối hợp các biện pháp. Cách tăng liều hoá chất, rất ít sử dụng vì gây độc cho người và động vật.

Phương pháp sinh học:

Sử dụng kẻ thù tự nhiên của động vật chân đốt để diệt chúng, hoặc làm giảm mật độ động vật chân đốt gây hại. Ví dụ: dùng kiến để diệt rệp, dùng cá để ăn bọ gậy muỗi, ấu trùng muỗi Toxorhychites hoặc Culex ăn ấu trùng muỗi khác..., hoặc dùng một số loại virut, vi khuẩn, nấm để diệt muỗi hoặc bọ gậy muỗi.

Phương pháp tiệt sinh: là phương pháp sử dụng những kĩ thuật làm giảm sức sinh sản của côn trùng gây hại hay làm biến đổi cấu trúc di truyền của động vật chân đốt. Có thể vô sinh con đực (bằng hoá chất hoặc tia X, γ hay β, vô sinh bằng phương pháp lai ghép tạo con lai F1 vô sinh) rồi thả vào thiên nhiên, những côn trùng đực vô sinh này có khả năng giao phối cạnh tranh với quần thể ngoài tự nhiên để sinh ra thế hệ lai không có khả năng sinh sản hoặc mất khả năng truyền bệnh. Phương pháp này có thể diệt được một loài động vật chân đốt, không gây độc cho người, không gây ô nhiễm môi trường, nhưng cần thời gian dài và thực hiện ở một khu biệt lập để động vật chân đốt ở khu vực xung quanh không di chuyển tới.

ĐỘNG VẬT CHÂN ĐỐT VÀ CHIẾN TRANH SINH HỌC.

Ngành động vật chân đốt được chia thành 4 ngành phụ, trong đó có nhiều lớp nhưng lớp côn trùng (insecta) và lớp nhện (arachnida) có vai trò quan trọng trong truyền những tác nhân sinh học.

Động vật chân đốt vừa có khả năng gây bệnh vừa có khả năng vận chuyển và truyền mầm bệnh (tác nhân sinh học) cho người. Ví dụ về khả năng gây bệnh của động vật chân đốt: một số loài động vật chân đốt khi hút máu truyền độc tố gây đau, dị ứng, mẩn ngứa (vết loét do mò đốt) hoặc có thể gây choáng, tê liệt nhiễm độc và chết (bọ cạp, rết độc). Khả năng gây bệnh của động vật chân đốt cho người rất hạn chế nhưng khả năng vận chuyển và truyền tác nhân sinh học cho người thì vô cùng to lớn và nguy hiểm .

Một số loài động vật chân đốt chỉ nhiễm mầm bệnh một lần mà có khả năng truyền mầm bệnh qua nhiều thế hệ sau.

Người ta có thể tạo ra các loài động vật chân đốt lạ có khả năng vận chuyển và truyền các tác nhân sinh học đã được gây biến đổi gen, kháng thuốc và rất nguy hiểm.

Người ta cũng có thể tạo ra các loài động vật chân đốt có khả năng chịu đựng, dung nạp và kháng các hoá chất diệt.

Động vật chân đốt có thể vận chuyển và truyền rất nhiều loại mầm bệnh (tác nhân sinh học) cho người và động vật:

Mầm bệnh là kí sinh trùng: ruồi Glossina truyền Trypanosoma gây bệnh Chagas (bệnh ngủ), muỗi cát (Phlebotomus) truyền Leishmania gây bệnh Kala-aza (bệnh sốt đen).

Mầm bệnh là vi khuẩn: ruồi nhà, nhặng, gián truyền bệnh tả, lị, thương hàn, lao, bọ chét truyền bệnh dịch hạch (Yersinia pestis).

Mầm bệnh là virut: muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (Dengue), viêm não B Nhật Bản. Ve truyền bệnh viêm não ve, bệnh sốt Colorado.

Mầm bệnh là Rickettsia: mò truyền bệnh sốt mò, ve truyền bệnh sốt Q, chấy rận truyền bệnh sốt phát ban.

Chính vì động vật chân đốt có khả năng truyền được nhiều mầm bệnh nguy hiểm như vậy nên nó có vai trò rất quan trọng trong khủng bố sinh học. Thực tiễn cho thấy kẻ thù đã sử dụng nhiều loài động vật chân khớp mang những mầm bệnh nguy hiểm tấn công vào đối phương.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top