Dấu hiệu của rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn

Nội dung

Rối loạn tăng động giảm chú ý không được điều trị sẽ gây ra rất nhiều vấn đề về thể chất và tinh thần, gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội và tạo ra những khó khăn trong nhiều mặt của cuộc sống. Do vậy, việc nhận ra dấu hiệu của rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn là rất quan trọng để có thể được điều trị kịp thời.

 

Thiếu tập trung

Đây có thể là dấu hiệu thường được nhắc đến nhất của rối loạn tăng động giảm chú ý. Thiếu tập trung ở đây mang nhiều ý nghĩa hơn là việc gặp khó khăn khi tập trung. Thiếu tập trung trong rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn còn có nghĩa là việc dễ bị xao nhãng, cảm thấy khó khăn khi lắng nghe người khác trong một cuộc hội thoại, quá coi trọng tiểu tiết và không hoàn thành công việc được giao.

Ngược lại với tình trạng này là tình trạng quá tập trung.

 

Quá tập trung

Trong khi nhiều người bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường rất dễ bị xao nhãng thì một số người khác lại quá tập trung. Một người bị rối loạn tăng động giảm chú ý có thể quá chú tâm vào một điều gì đó, thậm chí có thể quên hết tất cả những thứ xung quanh. Loại tập trung này thường làm người ta quên đi khái niệm về thời gian, lờ đi mọi người xung quanh và gây ra những sự hiểu lầm trong các mối quan hệ.

 

Không có tổ chức

Vào một thời điểm nào đó, bạn có thể sẽ thấy cuộc sống của mình bị đảo lộn. Nhưng với những người bị rối loạn tăng động giảm chú ý, họ thường xuyên cảm thấy cuộc sống bị đảo lộn. Việc này có thể làm họ khó sắp xếp mọi thứ ở đúng chỗ. Một người bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường gặp vấn đề trong các kỹ năng sắp xếp sau:

- Quản lý thời gian

- Theo dõi nhiệm vụ, công việc

- Sắp xếp các ưu tiên một cách hợp lý

 

Hay quên

Ai cũng có lúc hay quên. Nhưng với người bị rối loạn tăng động giảm chú ý, việc hay quên xảy ra trong tất cả mọi việc, từ việc quên mất đã để cái gì ở đâu cho đến quên mất một ngày quan trọng. Vấn đề ở chỗ hay quên có thể phá hủy công việc và các mối quan hệ của bạn bởi người hay quên thường được coi là không cẩn thận hoặc thiếu thông minh.

 

Hấp tấp

Sự hấp tấp ở người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có thể thể hiện trong nhiều khía cạnh:

- Thường xuyên ngắt lời người khác trong buổi thảo luận

- Hành động mà không cân nhắc đến hậu quả

- Vội vã trong khi làm việc

Thói quen mua sắm là một chỉ số tốt của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Mua sắm mọi thứ một cách vội vàng, đặc biệt là những thứ họ không đủ khả năng mua là một triệu chứng phổ biến của chứng tăng động giảm chú ý ở người lớn.

 

Các vấn đề về cảm xúc

Sống với chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có vẻ rất hỗn loạn bởi cảm xúc của bạn có thể lên hoặc xuống một cách rất thất thường. Bạn có thể dễ dàng cảm thấy buồn chán và muốn đi giải khuây một cách bất thình linh. Một sự thất vọng nhỏ cũng có thể làm bạn không thể chấp nhận được hoặc làm bạn cảm thấy mình bị trầm cảm hoặc thay đổi cảm xúc.

Các vấn đề về cảm xúc không được điều trị có thể dẫn đến các tác động phân cực, dẫn đến các vấn đề của cá nhân và các mối quan hệ.

 

Hạ thấp giá trị của bản thân

Người lớn mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý thường rất khắt khe với bản thân và điều này có thể dẫn đến việc hạ thấp giá trị của bản thân. Nguyên nhân một phần là do họ không thể tập trung và các triệu chứng bệnh khác gây ra các vấn đề ở trường học, cơ quan hoặc trong các mối quan hệ. Họ có thể sẽ xem những khó khăn mà mình gặp phải là sự thất bại cá nhân, dẫn đến việc nhìn bản thấy dưới một góc nhìn tiêu cực.

 

Thiếu động lực

Trong khi bạn có thể rất sẵn sàng để thử làm một điều gì mới, bạn lại cũng có thể cảm thấy không có động lực. Đây là một vấn đề thường gặp ở trẻ em bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và thường gặp khó khăn trong việc tập trung học tập ở trường.

Việc này cũng có thể xảy ra với người lớn. Phải đối mặt với tính chần chừ và các kỹ năng sắp xếp kém, người bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường sẽ cảm thấy rất khó khăn để hoàn thành một nhiệm vụ bởi họ không thể tập trung trong một khoảng thời gian dài.

 

Lo âu và bồn chồn

Khi mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, bạn có thể cảm thấy giống như không thể tắt được động cơ xe máy. Bạn khao khát được làm việc và di chuyển, có thể dẫn đến hoảng loạn khi bạn không thể làm được một điều gì đó ngay lập tức. Việc này có thể dẫn đến tình trạng đứng ngồi không yên, hoảng loạn và lo âu. Lo âu là một triệu chứng rất phổ biến ở người lớn bị tăng động giảm chú ý bởi tâm lý của bạn sẽ có xu hướng lặp lại các sự kiện làm cho bạn lo lắng.

 

Các vấn đề về sức khỏe

Hấp tấp, thiếu động lực, gặp các vấn đề về cảm xúc và sống không có tổ chức cso thể dẫn đến việc người bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý không quan tâm đến sức khỏe của họ. Có thể nhận ra việc này thông qua việc ăn uống kém, không tập thể thao, hoặc quên uống những loại thuốc quan trọng. Lo âu và căng thẳng cũng có những ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe.  Ảnh hưởng của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý cũng có thể làm các triệu chứng bệnh khác trở nên tệ hơn.

 

Các vấn đề trong các mối quan hệ

Người lớn bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường gặp vấn đề trong các mối quan hệ. Các đặc điểm như nói hết phần của người khác trong khi thảo luận, hay lơ đễnh, và dễ cảm thấy buồn chán có thể phá hủy một mối quan hệ bởi có thể bị cho là vô cảm, vô trách nhiệm hoặc vô tâm.

 

Các triệu chứng khác

Các vấn đề khác cũng thường gặp ở người lớn bị tăng động giảm chú ý bao gồm:

- Thường xuyên thay đổi công việc, nghề nghiệp

- Ít các thành tích cá nhân hoặc các thành tích liên quan đến công việc.

- Uống nhiều rượu, hút thuốc lá và sử dụng các loại thuốc khác.

- Thường xuyên lặp lại các vấn đề trong các mối quan hệ, ví dụ như ly hôn.

Người lớn bị tăng động giảm chú ý có thể tìm ra các giải pháp để đối phó với các khó khăn trong cuộc sống. Sống có tổ chức hơn, làm việc theo kế hoạch và cố gắng làm cho xong những công việc mà bạn đã bắt đầu có thể là những bước trị liệu về nhận thức và hành động đầu tiên. Hoặc bạn có thể đến gặp một nhà tổ chức chuyên nghiệp.

Việc học cách kiểm soát căng thẳng, ăn đúng cách và ngủ đủ giấc cũng rất quan trọng để cơ thể bạn luôn ở trong trạng thái tốt nhất để đối phó với các thử thách trong cuộc sống.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top