PHÒNG CHỐNG BỆNH GIUN SÁN
Phòng chống các bệnh giun sán truyền qua đất (Geohelminth):
Công tác phòng chống các bệnh giun sán truyền qua đất ở các nước đang phát triển rất khó khăn:
Do vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân kém, thiếu sự giáo dục về y tế, khả năng cung cấp nước sạch không đảm bảo, có phong tục tập quán sử dụng phân người trong nông nghiệp, phóng uế bừa bãi, hố xí không đúng quy cách nên làm ô nhiễm nặng nề môi trường bởi mầm bệnh giun sán.
Các yếu tố khác: Mưa, gió, gia súc (trâu, bò), gia cầm (lợn, chó, gà...), các động vật chân đốt (ruồi, bọ hung...) cũng có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát tán mầm bệnh giun sán. Sự lan truyền mầm bệnh giun sán xảy ra cả vào mùa mưa và mùa khô.
Trứng giun sán trên mặt đất bị mưa cuốn trôi, đến những chỗ thấp hơn, tập trung ở những vũng nước trên mặt đất, lắng đọng trong một lớp bùn mịn giữa một lớp che phủ bảo vệ mỏng của chất keo đất sét và một lớp các hạt thô hơn của mùn cát.
Khả năng phát tán của trứng giun sán ra môi trường lớn: Trứng giun sán cùng với bụi nhờ gió thổi vào mọi xó xỉnh, đồ vật trong nhà, mọi chỗ đều bị nhiễm trứng giun sán.
Trứng giun sán có thể tồn tại lâu trong đất, môi trường. Ví dụ: Tại Xamacan, qua 15 năm quan sát có chu kì trứng giun đũa chôn ở gần mặt đất tại một thí điểm ở công viên, thấy sau 9 năm, một số trứng di chuyển tới độ sâu 20 cm và còn khả năng sống tới 2%. Ở độ sâu 10 cm còn khả năng sống 5,9 - 7,6%. Sau 15 năm một số trứng vẫn còn khả năng lây bệnh cho động vật thực nghiệm. Ở điều kiện thích hợp về nhiệt độ, độ ẩm, trứng giun đũa có thể sống ở ngoại cảnh 5 - 6 năm vẫn còn khả năng lây nhiễm. Tại Anh, trứng giun tóc phát hiện ở độ sâu 60 cm. Nhưng nói chung các trứng ở độ sâu hơn 20 cm đều ít có khả năng sống.
Mặt khác trứng giun sán có thể tồn tại lâu ở ngoại cảnh do tác động của con người làm tăng mức ô nhiễm mầm bệnh giun sán ở ngoại cảnh:
Trứng giun sán có nhiều ở thực phẩm tươi sống (rau, quả).
Ở những thực phẩm muối dưa, hành... trứng giun sán vẫn có khả năng sống được và gây bệnh.
Mục tiêu trước mắt phòng chống bệnh giun sán ở Việt Nam là giảm cường độ nhiễm.
Biện pháp có hiệu quả nhất là kết hợp hài hoà các biện pháp tổng hợp:
Vệ sinh cá nhân:
Tăng cường giáo dục ý thức vệ sinh cá nhân cho mọi người, đặc biệt là trẻ em, cần có phối hợp giữa y tế với giáo dục để đưa giáo dục vệ sinh vào giáo dục học đường phổ cập.
Giáo dục vệ sinh bàn tay, vệ sinh ăn uống, vệ sinh phóng uế... để mọi người tự thấy cần thiết phải rửa tay trước khi ăn, nâng cao ý thức vệ sinh, không ăn các thực phẩm tươi sống, chưa rửa kĩ, không đảm bảo vệ sinh.
Không mặc quần thủng đít cho trẻ em, không phóng uế bừa bãi ra vườn, sân, hè phố...
Vệ sinh môi trường:
Rất quan trọng, đặc biệt ở các nước đang phát triển, thuộc khu vực nhiệt đới, do thu nhập thấp, trình độ văn hoá kém, tập trung lâu đời, lạc hậu... Phải có biện pháp tích cực tuyên truyền cộng đồng quản lí, xử lí nguồn phân và bảo vệ nguồn nước sạch.
Cần phải có hố xí đúng quy cách, hợp vệ sinh, diệt được các mầm bệnh kí sinh trùng. Trước đây mô hình hố xí hai ngăn được coi như một sáng kiến của Việt Nam. Tại Hội nghị quốc tế về vệ sinh môi trường ở Băng Cốc (1978) đã công nhận và đặt tên cho hố xí hai ngăn của Việt Nam là Vietnamise composting toilet. Hố xí hai ngăn đúng quy cách là hố xí phải đảm bảo được các yêu cầu: có hai ngăn (một ngăn sử dụng, một ngăn ủ phân), phải kín, khô đủ nhiệt độ, đủ chất độn, đủ thời gian ủ (2,5 - 3 tháng), có tác dụng diệt các mầm bệnh kí sinh trùng (trứng giun sán, kén đơn bào...). Nhưng trong thực tế rất hiếm hố xí đạt được các tiêu chuẩn kể trên. Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới đã và đang phổ biến nhiều loại hố xí: Biogaz, hố xí Sulav (hố xí thấm, dội nước)... Giá thành rẻ hơn hố xí tự hoại, có tác dụng diệt các mầm bệnh kí sinh trùng và vi sinh vật. Hố xí Sulav giá thành tương đương hố xí 2 ngăn, nhưng tác dụng diệt mầm bệnh tốt hơn. Tuy nhiên hố xí này khó áp dụng ở vùng đồng bằng ngập nước, ở ven đô, ngoại thị, đất chật. Nguyễn Mạnh Liên và Bộ môn Vệ sinh quân đội - Học viện Quân y đã đưa ra mô hình hố xí Sulavina (hố xí thấm dội nước có hào lọc định hướng). Nguyên tắc như hố xí Sulav, nhưng sử dụng được cả vùng đồng bằng ngập nước, vùng ven đô đất chật. Lê Bách Quang, Trịnh Trọng Phụng (1991), đã nghiên cứu khả năng gây ô nhiễm mầm bệnh kí sinh trùng của hố xí Sulavina ra môi trường đất, nước, cho thấy Sulavina là hố xí hợp quy cách vệ sinh. Cùng với quản lí nguồn phân, cần có những nỗ lực làm sạch các mầm bệnh kí sinh trùng, vi sinh vật ở ngoại cảnh, làm sạch môi trường bằng các biện pháp lí, hoá, sinh học.
Cần có những biện pháp đảm bảo vệ sinh nguồn nước. Giếng nước phải xa các hố xí, xa chuồng chăn nuôi gia súc, không bị rò rỉ, thấm nước. Nguồn nước chưa sạch cần có bể lọc, nước uống cần đun sôi để diệt những bệnh kí sinh trùng truyền qua nước.
Trình độ văn hoá thấp kém, phong tục lạc hậu, thực sự là hàng rào ngăn cản công tác phòng chống bệnh giun sán. Để giáo dục tập quán vệ sinh trong nhân dân cần kết hợp tuyên truyền giáo dục với các biện pháp hành chính như những quy định về xã hội, văn hoá, kinh tế. Nhằm vào đối tượng trẻ em để xây dựng tập quán mới, khoa học, vệ sinh cho ngày nay và cho tương lai.
Phòng chống các loại giun sán truyền qua sinh vật (Biohelminth):
Công tác phòng chống các bệnh giun sán truyền qua sinh vật về cơ bản giống như các nguyên tắc phòng chống các bệnh giun sán truyền qua đất, nhưng chú ý:
Các biện pháp phòng và diệt vật chủ trung gian truyền bệnh (ví dụ: Các biện pháp diệt muỗi truyền bệnh giun chỉ). Các biện pháp kiểm tra thực phẩm, thịt, cá... để ngăn chặn lan truyền các bệnh sán dây lợn, sán dây bò, sán lá gan bé, sán lá phổi...
Giáo dục kiến thức vệ sinh chung, vệ sinh ăn uống, nhằm thay đổi các phong tục ăn gỏi cá, các thức ăn sống, tái hoặc chưa nấu chín.
Kết hợp với chuyên ngành Thú y, đề xuất các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, chống lại các mầm bệnh kí sinh trùng bằng các biện pháp quản lí, bằng vaccin.
TÌNH HÌNH GIUN SÁN Ở VIỆT NAM
Phân bố bệnh giun sán:
Ở nước ta bệnh giun trầm trọng hơn bệnh sán, trầm trọng ở mức độ nhiễm cao, diện nhiễm rộng. Từ Bắc vào Nam ở cả 4 vùng: đồng bằng, trung du, miền núi, ven biển đều có tỉ lệ bệnh giun đũa, giun móc/mỏ, giun tóc cao. Đặc biệt là ở vùng có mật độ dân cư lớn như đồng bằng, ở các địa phương còn có phong tục ăn các món ăn có thịt lợn, thịt trâu bò chưa nấu chín. Theo thống kê mới nhất vào năm 2004 cho thấy:
Các bệnh sán lá gan nhỏ đã phát hiện được ở 21 tỉnh thành trong cả nước, thường tập trung ở các vùng dân cư ven biển có tập quán ăn cá gỏi và làm cầu tiêu xuống ao. Hiện nay bệnh sán lá gan nhỏ còn có tỉ lệ cao ở một số vùng thuộc các tỉnh đồng bằng, ven biển (Ninh Bình 70%, Nam Định 80,4%, Thanh Hoá 67,9%, Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận…).
Bệnh sán lá gan lớn hiện gặp ở 30 tỉnh trong cả nước, tuy nhiên tỉ lệ gặp nhiều nhất ở các tỉnh Trung Bộ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà... do tập quán ăn rau sống có nguồn gốc mọc ở dưới nước như rau ngổ, ngó sen...
Bệnh sán lá phổi thường gặp ở những nơi có phong tục ăn cua, tôm nướng như Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La…
Bệnh sán dây lợn, sán dây bò thường gặp rải rác ở các vùng miền núi, trung du (hiện nay toàn quốc đã có ở 49 tỉnh thành như Lai Châu, Lào Cai, Hoà Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Nam Định, Hà Tây, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắc Lắc, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Kiên Giang…).
Bệnh do ấu trùng sán dây lợn đã có mặt ở 30 tỉnh trên toàn quốc như: Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá…
Tác hại của bệnh giun sán ở Việt Nam:
Bệnh giun sán đã gây ra những thiệt hại to lớn không những về sức khoẻ, tính mạng của người bệnh mà còn gây thiệt hại lớn lao về vật chất của gia đình và xã hội. Nhìn chung bệnh giun sán có tác hại với đa số người một cách thầm lặng và lâu dài cũng giống như các bệnh kí sinh trùng khác.
Bệnh giun sán gây tác hại tới mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tác hại ở lứa tuổi trẻ em. Nhiễm giun đũa có thể gây tắc ruột, lồng ruột và thủng ruột do nhiều giun hoặc do thay đổi pH ở ruột. Đôi khi giun đũa có thể di chuyển lạc chỗ lên ống mật, ruột thừa, lệ đạo, thậm trí vào tim gây ra những bệnh cảnh tại đặc biệt như viêm ống mật, viêm ruột thừa, cơ tim…
Ngoài ra giun đũa, giun kim đang gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em hiện nay. Bệnh giun móc / mỏ gây tình trạng thiếu máu.
Bệnh giun chỉ đã giảm tỉ lệ người mắc, nhưng cá biệt một số vùng trong nước nhân dân vẫn còn mắc bệnh giun chỉ dẫn đến hiện tượng phù voi, đái ra dưỡng chấp (Hưng Yên, Khánh Hoà).
Các bệnh sán tuy là ít người mắc so với bệnh giun, nhưng bệnh sán như sán lá gan, sán lá phổi vẫn còn tồn tồn tại và vẫn có thể dẫn tới tử vong. Bệnh ấu trùng sán dây lợn ở não có thể dẫn tới tử vong.
Các kế hoạch phòng chống bệnh giun sán ở nước ta:
Bệnh giun sán là một bệnh mang tính xã hội, nên vấn đề phòng chống tiến tới khống chế bệnh là phải mang tính xã hội, công việc của toàn cộng đồng.
Gần đây người ta đã điều chế được các loại thuốc diệt giun sán có hiệu quả cao, ít độc, giá thành hạ. Kết quả đó đã tạo cho việc tấn công hạ được tỉ lệ giun sán dễ dàng hơn trước.
Tuy nhiên bản chất của bệnh giun sán có liên quan chặt chẽ tới môi trường sống. Trước tiên ở nước ta là vấn đề quản lí phân, vấn đề hố xí, vấn đề sử dụng phân người làm phân bón. Nếu các vấn đề trên còn tồn tại sẽ gây ô nhiễm môi trường, cung cấp nước sạch và chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Đối tượng cần quan tâm hàng đầu là vùng nông thôn và lứa tuổi trẻ em.
PHÂN LOẠI
Ngành phụ giun tròn- Nematodes:
Ngành phụ giun tròn có một lớp: Nematoda. Lớp này chia ra hai lớp phụ:
Lớp phụ Phasmidia.
Những thần kinh có cảm giác ở đuôi và chia ra các bộ:
Ascaridia (giun đũa, giun kim).
Rhabditida (giun móc, giun lươn).
Spirudida (giun chỉ).
Lớp phụ Aphasmidia.
Những loại giun không có thần kinh cảm giác ở đuôi, có các bộ:
Enoplida (giun soắn).
Trichocephalata (giun tóc).
Ngành phụ giun dẹt - Platodes:
Được chia ra thành các lớp sau:
Lớp sán lá:
Trematoda.
Sán lưỡng giới:
Lỗ sinh dục ở trước bụng:
Hai nhánh tiêu hoá chia thành nhiều nhánh nhỏ, tinh hoàn và buồng trứng chia nhiều nhánh nhỏ: Fasciolidae.
Hai nhánh tiêu hoá đơn, không chia nhánh:
Tinh hoàn ở trước buồng trứng: Dicrocoelidae.
Tinh hoàn ở sau buồng trứng: Ospisthorchidae.
Lỗ sinh dục ở sau giác bụng: Troglotrematidae (sán lá phổi).
Sán phân giới: Schistosomatidae (sán máu).
Lớp sán dây: Cestoda. Có hai bộ:
Bộ Cyclophyllidae: đầu có 4 giác, tử cung bịt kín, có một vật chủ phụ, ấu trùng có nang.
Bộ Pseudophyllidae: đầu có 2 rãnh, tử cung có lỗ đẻ, có 2 vật chủ phụ, ấu trùng hình sâu.
Ngành phụ giun đốt:
Ngành giun đốt có nhiều lớp trong đó có lớp đỉa, vắt (Hirudinea) có liên quan đến y học.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh