✴️ Nguyên tắc giảm đau do viêm cân gan chân

Nội dung

Khi thức dậy và bước những bước chân đầu tiên bạn cảm thấy đau nhói, thốn dưới gót chân,… rất có thể bạn đã mắc gai xương gót chân hay còn gọi là viêm cân gan chân. Để hiểu hơn về căn bệnh này bạn có thể tham khảo những thông tin dưới đây:

Nguyên tắc giảm đau do viêm cân gan chân

 

Khi thức dậy và bước những bước chân đầu tiên bạn cảm thấy đau nhói, thốn dưới gót chân,…

Cân gan chân là một dải gân cơ bám từ xương gót đến các chỏm xương bàn giúp bàn chân có độ nhún, duy trì độ cong sinh lý của bàn chân đồng thời làm giảm nhẹ trọng lực dồn xuống bàn chân khi bạn vận động. Nhờ đó, can gân chân giúp việc đi lại dễ dàng hơn, bảo vệ các khớp tốt hơn… Cân gan chân bị tổn thương sẽ dẫn đến tình trạng đau nhức gót chân. Đau gót chân có thể tự xuất hiện và biến mất khi người bệnh vận động một lúc.

 

Nguyên nhân viêm cân gan chân

Nếu vùng cân gan chân bị tổn thương nặng, cơn đau có thể sẽ kéo dài nhiều ngày. Tình trạng viêm cân gan chân thường gặp ở người có cấu tạo bàn chân phẳng khiến cân gan chân tiếp xúc nhiều với mặt phẳng. Lâu dần, vùng cân mạc bị thoái hóa, không còn mềm dẻo. Khi chân cần phải hoạt động mạnh, nhiều hơn bình thường sẽ dẫn đến đau buốt. Bên cạnh đó, những người phải hoạt động nhiều như: thường xuyên chạy bộ, chơi tennis, người thường đi chân không, đi liên tục trong thời gian dài, người mang giày gót cao, nhọn… cũng thường xuyên gặp phải tình trạng đau nhức.

– Viêm nơi bám gân gót: đau và sưng vùng phía sau, nơi bám gân gót vào xương gót.

– Viêm cân gan chân: thường hay gặp nhất.

– Gai gót chân: có thể do tình trạng kéo dài của viêm cân gan chân.

Viêm can gân bàn chân làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt thường ngày

Viêm can gân bàn chân làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt thường ngày

 

Nữ giới thường có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn nam giới, người bị thừa cân, có công việc phải đi bộ nhiều hoặc đi đứng trên bề mặt cứng,… cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Ngoài ra, những người có bàn chân phẳng (tật bẩm sinh bàn chân bẹt) hoặc vòm bàn chân cao cũng dễ bị viêm cân gan chân.

Các triệu chứng thường xuất hiện với cơn đau từ từ với đau nhẹ ở xương gót chân, đau nhiều sau khi tập thể dục. Cơn đau có thể xảy ra ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng và sau một thời gian ngồi lâu khi chạm gót chân xuống đất.

Nếu không được điều trị, viêm cân gan chân có thể trở thành một căn bệnh mạn tính, cản trở các hoạt động thể thao, chạy nhảy. Bên cạnh đó, có thể làm phát sinh các bệnh lý của bàn chân, đầu gối, hông vì tình trạng đau khi đi lại có thể thay đổi dáng đi.

 

Cách điều trị viêm can gân bàn chân

Nguyên tắc chung:

Người bệnh cần nghỉ ngơi + tập kéo dãn gân gót và cân gan chân + mang giày, dép mềm, có miếng độn cao su hoặc silicone dưới gót chân + uống thuốc chống viêm, không đi chân đất.

– Tập kéo giãn là cách điều trị tốt nhất cho bệnh viêm cân gan chân. Nó có thể giúp giảm tình trạng căng vùng cân gan bàn chân cho đến khi tình trạng viêm ban đầu lùi dần .

Ngoài ra, bạn cũng có thể chườm đá vào vùng đau trong 20 phút, 3 hoặc 4 lần một ngày để giảm các triệu chứng đau.

– Thông thường, bác sĩ sẽ kê toa một loại thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hoặc naproxen, meloxicam, celecoxib… Uống sau ăn và thường kèm thuốc bảo vệ dạ dày do tác dụng phụ gây viêm loét dạ dày của các thuốc kháng viêm không steroid. Uống khoảng 2 tuần.

Nếu người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cần được điều trị, luôn duy trì cân nặng ở mức trung bình. Có thể ngâm chân trước khi đi ngủ vừa giúp bạn ngủ ngon vừa giúp chân được thả lỏng. Ngoài ra, cũng nên tập thể dục, massage chân sau khi ngủ dậy.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top