✴️ Dấu hiệu bệnh lậu ở nữ là gì?

Bệnh lậu lây lan như thế nào?

Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ. Bệnh do vi khuẩn lậu có tên gọi chính thức là Neisseria gonorrhoeae gây ra. Bệnh lậu được truyền từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục không an toàn theo 3 đường là ngả âm đạo, hậu môn và quan hệ bằng miệng.

Nếu bạn mang thai và mắc bệnh lậu thì vẫn có thể lây cho em bé trong quá trình sinh con. Có thể nói, đây là căn bệnh nhiễm trùng rất phổ biến, đặc biệt là ở người trẻ trong độ tuổi từ 15 – 24.

 

Dấu hiệu bệnh lậu ở nữ là gì?

Bệnh lậu là căn bệnh phức tạp vì hầu hết người bệnh không có nhiều triệu chứng. Trong đó, dấu hiệu bệnh lậu ở nữ thường rất nhẹ và dễ nhầm lẫn với nhiễm trùng âm đạo hoặc nhiễm trùng tiết niệu. Trong trường hợp bạn có dấu hiệu của bệnh lậu thì các triệu chứng này thường xuất hiện sau 2 – 14 ngày hoặc lâu hơn kể từ khi bạn quan hệ với người nhiễm bệnh. Các dấu hiệu bệnh lậu ở nữ thường gặp bao gồm:

  • Cảm thấy đau hoặc rát khi đi tiểu
  • Bạn muốn đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Tiết dịch âm đạo bất thường
  • Chảy máu âm đạo giữa kỳ kinh
  • Cảm thấy đau khi quan hệ tình dục
  • Sốt, đau bụng.

Nếu bạn nhiễm vi khuẩn lậu ở vùng hậu môn thì có thể xuất hiện những triệu chứng khác như:

  • Ngứa hoặc đau hậu môn
  • Chảy máu hậu môn
  • Cảm thấy đau khi đi đại tiện.

 

Bệnh lậu ở nữ gây ra những biến chứng gì nếu không được điều trị kịp thời?

Bệnh lậu không được điều trị có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở cả nam và nữ. Đối với phụ nữ, vi khuẩn lậu có thể lây lan sang tử cung và ống dẫn trứng gây ra bệnh viêm vùng chậu (PID), những biến chứng của căn bệnh này là:

  • Đau bụng hoặc đau vùng chậu kéo dài
  • Hình thành mô sẹo làm tắc nghẽn ống dẫn trứng
  • Mang thai ngoài tử cung
  • Vô sinh hoặc khó có thai.

Bên cạnh đó, bệnh lậu còn gây ra những biến chứng nguy hiểm khác như:

  • Nếu bạn mang thai và sinh con, trẻ sơ sinh nhiễm bệnh lậu từ mẹ có thể bị khiếm thị, lở loét và nhiễm trùng da đầu.
  • Bệnh lậu không được điều trị có thể lây lan qua máu và khớp của bạn. Mặc dù hiếm gặp nhưng đây là biến chứng có thể đe dọa tính mạng.
  • Mắc bệnh lậu làm tăng nguy cơ nhiễm virus HIV/AIDS. Thông thường, những người mắc cả 2 bệnh này sẽ dễ dàng truyền cả 2 bệnh sang cho bạn tình khi quan hệ không an toàn.

 

Bệnh lậu ở nữ giới có chữa được không?

Bệnh lậu là căn bệnh có thể chữa khỏi nếu bạn được điều trị đúng phương pháp. Điều quan trọng là bạn phải dùng đúng những loại thuốc được bác sĩ kê đơn để ngăn chặn nhiễm trùng. Đồng thời, bạn không nên sử dụng lại đơn thuốc của bất kỳ người bệnh nào khác, không dùng chung thuốc chữa bệnh lậu với bất kỳ ai kể cả người thân.

Hiện nay, việc điều trị bệnh lậu có thể trở nên khó khăn hơn do các chủng vi khuẩn lậu kháng thuốc ngày càng gia tăng. Do đó, nếu các triệu chứng của bệnh lậu vẫn tiếp diễn nhiều hơn một vài ngày sau khi điều trị thì bạn nên tái khám để được bác sĩ kiểm tra và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Trong trường hợp bạn mang thai và nghi ngờ mắc bệnh lậu thì cần đi khám để được xét nghiệm và điều trị càng sớm càng tốt. Việc chữa bệnh đúng lúc và kịp thời sẽ hạn chế gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của thai nhi.

Nói tóm lại, các dấu hiệu bệnh lậu ở nữ thường dễ nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng khác hoặc thậm chí không có triệu chứng để bạn có bạn sớm nhận biết. Do đó, cách tốt nhất là bạn nên đi khám phụ khoa định kỳ để tầm soát bệnh lậu thường xuyên. Đồng thời, nên chú ý đến các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ mắc bệnh lậu cũng như các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top