✴️ Giúp cha mẹ giải quyết dứt điểm tình trạng bé 2 tuổi bị táo bón

Bé 2 tuổi bị táo bón khiến quá trình đi đại tiện gặp nhiều khó khăn. Vậy, cách trị táo bón cho trẻ 2 tuổi như thế nào là hiệu quả nhất? Bố mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây để có cách điều trị dứt điểm tình trạng này nhé!

 

Táo bón ở trẻ 2 tuổi là gì?

Táo bón là tình trạng phân di chuyển chậm trong đại tràng, phân bị hấp thu nhiều nước nên khô, cứng hoặc tròn lổn nhổn như phân dê. Bé 2 tuổi bị táo bón khi đi đại tiện dưới 2 lần/ tuần.

 Trẻ bị táo bón thường phải rặn nhiều dẫn đến đau rát, thậm chí nứt hậu môn, khiến trẻ ám ảnh, sợ đi đại tiện nên sẽ nhịn đi. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ có thể bị táo bón ra máu hoặc sa trực tràng.

Giúp cha mẹ giải quyết dứt điểm tình trạng bé 2 tuổi bị táo bón

Trẻ bị táo bón nhiều sẽ ám ảnh, sợ đi đại tiện

 

Bé 2 tuổi bị táo bón nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả như: biếng ăn, đầy hơi, chướng bụng, ăn khó tiêu, nôn trớ, trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, chậm lớn…

 

Nguyên nhân khiến bé 2 tuổi bị táo bón

Có nhiều nguyên nhân khiến bé 2 tuổi bị táo bón, cụ thể:

– Uống ít nước: Trẻ 2 tuổi thường hiếu động nên đổ rất nhiều mồ hôi, nhất là vào mùa nắng nóng. Nếu không uống đủ nước thì cơ thể sẽ bị thiếu hụt nước dẫn tới táo bón.

– Chế độ dinh dưỡng thiếu chất xơ: Trẻ 2 tuổi cũng như các lứa tuổi khác đều không thích ăn rau, củ, trái cây. Do đó, cơ thể trẻ sẽ thiếu chất xơ khiến phân bị khô cứng và di chuyển chậm.

Pha sữa công thức quá đặc có thể khiến trẻ bị táo bón

 

– Sữa công thức pha không đúng tỷ lệ cũng là nguyên nhân dẫn khiến bé 2 tuổi bị táo bón.

– Cảm giác đau rát hậu môn khiến trẻ cảm thấy sợ hãi và nhịn đi đại tiện. Điều này khiến tình trạng táo bón ở bé 2 tuổi càng trở nên nghiêm trọng hơn.

 – Trẻ đang dùng một số loại thuốc chứa codein, thuốc chống động kinh, thuốc chống co giật, … có thể gây táo bón.

– Rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột do trẻ đang sử dụng kháng sinh.

– Tổn thương thực thể (hiếm gặp, chiếm 5% nguyên nhân gây táo bón) chủ yếu là các dị tật bẩm sinh như phình đại tràng, suy giáp, bệnh Down…

– Trẻ bị nứt hậu môn, trĩ, co thắt hậu môn, bại liệt, bệnh lý cột sống.

 

Triệu chứng bé 2 tuổi bị táo bón

– Bé ít đi ngoài hơn so với bình thường, và có những triệu chứng không thoải mái khi đi đại tiện.

– Khi đi đại tiện, bé ngồi rất lâu, mặt đỏ vì phải rặn do phân bị mắc kẹt không được đẩy ra ngoài. Cảm giác đau rát, khó chịu khiến trẻ khóc và gọi bố mẹ.

– Phân khô cứng, nứt nẻ, có thể dính máu hoặc chất nhầy.

 

Các biện pháp khắc phục dứt điểm tình trạng táo bón ở trẻ 2 tuổi

Tuỳ nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sẽ có cách xử trí phù hợp. Tuy nhiên, bố mẹ cần nắm rõ những nguyên tắc như sau:

Về chế độ ăn uống

Cho trẻ uống nhiều nước: Trẻ 2 tuổi cần uống từ 500 – 600 ml nước/ngày.

Cho trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây. Nên chọn các loại rau có tính nhuận tràng như khoai lang, rau mồng tơi, rau dền…; ăn các loại trái cây như bưởi, chuối, đu đủ, thanh long, cam, quýt… Hạn chế cho bé 2 tuổi bị táo bón ăn trái cây có vị chát như ổi, hồng xiêm…

Giúp cha mẹ giải quyết dứt điểm tình trạng bé 2 tuổi bị táo bón

Uống nước ép trái cây, rau củ quả mỗi ngày sẽ giúp trẻ hạn chế bị táo bón

 

Cho trẻ uống nước ép rau quả mỗi ngày 3 – 4 lần.

Khi nấu cháo cho trẻ nên cho thêm rau đã xay nhuyễn.

Pha sữa công thức cho trẻ theo đúng tỷ lệ hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.

Về thuốc điều trị

Nếu bé 2 tuổi bị táo bón ra máu nghĩa tình trạng táo bón ở mức độ nặng. Bố mẹ có thể sử dụng một số thuốc chứa magie sunfat có tác dụng nhuận tràng hoặc cốm vi sinh để cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.

Thụt tháo là biện pháp cuối cùng điều trị táo bón cho bé 2 tuổi nhưng nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Không lạm dụng thụt tháo vì có thể gây giãn đại tràng sigma và trực tràng, khiến trẻ mất phản xạ đại tiện tự nhiên và hình thành thói quen nếu không thụt tháo sẽ không tự đi đại tiện.

Nếu bé 2 tuổi bị táo bón do nứt hậu môn thì bố mẹ nên rửa sạch hậu môn và bôi dung dịch natri bạc 2% vào hậu môn.

Ngoài ra, cần điều trị các bệnh đi kèm như thiếu máu, còi xương, suy dinh dưỡng để cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ

Điều chỉnh thói quen sinh hoạt

Cho trẻ thói quen đi đại tiện đúng giờ.

Không nên cho trẻ ngồi bồn cầu hoặc ngồi bô quá lâu.

Giúp cha mẹ giải quyết dứt điểm tình trạng bé 2 tuổi bị táo bón

Cha mẹ có thể xoa bụng theo chiều kim đồng hồ để hỗ trợ tăng nhu động ruột cho trẻ

 

Cha mẹ có thể hỗ trợ làm tăng nhu động ruột cho trẻ bằng cách xoa bụng theo chiều kim đồng hồ 3 – 4 lần một ngày, mỗi lần 5 phút, vào giữa các bữa ăn. Khi xoa có thể ấn sâu phần bụng phía dưới bên trái để kích thích nhu động ruột.

 

Tham khảo một số món ăn giúp điều trị táo bón cho trẻ 2 tuổi

– Nước rau má: Rau má chứa nhiều chất xơ sẽ làm phân xốp, mềm và dễ thải ra ngoài. Do đó, bố mẹ có thể cho trẻ uống nước rau má xay 2 – 3 lần/ tuần vào các bữa phụ.

– Mồng tơi: Rau mồng tơi chứa nhiều chất nhầy và chất xơ nên rất hiệu quả để điều trị táo bón. Mẹ có thể chế biến các món ăn như cháo tôm nấu mồng tơi, canh cua mồng tơi…

– Uống nước chanh: Chanh chứa nhiều acid tự nhiên và vitamin C, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, giảm thiểu khó tiêu và táo bón. Mẹ có thể dùng chanh để làm gia vị trong bữa ăn hoặc pha nước uống để khắc phục tình trạng bé 2 tuổi bị táo bón.

Giúp cha mẹ giải quyết dứt điểm tình trạng bé 2 tuổi bị táo bón

Cháo mè đen là món ăn chữa táo bón hiệu quả cho trẻ

 

– Cháo mè đen: Mè đen chứa nhiều protein, methionine, choline… không chỉ tốt cho sức khỏe của trẻ mà còn có công dụng nhuận tràng và chữa táo bón hiệu quả. Vì vậy, mẹ có thể thêm món cháo mè đen vào thực đơn hàng tuần cho trẻ.

– Mật ong: Mật ong giúp giảm axit dạ dày và kích thích hệ tiêu hóa. Mẹ có thể nấu nước đậu đen pha mật ong để trị táo bón cho trẻ 2 tuổi với tần suất 2 lần mỗi ngày.

Ngoài ra, mẹ cần bổ sung các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6… cho trẻ để cải thiện vị giác, giúp ăn ngon, tăng cường đề kháng, ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top