✴️ Nhiễm virus Cytomegalo là bệnh gì và phải xử lý ra sao?

Nội dung

1. Nhiễm virus Cytomegalo là bệnh gì?

1.1. Virus Cytomegalo gây ra bệnh gì?

Virus Cytomegalo

Virus Cytomegalo

Virus Cytomegalo (CMV) thuộc họ Herpesviridae, gây ra tình trạng nhiễm trùng ít khi xuất hiện triệu chứng nên khó nhận diện. Một khi đã xâm nhập vào cơ thể, virus có khả năng tồn tại suốt đời và khi hệ miễn dịch bị suy giảm nó sẽ tái hoạt động. 

Điều đáng nói là loại virus này có khả năng lây truyền nhanh khi tiếp xúc với  dịch cơ thể của người bệnh. Tuy nhiên, nó chỉ lây truyền ở giai đoạn đang hoạt động nên nếu tiếp xúc với người bệnh khi virus đang ngủ thì sẽ không bị lây bệnh. Thai phụ nhiễm Cytomegalo có nguy cơ lây truyền cho thai nhi rất cao.

 

1.2. Con đường lây nhiễm của virus Cytomegalo

Virus Cytomegalo có khả năng lây truyền nhanh chóng qua các con đường:

- Tiếp xúc thân mật với dịch tiết của người bệnh.

- Quan hệ tình dục không an toàn.

- Dụng cụ chứa máu của người bệnh hoặc qua truyền máu.

- Từ mẹ có mầm bệnh sang cho con.

 

1.3. Triệu chứng cảnh báo nhiễm virus Cytomegalo 

Điều đáng lo ngại khi bị nhiễm virus Cytomegalo là bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ ở những người khỏe mạnh. Vì thế, số đông người bệnh không biết mình mang mầm bệnh trong người.

Nếu xuất hiện triệu chứng thì tùy từng đối tượng mắc bệnh mà virus Cytomegalo sẽ gây ra tình trạng:

- Ở trẻ em

+ Phát triển chậm.

+ Bị mất thính lực hoặc thị lực có vấn đề.

+ Bị sinh non.

+ Ngay khi mới lọt lòng đã rất nhẹ cân.

+ Mắt và da có màu vàng.

+ Gan bị to về kích thước, chức năng gan kém.

+ Phát ban, có mảng màu tím trên da.

+ Đầu bị nhỏ một cách bất thường.

+ Bị viêm phổi.

+ To lá lách.

+ Bị co giật.

- Ở người đang bị suy giảm hệ miễn dịch

+ Thị lực bị giảm sút, nặng nhất có thể bị mù lòa.

+ Viêm phổi.

+ Tiêu chảy.

+ Bị viêm gan.

+ Bị viêm não.

+ Ống tiêu hóa bị loét.

+ Hành vi có sự thay đổi.

+ Ngất.

+ Co giật.

- Ở người lớn có điều kiện sức khỏe bình thường

Đây là nhóm bệnh nhân ít khi có triệu chứng nhiễm virus Cytomegalo. Nếu có triệu chứng thì thường tương đối giống với bệnh nhiễm trùng bạch cầu đơn nhân, gồm: sốt, đau cơ, mệt mỏi, đau họng,...

 

2. Những biến chứng nguy hiểm khi bị nhiễm virus Cytomegalo

Tùy vào tình trạng sức khỏe tổng quát trước và trong khi nhiễm bệnh mà biến chứng do virus Cytomegalo gây ra ở từng người bệnh sẽ có sự khác nhau:

Người bị nhiễm virus Cytomegalo có nguy cơ mù lòa do viêm võng mạc

Người bị nhiễm virus Cytomegalo có nguy cơ mù lòa do viêm võng mạc

- Đối với nhóm bệnh nhân là người lớn có sức khỏe bình thường: hiếm khi xuất hiện biến chứng, nếu có thì sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gan và hệ tiêu hóa.

- Đối với nhóm bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch: biến chứng có thể xảy ra khi nhiễm virus Cytomegalo gồm:

+ Mất thị lực vì viêm võng mạc.

+ Hệ thống tiêu hóa gặp vấn đề: viêm gan, viêm thực quản, viêm đại tràng.

+ Hệ thần kinh gặp vấn đề.

+ Viêm phổi.

- Đối với nhóm bệnh nhân là trẻ sơ sinh: 

+ Bị mất hoàn toàn thính lực.

+ Trí tuệ kém.

+ Thị lực gặp vấn đề.

+ Động kinh, co giật.

+ Cơ bắp rối loạn, yếu cơ.

 

3. Phải làm gì khi nhiễm cytomegalovirus?

Nếu bạn đang bị suy yếu hệ miễn dịch và nghi ngờ có triệu chứng nhiễm virus Cytomegalo như đã nói ở trên thì hãy đến gặp bác sĩ ngay vì bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí còn dẫn đến tử vong. Bằng việc làm này, bạn sẽ được thực hiện một số xét nghiệm để phát hiện bệnh như xét nghiệm dịch cơ thể và xét nghiệm máu.

Đối với thai phụ, việc xét nghiệm xem đã từng bị nhiễm Cytomegalovirus là rất cần thiết. Bản thân thai phụ đã có kháng thể để chống lại loại virus này nên hiếm khi nó tái hoạt rồi lây nhiễm cho thai nhi. Tuy nhiên, nếu khi mang thai mới bị nhiễm virus Cytomegalo thì nên xét nghiệm tiền sản để kiểm tra xem thai nhi có bị nhiễm trùng không. 

Xét nghiệm máu giúp tìm ra virus Cytomegalo

Xét nghiệm máu giúp tìm ra virus Cytomegalo

Trường hợp nghi ngờ thai nhi bị nhiễm Cytomegalovirus bẩm sinh, 3 tuần đầu sau sinh, trẻ sẽ được bác sĩ kiểm tra cẩn thận. Những trường hợp này nếu đã xác nhận được trẻ bị Cytomegalovirus thì có thể sẽ phải thực hiện xét nghiệm kiểm tra chức năng gan, thận.

Đối với người suy giảm miễn dịch thì nên tầm soát Cytomegalovirus để thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình từ đó có phương án đối phó kịp thời. Bệnh lý này có thể gây ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe của người bị suy giảm miễn dịch, thậm chí còn khiến họ tử vong. Nguy cơ này cao nhất ở người đã ghép tế bào gốc hoặc mới qua ghép tạng.

Nhìn chung, bị nhiễm virus Cytomegalo hầu như không cần điều trị nếu đối tượng mắc bệnh là người lớn và trẻ em có điều kiện sức khỏe bình thường. Người không có bệnh nền và nhiễm virus này dẫn đến tăng bạch cầu đơn nhân cũng không cần dùng thuốc vẫn có khả năng hồi phục. 

Tuy nhiên, nếu đối tượng nhiễm bệnh là người bị suy giảm hệ miễn dịch và trẻ sơ sinh thì khi xuất hiện triệu chứng của bệnh cần được điều trị ngay. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và các triệu chứng xuất hiện mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Hiện nay, phương pháp điều trị virus Cytomegalo phổ biến nhất là dùng thuốc kháng virus. Thuốc này có khả năng làm chậm sự nhân đôi của virus nhưng không thể tiêu diệt virus. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top