✴️ Tổng quan về Bệnh Lao

Tổng quát

Lao (TB) là một bệnh nhiễm khuẩn gây nhiều tử vong nhất trên thế giới so với các bệnh nhiễm trùng khác. Khoảng 2 tỷ người nhiễm bệnh lao toàn cầu. Ở Hoa Kỳ, khoảng 15 triệu người nhiễm bệnh.

Khi bệnh lao từ tiềm ẩn trở nên hoạt động, nó giết chết 60% số người không được điều trị, lên đến 3 triệu tử vong toàn cầu mỗi năm. Ở Hoa Kỳ, khoảng 20.000 trường hợp nhiễm trùng lao trở nên hoạt động mỗi năm.

Có cách điều trị bệnh lao. Khi được điều trị, 90% các bệnh nhân mắc bệnh lao đang hoạt động sống sót.

 

Nguyên nhân

Lao là một bệnh nhiễm gây ra bởi một vi khuẩn gọi là Mycobacterium tuberculosis. Vi khuẩn này còn được gọi là trực khuẩn lao.

Bệnh lao lây truyền từ người sang người qua không khí, khi một người mắc bệnh lao hoạt động ho, hắt hơi, tống không khí ra.

Sau khi một người nhiễm bệnh, vi khuẩn lao bị hệ thống miễn dịch của người đó kềm chế. Nhiễm trùng bị tiềm ẩn, cô lập. Khi vi khuẩn thoát khỏi sự kềm chế, nhiễm trùng trở nên hoạt động.

Do hầu hết bệnh nhân thở ra chỉ một số ít trực khuẩn lao, sự lây truyền bệnh lao thường chỉ xảy ra sau một hoặc nhiều tháng phơi nhiễm với người bệnh lao hoạt động.

Thông khí đúng mức là biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa sự lây truyền bệnh lao.

Bệnh lao thường không lây truyền qua vật dụng cá nhân của người bệnh, như quần áo, giường chiếu hay những vật dụng họ đã từng tiếp xúc.

 

Nhiễm trùng tiềm ẩn với nhiễm trùng hoạt động

Khi một người hít thở không khí đã nhiễm trùng, trực khuẩn lao đi vào phổi qua những phế quản.

Tận cùng của phế quản là những phế nang. Phế nang là những túi khí giống như bong bóng, nơi máu tiếp nhận oxy từ không khí hít vào và phóng thích carbonic vào không khí thở ra.

Trực khuẩn lao nhiễm vào phế nang. Hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại chúng. Hệ thống miễn dịch gồm có những tế bào máu đặc biệt, nhận biết và tiêu diệt những vật lạ như vi rút và vi khuẩn. Những tế báo máu này được gọi là bạch huyết cầu.

Những bạch huyết cầu đặc biệt gọi là đại thực bào tấn công vi khuẩn lao. Nhiều vi khuẩn chết. Vi khuẩn lao có một màng tế bào cấu tạo bởi một loại sáp phức tạp. Màng này bảo vệ được một số vi khuẩn bên trong đại thực bào!

Các tế bào đặc biệt của hệ thống miễn dịch bao quanh và ngăn cách các đại thực bào đã nhiễm khuẩn. Khối chứa những đại thực bào nhiễm khuẩn, bị cách ly này là những củ (tubercle) cứng, màu xám được gọi là củ lao.

Nếu một người đã nhiễm khuẩn không khỏe mạnh, nhất là khi người ấy có một hệ thống miễn dịch suy yếu, trực khuẩn lao có thể vượt qua hệ thống miễn dịch. Trực khuẩn lao vỡ khỏi củ lao trong phế nang và lan đến phổi và những bộ phận khác trong cơ thể qua dòng máu. Khi ấy bệnh được gọi là bệnh lao hoạt động.

Nếu một người đã nhiễm khuẩn khỏe mạnh, nhiễm lao ban đầu được hệ thống miễn dịch kềm chế. Trực khuẩn lao bị cô lập bên trong các củ lao trong nhiều năm. Khi ấy bệnh được gọi là bệnh lao tiềm ẩn.

Khoảng 90% người nhiễm bệnh hồi phục hoàn toàn sau khi nhiễm khuẩn ban đầu. Các củ lao hóa vôi và trực khuẩn không thể thoát ra ngoài nữa. Với khoảng 10% người nhiễm bệnh, trực khuẩn kích hoạt một lúc nào đó, khi hệ thống miễn dịch của họ suy yếu. Khi ấy bệnh được gọi là bệnh lao hoạt động.

 

Triệu chứng

Bệnh lao hoạt động lan từ phế nang thông qua dòng máu hoặc hệ bạch huyết. Nó có thể tấn công các bộ phận khác của cơ thể, như da, thận, xương, hệ sinh sản hoặc hệ tiết niệu.

Tại địa điểm mới, hệ thống miễn dịch của cơ thể giết chết nhiều trực khuẩn, nhưng tế bào miễn dịch và mô tại chỗ cũng chết. Những tế bào chết tạo thành những khối gọi là u hạt (granuloma), nơi trực khuẩn có thể sống sót nhưng không phát triển.

Những triệu chứng sớm của bệnh lao hoạt động gồm có:

+ Sụt cân

+ Sốt

+ Đổ mồ hôi ban đêm

+ Ăn không ngon miệng

Một số bệnh nhân có thể có ít hoặc không có triệu chứng khi mắc bệnh lao.

Khi mô phổi bị phá hủy nhiều hơn và u hạt lớn ra, các hang phát triển trong phổi và đôi khi vỡ vào đường dẫn khí lớn. Điều này khiến cho một số lượng lớn trực khuẩn lan tỏa khi bệnh nhân ho.

Các u hạt phát triển trong phổi, gây ho và khó thở nhiều hơn khi chúng phá hủy mô phổi. U hạt cũng có thể ăn vào mạch máu, gây chảy máu trong phổi, khiến đàm có máu.

Triệu chứng bệnh lao tại bộ phận khác, không phải phổi, thay đổi tùy theo cơ quan bị nhiễm bệnh. Thí dụ, khi bệnh lao nhiễm vào cột sống, nó có thể gây đau lưng nặng hoặc biến dạng cột sống.

 

Chẩn đoán

Bệnh lao tiềm ẩn có thể được chẩn đoán bằng một thử nghiệm da gọi là thử nghiệm Mantoux. Thử nghiệm này có thể xác định hầu hết những người nhiễm trực khuẩn lao từ 6 đến 8 tuần sau khi phơi nhiễm ban đầu.

Một chất gọi là PPD được tiêm trong da vùng cẳng tay và theo dõi 48 đến 72 giờ sau. Nếu quầng đỏ thành hình quanh vết tiêm, bệnh nhân có thể đã nhiễm M. tuberculosis, nhưng bệnh lao không nhất thiết đang hoạt động.

Một thử nghiệm máu gọi là QuantiFERON – TB cũng cho biết bệnh nhân đã phơi nhiễm hoặc nhiễm M. tuberculosis hay không.

Để chẩn đoán bệnh lao đang hoạt động, bác sĩ dựa vào các triệu chứng, tiền sử phơi nhiễm lao của bệnh nhân và X quang cho thấy chứng cứ của nhiễm lao, thường có dạng hang hoặc tổn thương trong phổi.

Bác sĩ sẽ lấy mẫu đàm hoặc mẫu bệnh phẩm khác để xét nghiệm. Điều quan trọng là phải xác định loại vi khuẩn lao gây bệnh để cho loại thuốc hữu hiệu nhất.

 

Điều trị

Nếu không được điều trị, bệnh lao hoạt động có thể gây tử vong đến 60% số bệnh nhân. Khi được điều trị, 90% các trường hợp có thể được chữa khỏi.

Điều trị bệnh lao thành công hay không tùy thuộc vào sự hợp tác giữa bệnh nhân và bác sĩ. Giáo dục bệnh nhân là thiết yếu và nhiều bác sĩ thích gửi bệnh nhân vào bệnh viện để theo dõi trong quá trình điều trị.

Điều trị bao gồm nhiều loại thuốc trong thời gian nhiều tháng. Sau đây là một vài loại thuốc được dùng để điều trị bệnh lao:

+ Isoniazid (IHN)

+ Rifampin (Rifadin)

+ Ethambutol (Myambutol)

+ Pyrazinamide

Một số loại thuốc này có thể có những tác dụng phụ nghiêm trọng và một số không nên kết hợp với các loại thuốc khác hoặc không nên uống rượu. Do vậy, điều rất quan trọng là phải sử dụng chúng dưới sự theo dõi của bác sĩ và tuân thủ các khuyến cáo và đề nghị của bác sĩ.

Người đã được điều trị ít nhất hai tuần thường không còn lây bệnh nữa.

Bệnh nhân không sử dụng thuốc thường xuyên và lâu dài như đã kê toa sẽ cho vi khuẩn cơ hội trở nên kháng thuốc. Do vậy, điều RẤT quan trọng là phải tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ.

 

Phòng ngừa

Như đối với hầu hết các bệnh nhiễm trùng, phòng bệnh tốt hơn là chữa bệnh. Bệnh lao là một bệnh rất có thể phòng ngừa.

Thông khí đúng mức và cải thiện tình trạng của đám đông là thiết yếu trong việc giảm lây lan của bệnh lao.

Nếu người nhiễm bệnh che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi, sự lây truyền của bệnh lao cũng có thể thể được ngăn chặn.

Phát hiện người bệnh sớm và điều trị họ bằng các loại thuốc là một trong những cách hữu hiệu nhất để ngăn chận bệnh lao lây lan.

Thuốc INH có thể ngăn chận bệnh lao và nên được cho người:

+ mắc bệnh lao tiềm ẩn

+ tiếp xúc gần gủi với người đã nhiễm bệnh

+ đã từng ở những quốc gia nơi bệnh lao thường gặp

+ có nguy cơ nhiễm bệnh lao

 

Vắc xin

Vắc xin ngừa lao được gọi là BCG. BCG ngăn chận sự lan tỏa của M. tuberculosis bên trong cơ thể, nhưng không ngăn chận được sự nhiễm trùng ban đầu. Nó được đề nghị sử dụng cho trẻ nhỏ ở những nước bệnh lao thường gặp.

 

Tóm tắt

Lao là một bệnh nhiễm khuẩn có thể gây chết người. Hệ thống miễn dịch của cơ thể thường chống lại nhiễm khuẩn này và cô lập được nó.

Khi hệ thống miễn dịch suy yếu, vi khuẩn lao bị cô lập trở nên hoạt động và lan đến những bộ phận khác của cơ thể. Khi ấy bệnh được gọi là bệnh lao hoạt động.

Nhờ những tiến bộ y học, hiện đã có cách điều trị bệnh lao hoạt động. Điều rất quan trọng là bệnh nhân phải tuân thủ điều trị đã kê đơn.

Bệnh lao có thể ngăn ngừa được thông qua vệ sinh tốt, bao gồm thông khí tốt và che miệng khi ho.

Có vắc xin dành cho trẻ nhỏ và được khuyến cáo sử dụng cho người sống ở những quốc gia có nhiều bệnh lao.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top