✴️ Vi khuẩn HP lây nhiễm nhanh qua con đường nào?

Nội dung

Vi khuẩn HP dương tính là loại nhiễm khuẩn phổ biến nhất thế giới chỉ sau nhiễm khuẩn sâu răng. Nguyên nhân dẫn đến sự phổ biến này đến từ khả năng lây lan cao của vi khuẩn. Cùng tìm hiểu về các đường lây và cách xác định HP dương tính trong bài viết sau đây.

 

1. Vi khuẩn HP và tỷ lệ lây nhiễm

Vi khuẩn helicobacter pylori (HP) có khả năng xâm nhập và bắt đầu cư trú tại lớp nhầy thành niêm mạc dạ dày. Ở môi trường acid như dạ dày người, vi khuẩn H.Pylori tồn tại bằng cách tiết ra một loại enzyme là urease giúp trung hòa độ acid trong dạ dày. Cùng vì thế, theo thời gian lớp màng bảo vệ sẽ dần bị bào mòn và gây ra bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, hành tá tràng,…

Về tỷ lệ lây nhiễm, HP được biết đến là một trong những chủng khuẩn có khả năng dễ dàng lây nhiễm nhất qua tiếp xúc cả trực tiếp và gián tiếp. Theo số liệu thống kê, có tới 2/3 dân số trên thế giới nhiễm khuẩn HP dương tính, trong đó khoảng 10% là tiến triển thành bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng. Như vậy có thể thấy tốc độ lây nhiễm của HP vô cùng nhanh chóng nên đặc biệt không thể chủ quan.

Vi khuẩn HP

Việt Nam có tỷ lệ nhiễm vi khuẩn H.Pylori cao hàng đầu thế giới, lên tới 75%

 

2. Những đường lây nhiễm HP điển hình

Vi khuẩn H.Pylori có khả năng lây lan rộng từ người mang khuẩn sang người lành theo 3 con đường chính như sau:

2.1. Khuẩn HP lây theo đường miệng

Đường miệng – miệng là đường lây truyền vi khuẩn HP phổ biến nhất nhất. Cụ thể, khi có sự tiếp xúc trực tiếp của nước bọt hoặc dịch tiết ra từ đường tiêu hóa của người mắc bệnh với người lành, vi khuẩn sẽ có tỷ lệ cao lây nhiễm thành công từ người mắc bệnh sang người lành.

2.2. Khuẩn HP lây theo đường phân

Vi khuẩn HP khi được đào thải qua đường phân sẽ là nguồn lây lan bệnh ra cộng đồng. Thông qua nhiều cách thức, điển hình nhất đến từ thói quen sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh, ăn uống đồ sống mà nguy cơ bị nhiễm HP cao hơn.

Con đường lây truyền HP

Ăn uống chung không đảm bảo vệ sinh là đường lây nhiễm HP phổ biến hàng đầu

 

2.3. Lây theo đường dạ dày

Trong quá trình khám chung, dùng chung các loại thiết bị y tế như dây soi tai mũi họng, nội soi dạ dày, các dụng cụ nha khoa,… có thể vô tình làm lây nhiễm vi khuẩn HP. Vậy nên việc vệ sinh đúng tiêu chuẩn, thực hiện tiệt trùng khử khuẩn đầy đủ các thiết bị y tế sau mỗi lần sử dụng là yêu cầu bắt buộc nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Tốt nhất, nếu có thể hãy sử dụng các bộ dụng cụ riêng biệt mỗi người một bộ.

Thực tế, rất nhiều người có thể vô tình bị nhiễm vi khuẩn H.Pylori mà hoàn toàn không hề hay biết vì các triệu chứng của bệnh thường thầm lặng, không điển hình. Mỗi người hãy để ý tới những dấu hiệu cảnh báo bệnh là cơn đau bụng ở vùng thượng vị, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ nóng, rối loạn phân,… Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm HP cần nhanh chóng thăm khám để được chẩn đoán bệnh đúng cách.

 

3. Cách xác định HP dương tính

Hiện nay, các phương pháp chẩn đoán HP dương tính được thực hiện phổ biến nhất bao gồm nội soi tiêu hóa và thực hiện xét nghiệm. Bác sĩ sẽ dựa theo từng trường hợp cụ thể và mục đích mà đưa ra phương pháp chẩn đoán phù hợp cho người bệnh:

– Nội soi dạ dày: Trong quá trình nội soi dạ dày, bác sĩ sẽ lấy mẫu bệnh phẩm và đưa đi xét nghiệm tìm vi khuẩn HP. Vì vậy, nội soi được xem là phương pháp tiêu chuẩn và cho kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

– Xét nghiệm hơi thở: Người bệnh được yêu cầu uống trước một loại chất lỏng đặc biệt được đảm bảo an toàn với cơ thể. Sau đó, người bệnh được đưa đi lấy mẫu test hơi thở để xác định xem có hay không vi khuẩn H.Pylori.

– Xét nghiệm máu: Bác sĩ tiến hành lấy mẫu huyết thanh của người bệnh đúng theo quy trình. Sau đó đo kháng thể kháng HP và từ đó xác định được người bệnh có đang bị dương tính với HP hay không.

– Xét nghiệm phân: Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh chi tiết các bước lấy mẫu phân để có thể tự thực hiện lấy mẫu đúng cách. Đặc biệt lưu ý, không để mẫu phân lẫn với nước tiểu để tránh ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Khi có mẫu, bác sĩ sẽ cho vào phân một chất tạo màu chuyên dụng, nếu chuyển màu xanh dương thì đồng nghĩa người bệnh dương tính với vi khuẩn H.Pylori.

 

4. Phòng lây nhiễm H.Pylori đúng cách

Vi khuẩn HP có tỷ lệ lây nhiễm cao, đường lây phổ biến nhất là theo đường miệng, đường phân. Chính vì vậy, phòng HP hiệu quả nhất hãy chú trọng tới các yêu cầu sau đây:

– Ăn chín, uống sôi, chế độ ăn uống đảm bảo hợp vệ sinh, không ăn đồ ăn có dấu hiệu ôi thiu, mốc, nhiễm khuẩn

– Hạn chế lựa chọn ăn uống tại các hàng quán vỉa hè, ăn đồ ăn không rõ nguồn gốc.

– Uống đủ nước sạch và sử dụng nước sạch trong chế biến thức ăn (điều này cần đặc biệt cần lưu ý nếu bạn sinh sống trong khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm).

– Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên và đúng cách nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.

– Không dùng kháng sinh tùy tiện, không tự kê đơn thuốc điều trị HP khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh cần thăm khám và tuân thủ phác đồ điều trị: Đúng loại thuốc, đúng liều dùng, đúng cách sử dụng và đúng theo thời hạn.

– Thăm khám kiểm tra hệ tiêu hóa định kỳ nhất là ở người trên 40 tuổi, cả nam lẫn nữ.

Vi khuẩn HP có khả năng lây lan nhanh nên mỗi người cần nâng cao ý thức cảnh giác và phòng bệnh hiệu quả. Trong các trường hợp điều trị bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ nhằm loại bỏ HP nhanh chóng và hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top