✴️ Viêm loét dạ dày HP và cách điều trị đúng phác đồ

Nội dung

1. Viêm loét dạ dày HP là gì?

1.1. Mối liên hệ giữa bệnh viêm loét dạ dày và vi khuẩn HP

Vi khuẩn Helicobacter Pylori viết tắt là HP là loại vi khuẩn có khả năng cư trú và phát triển tại lớp nhầy thành niêm mạc dạ dày. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm loét dạ dày và làm tăng nguy cơ gây bệnh ung thư dạ dày.

Cụ thể, loại vi khuẩn này có khả năng kích thích niêm mạc dạ dày tiết ra nhiều axit hơn, đồng thời làm suy yếu chức năng của lớp niêm mạc dạ dày. Về lâu về dài, dạ dày sẽ dần bị xung huyết, viêm và hình thành vết lở loét gây ra bệnh viêm loét dạ dày.

Viêm loét dạ dày khi không được điều trị sớm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm khác như xuất huyết dạ dày, hẹp môn vị, thủng dạ dày và thậm chí là ung thư dạ dày.

Viêm loét dạ dày HP

Vi khuẩn HP là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra bệnh viêm loét dạ dày.

 

1.2. Triệu chứng nhận diện viêm loét dạ dày HP

Thực tế cho thấy, có tới 90% người bệnh nhiễm vi khuẩn HP sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày. Do đó, các triệu chứng chung của viêm loét dạ dày tá tràng phần lớn cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP, bao gồm:

– Đau vùng thượng vị âm ỉ hoặc đau dữ dội, thường đau sau khi ăn;

– Buồn nôn, nôn ói, hôi miệng;

– Đầy hơi, ợ hơi, ợ nóng thường xuyên;

– Không thèm ăn, chán ăn, ăn không ngon;

– Sụt cân không chủ ý.

Trong trường hợp nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ nêu trên, người bệnh cần tiến hành thăm khám ngay, thực hiện các chỉ định xác định vi khuẩn HP (nội soi tiêu hóa, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, test hơi thở) để chẩn đoán bệnh chính xác càng sớm càng tốt.

 

2. Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày HP đúng cách

Điều trị viêm loét dạ dày HP cần tuân thủ nguyên tắc chung là chủ yếu bám sát xử lý nguyên nhân bệnh. Như vậy, điều trị viêm loét dạ dày lúc này sẽ đồng nghĩa với việc tiêu diệt vi khuẩn HP.

Vi khuẩn HP có đề kháng cao với kháng sinh nên việc điều trị thường phải phối hợp nhiều loại kháng sinh trở lên. Đồng thời, việc sử dụng kháng sinh điều trị HP phải tuân thủ chỉ định từ bác sĩ và thực hiện đúng theo các phác đồ được đưa ra.

Điều trị bệnh viêm loét dạ dày đúng cách

Điều trị viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP gây ra cần tuân thủ đúng nguyên tắc, đúng phác đồ.

 

2.1. Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày HP với liệu pháp 3 thuốc

Phác đồ diệt vi khuẩn HP 3 thuốc thường được áp dụng cho những trường hợp nhiễm vi khuẩn ở giai đoạn đầu với mức độ ảnh hưởng nhẹ. 3 loại thuốc được sử dụng trong phác đồ bao gồm: Kháng sinh, nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI) và Amoxicillin. Cụ thể:

– PPI: Dùng trước khi ăn 30 phút, uống 2 lần/ngày;

– Clarithromycin 500mg: Dùng vào buổi sáng và buổi tối sau ăn, uống 1 viên/lần;

– Amoxicillin 500mg: Dùng vào buổi sáng và buổi tối sau ăn, uống 2 viên/lần.

Kết quả: Pháp đồ được áp dụng từ 10-14 ngày, cho hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn HP lên tới trên 80% ngay lần đầu tiên. Tuy nhiên, phác đồ này ít được áp dụng tại Việt Nam do khả năng vi khuẩn kháng Metronidazole khá cao.

 

2.2. Phác đồ điều trị 4 thuốc

Phác đồ 4 thuốc là giải pháp thay thế khi phác đồ 3 thuốc không phù hợp hoặc không cho kết quả tốt. Cụ thể, phác đồ được chia làm hai loại như sau:

Phác đồ 4 thuốc có Bismuth: 

– Bismuth: Liều lượng dùng 120mg/4 viên/ngày

– Tinidazole hoặc dùng Metronidazole.

– Tetracyclin: Liều lượng dùng 500mg/4 viên/ngày.

– Nhóm PPI: Liều lượng dùng 2 lần/ngày. Hoặc người bệnh có thể được chỉ định thay thế bằng Ranitidin 150mg/2 lần/ngày.

Phác đồ 4 thuốc không Bismuth: 

– Nhóm PPI: Uống 2 lần/ngày.

– Kháng sinh Amoxicillin: Liều lượng dùng 1g/2 viên/ngày.

– Tinidazole hoặc dùng Metronidazole.

– Clarithromycin: Liều lượng dùng tương tự Metronidazole.

Kết quả: Phác đồ điều trị HP với liệu pháp 4 thuốc thường được áp dụng từ 10 – 14 ngày. Với liệu pháp 4 thuốc có sử dụng Bismuth sẽ cho hiệu quả điều trị lên tới 95%. Tuy nhiên, việc áp dụng phác đồ này khá phức tạp và cần tham khảo kỹ ý kiến từ bác sĩ để tránh dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

Phác đồ điều trị bệnh viêm loét dạ dày HP

Người bệnh viêm loét dạ dày cần tiến hành thăm khám để được chỉ định phác đồ điều trị đúng cách.

 

2.3. Phác đồ điều trị nối tiếp

Phác đồ được sử dụng như giải pháp kế tiếp hoặc có thể sử dụng ngay ở hai liệu trình đầu. Phác đồ được chia thành 2 giai đoạn, cụ thể:

– Ở 5 ngày đầu tiên: Dùng kháng sinh Amoxicillin (2g/ngày) + PPI (2 lần/ngày).

– Ở 5 ngày tiếp theo: Dùng Tinidazole 500mg/2 viên/ngày + Clarithromycin 500mg/2 viên/ngày + PPI 2 lần/ngày.

Kết quả: Phác đồ nối tiếp áp dụng trong thời gian 10 ngày. Phác đồ điều trị này đạt tỷ lệ tiêu diệt vi khuẩn HP khá cao, chiếm tới 88,9% trên các chủng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh Clarithromycin và đạt tỷ lệ 28,6% so với phác đồ điều trị 3 thuốc.

 

2.4. Phác đồ kết hợp 3 thuốc có chứa Levofloxacin

Phác đồ điều trị vi khuẩn HP 3 thuốc có thêm Levofloxacin được áp dụng khi liệu pháp 4 thuốc và phác đồ điều trị nối tiếp không cho tác dụng loại bỏ HP. Chỉ định cụ thể như sau:

– PPI: Dùng trước ăn 30 phút, uống 2 lần/ngày;

– Levofloxacin 500 mg: Dùng vào buổi sáng và buổi tối sau ăn, uống 1 viên/lần;

– Amoxicillin 500mg: Dùng vào buổi sáng và buổi tối sau ăn, uống 2 viên/lần.

Kết quả: Thời gian áp dụng phác đồ thường là trong 10 ngày. Theo các chuyên gia, phác đồ trị vi khuẩn HP 3 thuốc có chứa Levofloxacin sẽ cho hiệu quả cao hơn liệu pháp 4 thuốc. Tuy nhiên, phác đồ này chỉ được áp dụng đối với một số trường hợp có chọn lọc.

 

3. Kết luận

Bệnh viêm loét dạ dày nói chung và viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP gây ra  nói riêng có thể được điều trị tốt khi bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ.

Như đã nói trước đó, việc áp dụng phác đồ điều trị viêm loét dạ dày HP phải có chỉ định từ bác sĩ. Các thông tin về thuốc nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc và tự ý điều trị tại nhà. Trên hết, người bệnh cần chủ động thăm khám sớm để đánh giá chính xác tình trạng bệnh và được tiến hành điều trị tốt nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top