✴️ Sơ cấp cứu hồi sức tim phổi: mạng sống có thể do bạn quyết định!

Nội dung

Các con số và ý nghĩa của việc hồi sức tim phổi:

Ngưng tim ngoài viện từ lâu là một thách thức đối với ngành Y nói chung. Theo các nghiên cứu trong và ngoài nước, tỉ lệ cứu sống được một trường hợp ngưng tim ngoài viện còn rất khiêm tốn, điển hình: tại Mỹ, trong các nghiên cứu năm 2007 và 2010 cho thấy tỷ lệ bệnh nhân sống sót ra viện chiếm khỏang 5% - 10%, tại Việt Nam theo nghiên cứu tại khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai năm 2008 tỷ lệ này là 0%.

Gần đây nhất, kết quả nghiên cứu tại bệnh viện chúng tôi năm 2019 ghi nhận con số có cải thiện ít nhiều với 4%. Tuy các số liệu còn chưa có tính thống nhất nhưng kết quả này nhìn chung phản ánh phần nào tình hình cấp cứu ngừng tuần hoàn tại Việt Nam còn chưa cao.

Trong số các trường hợp ngưng tuần hoàn được chứng kiến, chỉ có số ít người chứng kiến tiến hành hồi sức tim phổi (HSTP) cho bệnh nhân, đa số trường hợp còn lại người chứng kiến chỉ cố gắng nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Đáng tiếc thay, không ít trường hợp bệnh nhân thở ngáp hoặc nằm im không thở nhưng người chứng kiến vì chưa biết nên tưởng nhầm là bệnh nhân vẫn đang thở bình thường hoặc đang ngủ, và do đó không tiến hành hồi sức tim phổi. 

Hồi sức tim phổi là gì?

Hồi sức tim phổi là một kỹ thuật cứu lấy mạng sống hữu ích trong nhiều trường hợp khẩn cấp, ví dụ đau tim, điện giật, chết đuối, ngạt khí… trong đó hơi thở hoặc nhịp tim của người bệnh đã ngừng. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả mọi người - những người không được đào tạo và cả nhân viên y tế - nên bắt đầu hồi sức tim phổi bằng phương pháp ép ngực.

Nếu bạn sợ rằng kiến ​​thức hoặc khả năng của bạn chưa hoàn thành 100% thì nên làm điều gì đó tốt hơn nhiều so với không làm gì cả. Hãy nhớ rằng, sự khác biệt giữa việc bạn làm gì đó và không làm gì, là mạng sống của ai đó.

Đây là những lời khuyên từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ:

  • Không được đào tạo. Nếu bạn không được đào tạo về HSTP, thì hãy tiến hành chỉ dùng tay. Điều đó có nghĩa là ép ngực không bị gián đoạn từ 100 đến 120 lần mỗi phút cho đến khi nhân viên y tế đến (sẽ được mô tả chi tiết hơn dưới đây). Bạn không cần phải cố gắng giúp thở.

  • Được đào tạo và sẵn sàng để thực hiện. Nếu bạn được đào tạo tốt và tự tin vào khả năng của mình, hãy kiểm tra xem có nhịp đập và nhịp thở không. Nếu không có nhịp thở hoặc nhịp đập trong vòng 10 giây, hãy bắt đầu ép ngực. Bắt đầu HSTP với 30 lần ép ngực trước khi giúp thở hai lần.
  • Được đào tạo nhưng đã lâu. Nếu trước đây bạn đã được đào tạo HSTP nhưng bạn không tự tin vào khả năng của mình, thì chỉ cần thực hiện ép ngực với tốc độ 100 đến 120 lần một phút. (Chi tiết được mô tả dưới đây.)

Lời khuyên trên áp dụng cho người lớn, trẻ em và trẻ nhỏ (từ 04 tuổi) cần HSTP.

Tại sao phải cần hồi sức tim phổi?

HSTP có thể giữ cho máu cung cấp oxy được đưa đến não và các cơ quan quan trọng khác cho đến khi điều trị y tế chuyên sâu có thể khôi phục nhịp tim bình thường.

Khi tim ngừng đập, việc thiếu oxy có thể gây tổn thương não vĩnh viễn chỉ trong vài phút và một người có thể chết trong vòng tám đến mười phút.

Các bước thực hiện hồi sức tim phổi?

Trước khi bắt đầu

Trước khi bắt đầu HSTP, hãy kiểm tra:

  • Môi trường xung quanh bạn hiện có an toàn?
  • Người bệnh còn ý thức hay không?
  • Nếu người đó bất tỉnh, vỗ hoặc lắc vai và hỏi to
  • Nếu người này không trả lời và có đang sẵn hai người, hãy nhờ một người gọi 115 và lấy AED, và người kia bắt đầu HSTP.
  • Nếu bạn ở một mình và có thể sử dụng ngay điện thoại, hãy gọi 115 trước khi bắt đầu HSTP. Lấy AED, nếu có sẵn.
  • Ngay khi có AED, hãy thực hiện một cú sốc điện nếu thiết bị có hướng dẫn, sau đó bắt đầu HSTP.

Nhớ thứ tự các bước: ép ngực- khai thông đường thở- thổi ngạt

Ép ngực: khôi phục dòng máu lưu thông

Kỹ thuật này giúp duy trì sự tuần hoàn của lượng máu có chứa oxy trong cơ thể, từ đó giúp phòng tránh nguy cơ tổn thương não và các cơ quan nội tạng.

          hoi-suc-tim-phoi    

  • Đặt người nằm ngửa trên một bề mặt vững chắc.
  • Quỳ bên cạnh cổ và vai của người đó.
  • Đặt phần mô mềm của lòng một bàn tay lên giữa ngực của người đó, giữa hai núm vú. Đặt bàn tay khác của bạn lên trên bàn tay đầu tiên. Giữ khuỷu tay của bạn thẳng và phần vai thẳng góc với hai tay của bạn.
  • Sử dụng trọng lượng cơ thể trên của bạn khi bạn đẩy thẳng xuống (ép) ngực trong khoảng 5 - 6cm . Đẩy mạnh với tốc độ 100 đến 120 lần ép một phút.
  • Nếu bạn chưa được đào tạo về HSTP, hãy tiếp tục ép ngực cho đến khi người bệnh có dấu hiệu cử động hoặc cho đến khi nhân viên y tế đến. Nếu bạn đã được huấn luyện về HSTP, hãy tiếp tục khai thông đường thở và giúp thở.

Khai thông đường thở    

Nếu bạn được đào tạo về HSTP và bạn đã thực hiện 30 lần ép ngực, hãy khai thông đường thở của người đó bằng cách sử dụng động tác ngửa đầu, nâng cằm. Đặt lòng bàn tay lên trán của người đó và nhẹ nhàng ngửa đầu ra sau. Sau đó, bằng tay kia, nhẹ nhàng nâng cằm về phía trước để mở thông đường thở. Nếu có dị vật trong miệng hoặc đàm nhớt, cố gắng lấy ra, nên nhớ đừng cố đẩy dị vật vào sâu.

Hà hơi thổi ngạt

Thổi ngạt có thể là thực hiện bằng miệng-miệng hoặc bằng cách miệng-mũi nếu miệng bị thương nặng hoặc không thể mở được.

  • Khi đường thở mở thông (sử dụng động tác ngửa đầu, nâng cằm), hãy bịt lỗ mũi của người bệnh để thở bằng miệng-miệng và che kín miệng của người bệnh bằng miệng của bạn.
  • Chuẩn bị cho hai hơi thổi ngạt. Lần thổi đầu tiên, thổi kéo dài một giây đồng thời quan sát xem ngực người bệnh có phồng lên không. Nếu phồng lên, tiếp tục với hơi thở thứ hai. Nếu ngực không phồng lên, lặp lại động tác ngửa đầu, nâng cằm và sau đó thổi ngạt lần thứ hai. Ba mươi lần ép ngực sau đó hai nhịp thổi ngạt được coi là một chu kỳ. Cẩn thận không cung cấp quá nhiều lần thổi ngạt hoặc thở với lực quá mạnh.
  • Tiếp tục ép ngực để khôi phục dòng máu lưu thông.
  • Ngay khi có máy khử rung tim bên ngoài tự động (AED), hãy áp dụng nó và làm theo lời hướng dẫn. Thực hiện một cú sốc, sau đó tiếp tục HSTP - bắt đầu bằng ép ngực - thêm hai phút trước khi thực hiện cú sốc thứ hai. Nếu bạn không được đào tạo để sử dụng AED, 115 có thể hướng dẫn bạn sử dụng. Nếu AED không có sẵn, hãy đến bước 5 bên dưới.
  • Tiếp tục HSTP cho đến khi có dấu hiệu cử động hoặc nhân viên y tế khẩn cấp đến.

Trên đây là toàn bộ quy trình HSTP bạn cần làm khi có trường hợp ngưng tuần hoàn ngoài bệnh viện.

Tóm tắt:

Để học HSTP đúng cách, hãy tham gia khóa đào tạo sơ cứu được công nhận, bao gồm HSTP và cách sử dụng máy khử rung tim bên ngoài tự động (AED). Nếu bạn chưa được huấn luyện và có thể sử dụng ngay điện thoại, hãy gọi 115 trước khi bắt đầu. Người điều phối có thể hướng dẫn bạn các cách thực hiện thích hợp cho đến khi có trợ giúp.

 

Xem thêm: Sự cần thiết của bộ dụng cụ sơ cứu

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top