Chỉ số CAVI là gì ?

Nội dung

Thông qua việc đo huyết áp tứ chi (động mạch cánh tay 2 bên và động mạch chày ở cổ chân 2), tâm thanh đồ, điện tim đồ, từ đó xác định được 2 chỉ số:

– ABI – Chỉ số cổ chân/ cánh tay: giúp đánh giá, phát hiện sớm tình trạng hẹp hoặc tắc lòng động mạch nuôi tay và chân.

– CAVI – Chỉ số tim mạch – cổ chân: giúp đánh tình trạng xơ vữa gây hẹp hoặc tắc lòng động mạch vành nuôi tim.

Chỉ số CAVI giúp bác sỹ xác định tình trạng xơ cứng/xơ vữa động mạch từ đó ước tính được “tuổi động mạch” của người bệnh một cách chính xác nhất. Nếu tuổi động mạch của bạn cao hơn tuổi thật, điều đó có nghĩa là tình trạng xơ vữa động mạch của bạn đang tiến triển nhanh và có thể gây ra các biến cố ở tim – mạch máu cho bạn sớm hơn. Phương pháp này đặc biệt hữu ích, hiệu quả giúp chẩn đoán bệnh tắc nghẽn mạch vành ở những người bệnh cao tuổi không thể thực hiện nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ cũng như không thể chụp mạch vành do dị ứng/ nguy cơ dị ứng với thuốc cản quang. 

 

Các đối tượng nguy cơ cao cần được đo xơ vữa động mạch

  • Tuổi cao: tỷ lệ người mắc bệnh xơ vữa động mạch tăng lên theo độ tuổi, đặc biệt ở nhóm ≥ 65 tuổi
  • 50 – 64 tuổi, có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu (mỡ máu cao), hút thuốc lá.
  • Người bệnh đái tháo đường dưới 50 tuổi có kèm theo ít nhất 1 yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, tăng lipid máu (mỡ máu cao), hút thuốc lá, bị đái tháo đường trên 10 năm.
  • Có triệu chứng đau, mỏi, chuột rút ở bàn chân/bắp chân/đùi/mông, khởi phát khi đi lại và giảm dần khi nghỉ ngơi (trong vòng vài phút) hoặc người bệnh đau chân cả khi nghỉ ngơi.
  • Người bệnh có vết loét, vết thương, hoại tử ở chi dưới lâu liền.
  • Có bệnh lý mạch máu do xơ vữa khác: Bệnh mạch vành, bệnh mạch não, mạch thận.
  • Theo dõi sau can thiệp mạch hoặc phẫu thuật bắc cầu nối động mạch chi dưới.

 

Chỉ số CAVI và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác

 

* Đái tháo đường

Các nghiên cứu nhận thấy CAVI cao hơn khi bệnh nhân có đái tháo đường. Phần lớn các nghiên cứu nhận thấy rằng đái tháo đường là một yếu tố mạnh mẽ làm tăng CAVI ở những người có tuổi.

Các nghiên cứu gần đây chứng minh liệu pháp Insulin làm giảm CAVI trong khi làm giảm mức glucose máu. Nagayama và cộng sự nhận thấy Glimepiride làm giảm CAVI theo sau tác dụng hạ mức glucose máu. Ohira và cộng sự thấy rằng tiêm Insulin cũng làm giảm CAVI đi cùng với giảm mức glucose máu. Những quan sát lâm sàng đó đã gợi ý rằng CAVI là một chỉ số sinh lí học nhạy cảm để theo dõi áp lực lên thành động mạch của mức glucose máu cao, có thể do nhiễm độc glucose. Mức glucose máu cao có thể điều chỉnh thành động mạch tăng độ cứng trong một thời gian tương đối ngắn, kết quả là làm tăng CAVI. Sự gia tăng này có thể đảo ngược, bởi vì việc kiểm soát mức glucose máu làm giảm CAVI trong một khoảng thời gian khá nhanh. Các nghiên cứu sâu hơn cần được tiến hành để làm sáng tỏ cơ chế rằng mức glucose cao hay nhiễm độc glucose thúc đẩy xơ cứng động mạch.

 

* Rối loạn chuyển hóa lipid máu

CAVI và rối loạn lipid máu không có mối tương quan chặt chẽ; tuy nhiên, Takaki thấy CAVI liên quan với mức LDL-Cholesterol cũng như tỉ lệ Cholesterol/HDL-Cholesterol. Tăng lipid máu tự nó không tức thì làm tăng

ĐCĐM. Sau khi tích lũy cholesterol trong các bể chứa, quá trình oxy hóa sinh ra các oxysterol là các chất có độc tính cao và thúc đẩy phản ứng viêm, theo sau bởi sự tấn công của xơ vữa động mạch; do đó, CAVI có thể tăng trong điều kiện tăng lipid đó.

Ảnh hưởng của các tác nhân làm giảm lipid máu đã được nghiên cứu. Miyashita và cộng sự thấy điều trị Pitavastatin làm giảm CAVI sau 1 năm. Eicosapentaenoic acid làm giảm CAVI liên quan với giảm amyloid A-LDL trong huyết thanh ở bệnh nhân có hội chứng chuyển hóa. Đơn liệu pháp Ezetimibe làm giảm CAVI ở bệnh nhân đái tháo đường type 2. Việc cải thiện độ cứng thành động mạch ảnh hưởng bởi tác nhân làm giảm lipid có thể vì một vài điều chỉnh chức năng thêm vào những biến đổi mô bệnh học của tổ chức .

 

* Hội chứng chuyển hóa, béo phì và giảm cân

Hội chứng chuyển hóa phổ biến khắp thế giới. sự tích tụ mỡ tạng đã dẫn tới làm rối loạn dung nạp glucose, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. Những điều kiện đó được cho là gây ra tăng đề kháng Insulin. CAVI cao có liên quan với béo phì và hội chứng chuyển hóa. Adiponectin, chất liên quan đến độ nhạy cảm của Insulin và được xem là một dấu ấn sinh học của hội chứng chuyển hóa, tương quan nghịch với CAVI. Những kết quả trên chỉ ra rằng CAVI có thể là một dấu ấn tốt của bệnh mạch máu lớn trong hội chứng chuyển hóa, là bởi có một vài dấu hiệu và triệu chứng khởi phát.

Giảm cân có tác dụng cải thiện hội chứng chuyển hóa và Satoh cùng cộng sự đã nhận thấy giảm cân nhờ chế độ ăn kiêng và luyện tập trong khoảng 3 tháng làm giảm dáng kể CAVI song song với tăng mức Adiponectin. CAVI có thể hữu ích để đánh giá và quản lí các yếu tố nguy cơ tim mạch ở những bệnh nhân có hội chứng chuyển hóa .

Kuzobuno và cộng sự thấy CAVI tăng cao ở những người hút thuốc[19]. Theo Noike và cộng sự, hút thuốc làm tăng CAVI nhưng điều thú vị là CAVI giảm sau khi ngừng hút thuốc. Sự đảo ngược của CAVI có thể ngụ ý rằng hút thuốc làm co các tế bào cơ trơn thành động mạch. CAVI có thể là một chỉ thị tốt để gia tăng động cơ cho những người đang có bỏ hút thuốc.

 

* Cavi và bệnh lí viêm mạch

Bệnh lí viêm của thành động mạch được biết là có liên quan với xơ vữa động mạch. Các nghiên cứu gần đây cho thấy CAVI tăng cao ở những bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng viêm động mạch chủ và sự tăng CAVI đó được làm giảm bằng liệu pháp miễn dịch. Những kết quả đó chỉ ra rằng CAVI phản ánh sự có mặt của một phản ứng viêm của các động mạch trong toàn cơ thể. Cơ chế của hiện tượng này hiện chưa rõ. Các Cytokine của phản ứng viêm sinh ra trong thành động mạch kích thích co cơ trơn và tái cấu trúc thành mạch, tuy nhiên, điều này cần được nghiên cứu thêm. Wakabayashi và cộng sự thấy CAVI liên quan với các chất phản ứng giai đoạn cấp như Protein C phản ứng, Protein Amyloid A, sialic acid, fibrinogen và bạch cầu trong đái tháo đường type 2.

 

return to top