Tại sao điều trị béo phì lại lắm gian nan ?

Nội dung

Béo phì là một bệnh do tình trạng tích trữ mỡ quá mức trong cơ thể. Theo phân loại của Bộ Y tế, người được xem là béo phì khi có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25 kg/m2, nếu chỉ số BMI trên 35 kg/m2 thì được coi là béo phì mức độ trầm trọng. Vấn đề lớn nhất của những bệnh nhân này gồm thân hình quá khổ gây rất nhiều khó khăn, bế tắc trong cuộc sống và thường mang trên người rất nhiều bệnh tật do béo phì gây ra.

Nhiều bệnh nhân bị tiểu đường, huyết áp cao, khó thở, thoái hóa khớp... khi còn rất trẻ. Hầu hết bệnh nhân dành rất nhiều thời gian, tiền bạc cùng với mọi sự nỗ lực của mình để giảm cân nhưng không thể thành công. Chế độ ăn kiêng chỉ kéo dài được vài ngày, sau đó họ không thể chống cự cảm giác đói và ăn khối lượng nhiều hơn trước khi kiêng. Họ cũng khó tập luyện thể chất do cơ thể quá nặng và đau khớp.

Nhiều người bế tắc và lo lắng, tìm đến các loại thực phẩm chức năng dù hoàn toàn không biết thành phần của thực phẩm. Một số bệnh nhân đến trung tâm thẩm mỹ để hút mỡ hoặc tiêm các chất không rõ nguồn gốc vào cơ thể, dẫn đến những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, kinh tế và cả hạnh phúc gia đình.

 

Chia sẻ của một bệnh nhân nữ, rằng biết cơ thể sẽ có rất nhiều bệnh khi quá béo, song không thể chịu đựng cơn đói. Chị triền miên sống trong căng thẳng, với vòng lẩn quẩn càng cố giảm ăn thì càng đói, ăn vào thì lại tăng cân ngay; lo lắng khiến cảm giác thèm ăn tăng vọt.

Có bệnh nhân nói chỉ thấy đồ ăn khi ngủ mơ, càng béo thì càng ngại vận động, ăn xong chỉ muốn nằm. Rất nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng sau nhiều năm giảm cân bất thành. Một số bệnh nhân có tâm lý muốn buông xuôi, mặc kệ cơ thể bệnh tật, chỉ ăn cho thỏa mãn cảm xúc của mình, từ đó đánh mất tương lai và cả cuộc đời. Đây cũng là chướng ngại lớn nhất trong quá trình giảm béo.

Người béo phì có ham muốn ăn uống luôn vượt quá tầm kiểm soát của bản thân. Đây không phải mong muốn của chính bệnh nhân. Thêm vào đó, người xung quanh không hiểu họ đang bị bệnh, rối loạn về tâm lý và quá trình chuyển hóa, nội tiết, trao đổi chất, nên không có thái độ cảm thông. Bước tư vấn tâm lý rất quan trọng, nhằm đưa bệnh nhân ra khỏi bế tắc, tâm trạng muốn buông xuôi, tuyệt vọng, tạo động lực và niềm tin về khả năng có thể chiến thắng béo phì, tránh mọi thái độ kỳ thị với người bệnh. Thầy thuốc cần xây dựng kế hoạch điều trị và mục tiêu một cách rõ ràng. Quan trọng nhất là cung cấp những kiến thức về bệnh béo phì và các phương pháp điều trị khoa học, có đủ tài liệu nghiên cứu lớn của thế giới và bằng chứng cụ thể về các trường hợp béo phì đã điều trị thành công.

Suốt quá trình giảm cân, người bệnh phải tăng cường luyện tập thể chất, duy trì đều đặn; sử dụng thuốc giảm cân dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ. Phương pháp phẫu thuật giảm cân bằng thu nhỏ dạ dày hoặc các phương pháp phẫu thuật khác trên đường tiêu hóa, được xem xét khi bệnh nhân béo phì trầm trọng. Bệnh nhân béo phì trầm trọng là những người có chỉ số BMI từ 35 trở lên, béo phì độ I, độ II có kèm theo các bệnh kết hợp; hoặc khi bệnh nhân đã áp dụng tất cả giải pháp khác không thành công.

Người béo phì cần chỗ dựa, điểm tựa tinh thần, người bạn đồng hành suốt đời, giúp họ vượt qua kỳ thị của xã hội, sự tự ti, thêm niềm tin và động lực chiến thắng béo phì. "Có thể quá trình này phải mất nhiều năm, nhưng công sức bỏ ra không vô nghĩa", các chuyên gia chia sẻ

return to top