✴️ Siêu âm bơm nước buồng tử cung

1.Định nghĩa

Siêu âm bơm nước buồng tử cung là phương pháp đánh giá bên trong buồng tử cung bằng cách bơm một lượng nước muối sinh lý, không khí hoặc một chất liệu tương phản âm khác vào tử cung qua đường âm đạo, sau đó dùng siêu âm để quan sát. Đây được biết đến như là một phương pháp hữu hiệu để chẩn đoán các bất thường ở buồng tử cung và hai vòi trứng.

2. Chỉ định

Những trường hợp rong kinh rong huyết không rõ nguyên nhân, đặc biệt ở giai đoạn quanh mãn kinh hoặc sau mãn kinh.

Vô kinh thứ phát do dính buồng tử cung.

Những trường hợp cần đánh giá các bất thường của buồng tử cung, nội mạc tử cung trước và/hoặc sau các thủ thuật soi buồng.

Những trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân, sảy thai liên tiếp.

Những bệnh nhân sử dụng Tamoxifen hoặc nội tiết thay thế, đặc biệt nếu có kèm ra huyết bất thường.

3. Ưu điểm

So với chụp buồng tử cung – vòi trứng bằng quang tuyến, siêu âm buồng tử cung có nhiều ưu điểm:

Đơn giản.

Rẻ tiền.

Ít xuyên thấu.

Ít bị tác dụng của tia phóng xạ.

Độ chính xác cao, đặc biệt đối với những khối u trong buồng tử cung.

Ít bị dương tính giả.

4. Chống chỉ định

Siêu âm với bơm nước buồng tử cung không nên thực hiện trong những trường hợp:

Nghi ngờ có thai.

Có những dấu hiệu viêm nhiễm vùng chậu.

Bệnh nhân đang ra huyết nhiều không phải là một chống chỉ định, tuy nhiên trong trường hợp này sự đánh giá các bất thường trong lòng tử cung sẽ khó khăn hơn do những khối máu đông có thể  nhầm với những khối u thực thể.

5. Thời điểm thực hiện

Thủ thuật thường được thực hiện trong khoảng từ ngày 4 đến ngày 7 của chu kỳ kinh nguyệt. Trong giai đoạn này buồng tử cung thường không còn máu cục và nội mạc tử cung chưa phát triển nhiều. Nếu thực hiện thủ thuật vào giai đoạn chế tiết, nội mạc tử cung dày lên và có hình ảnh gồ ghề có thể dẫn đến dương tính giả.

Tuy nhiên đối với trường hợp rối loạn kinh nguyệt có thể thực hiện ở bất kì thời điểm nào. Khi đó các khối máu cục sẽ được đánh giá cẩn thận và chẩn đoán phân biệt với các khối u thực thể qua hình ảnh động.

6. Chuẩn bị trước thủ thuật

Tâm lý bệnh nhân: yếu tố tâm lý có ảnh hưởng nhiều đến thành công của thủ thuật. Khi bệnh nhân được giải thích rõ ràng và đầy đủ, sự tin tưởng vào bác sỹ sẽ làm cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái dễ hợp tác, giúp thủ thuật dễ thực hiện hơn.

 Bệnh nhân cần được siêu âm trước để có những thông tin cần thiết khi tiến hành thủ thuật như tư thế của tử cung – cổ tử cung.

 Kháng sinh dự phòng: Đối với những bệnh nhân vô sinh hoặc có bệnh sử viêm nhiễm sinh dục có thể cho kháng sinh 2 ngày trước. Nếu có ứ dịch vòi trứng nên cho điều trị thêm sau thủ thuật.

 Giảm đau: Nên cho bệnh nhân uống 30 phút trước thủ thuật để giảm đau và tránh sốc phản vệ.

 7. Kỹ thuật thực hiện

 Sát trùng âm đạo thật kĩ với betadin. Tráng catheter trước khi đưa qua lỗ cổ tử cung để tránh các ảnh giả, không nên để đầu catheter chạm đáy buồng tử cung vì có thể làm bệnh nhân đau và/ hoặc gây sốc phản vệ.

 Dùng kẹp giữ catheter tại chỗ trong khi lấy mỏ vịt ra, cẩn thận để hai nhánh của mỏ vịt không kéo theo catheter ra ngoài. Đưa đầu dò vào phía trên catherter, mặt trước cổ tử cung nếu tử cung ngả trước hoặc phía dưới catherter mặt sau cổ tử cung nếu tử cung ngả sau. Điều chỉnh mặt cắt để thấy được toàn bộ tử cung ở mặt cắt dọc.

 Bơm thật chậm nước muối sinh lý qua catheter và quan sát trên siêu âm hình ảnh nước di chuyển vào buồng tử cung, ngừng bơm khi buồng tử cung đạt đến kích thước vừa đủ để thấy được mặt phân cách giữa lớp dịch và nội mạc tử cung, không nhất thiết buồng tử cung phải căng nhiều.

 Sau khi đánh giá buồng tử cung, nếu muốn quan sát hai vòi trứng: rút hết nước trong buồng tử cung, bơm thật chậm 10ml không khí vào và quan sát các bóng khí di chuyển qua hai sừng tử cung vào hai vòi trứng . Có thể sử dụng Doppler màu để thấy dòng chảy qua hai vòi trứng dễ dàng hơn. Bất lợi của phương pháp này là khí di chuyển nhanh và tồn tại trong một thời gian rất ngắn và thường không thấy được hết toàn bộ vòi trứng ở một mặt cắt nên đôi khi khó đánh giá chính xác độ thông của vòi trứng.

8. Sau thủ thuật

Để bệnh nhân ngồi ở tư thế 45 độ trong vài phút.

Điều trị giảm đau nếu cần.

Kiêng giao hợp vài ngày để tránh nhiễm trùng.

9. Khó khăn

Những trường hợp có thể gặp khó khăn khi đưa catheter qua kênh cổ tử cung:

Teo hẹp cổ tử cung

Bệnh nhân chưa sinh đẻ

Bệnh nhân đã khoét chóp hoặc đốt cổ tử cung

Bệnh nhân ở thời kỳ quanh mãn kinh hoặc đã mãn kinh

Xem thêm: Khi nào cần siêu âm đầu dò âm đạo

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top