✴️ Siêu âm đại tràng và những lưu ý cần tham khảo

Ngày nay, các bệnh lý liên quan đến đại tràng không còn quá xa lạ, chính vì thế việc chẩn đoán bệnh cũng ngày một được quan tâm nhiều hơn. Một trong những kỹ thuật phổ biến hơn cả phải nhắc đến siêu âm đại tràng, đây là phương pháp này an toàn, không xâm lấn và mang đến độ chính xác cao.

 

1. Siêu âm đại tràng

1.1. Siêu âm đại tràng là gì?

Siêu âm đại tràng là một trong những phương pháp thăm khám chẩn đoán bệnh không xâm lấn phổ biến nhất hiện nay. Phương pháp sử dụng sóng siêu âm có tần số cao để thu lại hình ảnh đại tràng và các cơ quan lân cận cần theo dõi.

Trong quá trình siêu âm, bác sĩ sẽ bôi một lớp gel mỏng quanh vùng bụng và sử dụng máy siêu âm đầu dò qua để thao tác. Đầu dò với chức năng thu lại hình ảnh và sau đó hiển thị chúng trên màn hình máy siêu âm từ đó giúp bác sĩ thấy được tình trạng của đại tràng và đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị phù hợp.

Siêu âm đại tràng là gì?

Siêu âm là phương pháp phổ biến trong việc chẩn đoán các bệnh đại tràng.

 

1.2. Những ai cần thực hiện siêu âm đại tràng?

Siêu âm được thực hiện thường gặp nhất là trong những đợt khám sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên, nếu cảm thấy có các dấu hiệu bất thường về tiêu hoá thì hãy  nên gặp bác sĩ để khám và siêu âm sớm. Các dấu hiệu cho thấy bạn cần thực hiện chẩn đoán hình ảnh này:

– Thường xuyên bị tiêu chảy hoặc táo bón: Tiêu chảy và táo bón là những triệu chứng thường gặp liên quan đến vấn đề tiêu hoá mà do nhiều nguyên nhân gây ra. Để xác định triệu chứng này có liên quan đến đại tràng hay không thì hãy gặp bác sĩ và thực hiện siêu âm để có kết quả chính xác.

– Đi ngoài ra máu: Nếu phân có lẫn màu đỏ nâu thì khả năng cao là phân đã đi qua những vùng tổn thương ở sâu bên trong (có thể là phần ruột non hoặc phần đầu ruột già). Đi ngoài ra máu là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm về đại tràng như: viêm đại tràng, xuất huyết đại tràng, khối u đại tràng,… Nên được thăm khám sớm đề phòng những hậu quả khôn lường.

– Co thắt dạ dày: Co thắt dạ dày là triệu chứng có thể xảy ra khi xuất hiện khối u đại tràng, khối u va chạm vào dạ dày và các nội quan lân cận khác khi co bóp tiêu hoá thức ăn sẽ gây ra những cơn đau bất thường. Cơn đau có thể liên tục dữ dội hoặc theo chu kỳ. Khi gặp dấu hiệu này, người bệnh nên thăm khám sớm và tiến hành siêu âm đại tràng.

1.3. Trước khi siêu âm cần chuẩn bị những gì?

Trước khi tiến hành siêu âm, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm máu cần thiết.

Ngoài ra, để quá trình chẩn đoán bệnh được chính xác nhất thì trước khi siêu âm 3 – 4 ngày, người bệnh chỉ nên ăn nhẹ, ăn đồ ăn dễ tiêu hoá, ít chất xơ, uống nhiều nước nhưng tránh uống các loại nước có phẩm màu, các loại nước ngọt có gas. Đặc biệt trước khi chuẩn bị siêu âm 2 tiếng, người bệnh không ăn uống bất kỳ thứ gì.

Lưu ý trước khi siêu âm đại tràng

Nắm rõ những lưu ý trước khi tiến hành siêu âm để có được kết quả chính xác nhất.

 

2. Những bệnh đại tràng có thể được phát hiện qua siêu âm

2.1. Viêm đại tràng

Viêm đại tràng là một trong những bệnh tiêu hoá khá phổ biến, nếu không được điều trị đúng sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Rất may là viêm đại tràng có thể được phát hiện nhờ phương pháp siêu âm.

Ngoài ra, một số triệu chứng lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán sơ bộ viêm đại tràng như: Đau nhức vùng bụng, chướng bụng, sôi bụng, phân không tạo khuôn,… Tuy nhiên, vẫn cần kết hợp với phương pháp siêu âm để có kết luận chính xác nhất và hướng điều trị hiệu quả.

2.2. Polyp đại tràng

Đây là tình trạng bệnh lý xuất hiện khối u bên trong đại tràng. Polyp đại tràng gồm 2 loại: Polyp tăng sản và Polyp tuyến. Polyp đại tràng được coi là khối u lành tính, tuy nhiên nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời nguy cơ cao sẽ trở thành ung thư đại tràng.

Bệnh polyp đại tràng được chẩn đoán chủ yếu nhờ phương pháp siêu âm kèm theo một số biểu hiện không điển hình như: Đau bụng, cơ thể mệt mỏi, phân lẫn máu,…

2.3. Ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng là tình trạng đại tràng xuất hiện các khối u được hình thành từ các tế bào có sự phát triển một cách bất thường và có khả năng xâm lấn cao, di căn đến các cơ quan, bộ phận khác.

Nguyên nhân dẫn đến ung thư đại tràng có thể do polyp đại tràng phát triển mà không được điều trị kịp thời dẫn đến viêm loét đại tràng mãn tính. Siêu âm là phương pháp giúp phát hiện sớm ung thư đại tràng nhờ đó hỗ trợ công tác điều trị được khách quan và chính xác hơn.

Siêu âm đại tràng

Một số bệnh đại tràng thường gặp có thể được chẩn đoán dựa trên kết quả siêu âm.

 

3. Ưu điểm, nhược điểm của phương pháp

3.1. Ưu điểm

– Tiết kiệm chi phí: So với các phương pháp khám bệnh và tầm soát ung thư khác thì siêu âm là phương pháp có giá thành thấp hơn nhiều.

– Không đau, không xâm lấn nên hoàn toàn an toàn và phù hợp với mọi đối tượng trong mọi độ tuổi.

– Tiến hành nhanh, không tốn nhiều thời gian.

– Phổ biến ở hầu hết tất các cơ sở y tế.

3.2. Hạn chế

– Phương pháp này không áp dụng phát hiện những tổn thương nhỏ hoặc những khối u mới “chớm nở” trong đại tràng.

– Không cho rõ hình ảnh ở những đoạn ruột bị  khuất.

– Kết quả siêu âm phụ thuộc vào kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ và hệ thống máy móc y tế hỗ trợ.

Như vậy, để phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm liên quan đến đại tràng thì việc thực hiện siêu âm đại tràng là một lựa chọn cần thiết với tất cả mọi người. Người bệnh nên tham khảo những địa chỉ khám chữa bệnh uy tín, hiện đại, chất lượng cao để phục vụ tốt nhất quá trình thăm khám chữa bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top