Giải phẫu học vùng ngực
Mặt cắt cần cho việc khảo sát phổi và tim là mặt cắt 4 buồng, mặt cắt này tương ứng với mặt cắt ngang của ngực ở vị trí tim. (hình 5.29) Bảng 5.9 nêu ra những điểm mốc giải phẫu của mặt cắt 4 buồng.
Hình 5.29: Mặt cắt ngang ngực ở ngang vị trí 4 buồng tim. Chú ý: ta có thể thấy trọn cung xương sườn ở mỗi bên trên hình này (Rib). S= spine: cột sống, LA= left atrium: nhĩ trái, RA= right atrium: nhĩ phải, LV= left ventricle: thất trái and RV= right ventricle: thất phải.
BẢNG 5.9: Các mốc giải phẫu trên siêu âm của mặt cắt 4 buồng tim |
Toàn bộ phần cung sườn ở mỗi bên 4 buồng tim Tim chiếm 1/3 lồng ngực Mỏm tim lệch trái với trục tim nằm trong khoảng 45+/- 20 độ. |
Trong mặt cắt này, buồng tim nằm sau nhất là tâm nhĩ trái, ngược lại, buồng tim nằm ngay dưới xương ức là tâm thất phải (Hình 5.29). Những bất thường lớn có thể xác định ở mặt cắt này bao gồm những bất thường tim và phổi. Những bất thường bẩm sinh tim thường gặp có thể phát hiện trên mặt cắt 4 buồng bao gồm thiểu sản tim (trái hoặc phải) (Hình 5.30), bất thường lá van lớn (kênh nhĩ thất) và tắc nghẽn buồng thoát nặng (không lỗ van động mạch phổi hoặc hẹp đáng kể động mạch phổi). Hầu hết những bất thường tim này cần can thiệp phẫu thuật sớm sau sanh do phụ thuộc ống động mạch. Kênh nhĩ thất không phải là bênh lí cần can thiệp khẩn sau sanh nhưng nó kết hợp với hội chứng Down trong 60% các trường hợp. Hầu hết các tổn thương lồng ngực thường gặp bao gồm: thoát vị hoành (Hình 5.31); tổn thương tăng sinh dạng nang và tăng sáng phổi như trong bệnh lí tăng sinh tuyến dạng nang (CCAM, thể nang hoặc đặc) (hình 5.32); phổi biệt trí thể ngoại thùy (extra-lobar sequestration) (Hình 5.33); và tràn dịch màng phổi (hình 5.34). Một vài tổn thương này là lành tính và thường thoái hóa tự nhiên lúc gần sanh. Nếu tràn dịch màng phổi xảy ra trong bệnh cảnh thai tích dịch không do nguyên nhân miễn dịch, thì nó có thể dẫn đến tử vong trong bào thai hoặc sau sanh. Thoát vị hoành cần mổ sớm sau sanh, với tỉ lệ sống sót khoảng 50-70% nếu được mổ ở tuyến trên có đủ trang thiết bị và chuyên môn.
Hình 5.30: mặt cắt 4 buồng của thai nhi có hội chứng thiểu sản tim trái. Chú ý kích thước thất trái nhỏ (LV). Trong trường hợp này, mũi tên chỉ lỗ bầu dục, nơi có dòng phụt ngược điển hình trong trường hợp này. S = spine: cột sống, LA= left atrium: nhĩ trái, RA= right atrium: nhĩ phải, and RV= right ventricle: thất phải.
Hình 5.31: Mặt cắt ngang ngực ỏ thai nhi có thoát vị hoành. Chú ý: dạ dày (St) đi lên trên lồng ngực. Tim bị đẩy sang phải lồng ngực. S = spine: cột sống, R=phải, L=trái.
Hình 5.32: Mặt cắt ngang ngực qua 4 buồng tim ở thai nhi có tăng sinh tuyến dạng nang bẩm sinh của phổi trái. Chú ý khối echo dày sáng lớn kết hợp với tràn dịch (dấu sao). Tim bị đẩy lệch sang ngực phải. R = phải, L = trái and S = cột sống.
Hình 5.33: Mặt cắt ngang ngực ở siêu âm 2D và siêu âm Doppler màu ở thai nhi có phổi biệt trí (mũi tên trắng). Chú ý mạch máu cung cấp (mũi tên vàng) thường xuất phát từ tuần hoàn hệ thống. S= cột sống.
Hình 5.34: Mặt cắt ngang ngực ở tuổi thai 23 tuần cho thấy tràn dich màng phổi 2 bên (mũi tên). Tràn dịch màng phổi thoái hóa tự nhiên và hấp thu trong những lần siêu âm theo dõi sau đó. S = cột sống, RL = phổi phải, LL = phổi trái.
Giải phẫu học vùng bụng:
Dạ dày thấy được ở mặt cắt chuẩn ngang bụng, đó cũng là mặt cắt dùng để đo chu vi bụng (CVB). Nếu vẫn không quan sát thấy dạ dày sau nhiều lần khảo sát, thì đó là dấu hiệu điển hình của teo hẹp thực quản (một đoạn của thực quản không có lỗ thông), ngược lại nếu thấy hình ảnh bóng đôi, là dấu hiệu của teo hẹp tá tràng. (Hình 5.35). Những bất thường thành bụng bao gồm thoát vị rốn (hình 5.36) và hở thành bụng (hình 5.37 A và B). Tất cả những bất thường thường không đe dọa tính mạng, nhưng đòi hỏi phải phẫu thuật sớm sau sanh. Một vài bất thường lớn thường kết hợp lượng nước ối giảm nhiều như bệnh lí bất sản thận 2 bên (Hình 5.38 A và B), bệnh lí thận đa nang ở trẻ nhỏ (Figure 5.39 A - C), và tắc nghẽn đường ra của bàng quang (Hình 5.40 A và B). Thận ứ nước, do trào ngược hoặc tắc nghẽn bể thận-niệu quản (hình 5.41) nhìn chung thường ít nghiêm trọng hơn.
Hình 5.35: mặt cắt ngang bụng với hình ảnh teo hẹp thực quản. Chú ý dạ dày to vượt qua đường giữa (đường gạch nối) và có hình ảnh bóng đôi (dấu sao). S= cột sống.
Hình 5.36: cho thấy ở mặt cắt ngang bụng có hình ảnh thoát vị rốn (O). Chú ý vị trí trung tâm của khiếm khuyết thành bụng (mũi tên). S = cột sống.
Hình 5.37 A và B: Mặt phẳng cắt ngang (A) và mặt phẳng đứng dọc giữa (B) của thai nhi có hở thành bụng (G). Chú ý khối thoát vị không có màng bao (mũi tên). AC = Abdominal Circumference (chu vi vòng bụng).
Hình 5.38 A và B: Mặt phẳng đứng dọc ngang của vùng bụng trên siêu âm 2D (A) và có phổ Doppler (B) ở thai có bất sản thận 2 bên. Chú ý: không quan sát thấy nước ối (mũi tên) và không thấy thận ở 2 hố thận (dấu sao) ở cả 2 hình ảnh trên. Không thấy động mạch thận 2 bên trên siêu âm Doppler (B)
Hình 5.39 A, B, và C: Mặt cắt ngang (A) và dọc (B và C) của 2 thận ở thai nhi có bệnh lí thận đa nang ở trẻ em. Chú ý sự gia tăng kích thước thận 2 bên và 2 thận tăng phản âm. Đồng thời có kèm vô ối trong trường hợp này (không thấy trong hình).
Hình 5.40 A và B: mặt cắt ngang phía dưới (A) và trên (B) vùng chậu với van niệu đạo sau. Chú ý bàng quang căng to (B), niệu quản dãn, quan sát thấy ở mặt cắt ngang ở hình A (U) và dấu hiệu chìa khóa của đoạn niệu đạo gần ở hình A (dấu sao)
Hình 5.41: Mặt cắt đứng dọc vùng bụng cho thấy hình ảnh tắc nghẽn bể thận niệu quản 2 bên. Chú ý bể thận 2 bên dãn (dấu sao). Giới hạn 2 thận được đánh dấu bằng mũi tên 2 đầu trên hình.
Giải phẫu học hệ xương
Cần khảo sát và đánh giá cột sống ở mặt cắt đứng dọc giữa, mặt cắt ngang hoặc mặt phẳng trán, mặc dù tỉ lệ phát hiện chẻ đôi đốt sống cao nhất (hình 5.42 A - C chủ yếu dựa vào các dấu hiệu gián tiếp của não [dấu hiệu “trái chuối” (hình 5.43) và “trái chanh” (hình 5.44)]. Ta cũng cần khảo sát những xương dài của tay chân, chú ý đến những bất thường lớn như ngắn chi nặng hoặc cong nhiều ( Hình 5.45 và 5.46). Cần cố gắng khảo sát tay chân khi có thể. Nhờ đó, có thể chẩn đoán những bất thường lớn, với khiếm khuyết mất chi như không có bàn tay hoặc bàn chân hoặc bất sản xương quay. Một điều quan trọng nữa là cần đánh giá sự cử động của các khớp. Nếu có dấu hiệu cứng các khớp, ta có thể nghĩ đến bệnh lí co cứng khớp.
Hình 5.42 A, B, và C: Mặt cắt đứng dọc giữ của khung chậu (P) (hình A), bụng (Ab) (hình B), ngực (Ch) và cổ (N) (hình C) cho thấy mặt cắt dọc giữa của cột sống. Sự liên tục của nếp da trên mặt cắt A và B (mũi tên).
Hình 5.43: minh họa mặt cắt ngang của tiểu não ở thai nhi có khiếm khuyết ống thần kinh. Chú ý dấu hiệu tiểu não hình trái chuối ( mũi tên, đường viền màu vàng) là 1 đặc điểm bất thường của hệ thống thần kinh trung ương (Arnold Chiari) kết hợp với dị tật ống thần kinh hở. Xem chi tiết ở phần bài viết.
Hình 5.44: Mặt cắt ngang đầu ở vị trí não thất bên có dị tật ống thần kinh. Chú ý hộp sọ có hình “trái chanh” (mũi tên), là 1 đặc điểm của bất thường hệ thần kinh trung ương (Arnold Chiari) đi kèm dị tật hở ống thần kinh. Xem mô tả chi tiết ở phần bài viết.
Hình 5.45: mặt cắt dọc xương đùi trên siêu âm 2D (A), và chi trên ở siêu âm 3D (B) của cùng 1 thai nhi có loạn sản xương gây chết. Chú ý xương dài ngắn rõ và cong nhiều.
Hình 5.46: Mặt cắt đứng dọc giữa của thai nhi có loạn sản xương gây chết (tương tự như hình 5-45). Chú ý ngực nhỏ (C) so với bụng (A).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hadlock FP, Harrist RB, Carpenter RJ, Deter RL, Park SK. Sonographic estimation of fetal weight. The value of femur length in addition to head and abdomen measurements. Radiology. 1984 Feb;150(2):535-40
Sandmire HF. Whither ultrasonic prediction of fetal macrosomia? Obstetric Gynecology 1993;82:860-862
L. J. Salomon, Z. Alfirevic, V. Berghella, C. Bilardo, E. Hernandez-andrade, S. L. Johnsen, K. Kalache, K.yY Leung, G. Malinger, H. Munoz, F. Prefumo, A. Toi and W. Lee on behalf of the ISUOG Clinical Standards Committee. Practice guidelines for performance of the routine mid-trimester fetal ultrasound scan. Ultrasound Obstetric Gynecology 2011; 37: 116–126.
ISUOG. Cardiac screening examination of the fetus: guidelines for performing the ‘basic’ and ‘extended basic’ cardiac scan. Ultrasound Obstetric Gynecology 2006; 27: 107–113.
ISUOG. Sonographic examination of the fetal central nervous system: guidelines for performing the ‘basic examination’ and the ‘fetal neurosonogram’. Ultrasound Obstetric Gynecology 2007; 29: 109–116
American Institute of Ultrasound in Medicine practice guidelines on the performance of the obstetric ultrasound examination, 2013.
http://www.aium.org/resources/guidelines/obstetric.pdf
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh