✴️ Lao phổi: Cách phòng chống lây lan trong cộng đồng

1. Cơ chế lây truyền bệnh lao phổi

Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở rất nhiều bộ phận trong cơ thể. Trong đó thể bệnh lao phổi phổ biến nhất chiếm tới 80 đến 85%. Đây là nguồn lây chính cho mọi người xung quanh.

Bệnh lao phổi lây truyền qua đường hô hấp. Cơ chế do hít phải các hạt khí dung lơ lửng trong không khí có chứa vi khuẩn lao. Các hạt khí dung có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi giai đoạn tiến triển ho khạc, hắt hơi. Những hạt này có đường kính khoảng 1 – 5 micromet. Chúng bay lơ lửng trong không khí khoảng từ vài giờ đến 24 giờ. Khả năng lây lan giảm mạnh ở những người đã điều trị từ 2 –4 tuần trở nên. Do vậy, phát hiện và điều trị sớm bệnh lao giúp làm giảm lây lan trong cộng đồng.

Nhiễm lao là tình trạng có tồn tại vi khuẩn lao trong cơ thể. Tuy nhiên vi khuẩn không sinh trưởng được do sự khống chế của hệ thống miễn dịch. Vì vậy chúng tồn tại trong cơ thể nhưng không hoạt động. Tới khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm, vi khuẩn lao có thể bùng phát lên và hoạt động gây bệnh. Những người nhiễm lao thì không có biểu hiện lâm sàng của bệnh lao.

Có khoảng 10% người nhiễm lao sẽ chuyển thành bệnh lao. Đối với những người bị suy giảm miễn dịch thì tỷ lệ này cao hơn rất nhiều.

2. Một số yếu tố liên quan đến sự lây truyền bệnh lao

Các yếu tố sau liên quan tới sự lây truyền bệnh lao cho mọi người xung quanh. Đó là:

  • Số lượng vi khuẩn lao do người bệnh ho khạc ra và sự thông khí tại khu vực phơi nhiễm
  • Thời gian tiếp xúc với các hạt khí dung có chứa vi khuẩn lao
  • Khoảng cách gần với nguồn các hạt khí dung mang vi khuẩn lao
  • Hệ thống miễn dịch suy giảm: HIV, tiểu đường, và suy dinh dưỡng…
  • Sử dụng thuốc lá hoặc lạm dụng rượu có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm lao và bệnh lao.
  • Các yếu tố môi trường: Không gian chật hẹp, thông khí kém, phòng điều hòa…

Một số yếu tố liên quan đến sự lây truyền bệnh lao

3. Bệnh lao phổi và cách phòng tránh lây nhiễm bệnh lao phổi 

Dựa vào cơ chế lây truyền bệnh và các yếu tố liên quan tới khả năng lây nhiễm để đưa ra các biện pháp phòng bệnh lao phổi dưới đây.

Mục đích của phòng bệnh lao nhằm:

  • Giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao
  • Giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang mắc bệnh lao

3.1. Các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh lao phổi trong môi trường bệnh viện

– Kiểm soát vệ sinh môi trường phòng bệnh

  • Những phòng bệnh có người bệnh lao điều trị hoặc sinh hoạt cần được mở cửa thông thoáng khí, đảm bảo không khí được lưu thông.
  • Tránh đóng kín cửa hay bật điều hòa dễ phát tán nguồn bệnh cho những người xung quanh.

– Hạn chế người bệnh lao phát tán vi khuẩn lao ra ngoài môi trường bằng cách:

  • Những người mắc lao phổi cần dùng khẩu trang. Hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, hay mỗi khi hắt hơi, ho.
  • Không khạc nhổ bừa bãi. Nên khạc đờm vào giấy hoặc ca/cốc. Sau đó bỏ đúng nơi quy định
  • Rửa tay xà phòng thường xuyên.

– Những người tiếp xúc với người mắc bệnh lao cần tự bảo vệ cho mình. Tốt nhất là đeo khẩu trang bảo vệ hô hấp đạt tiêu chuẩn mỗi khi nói chuyện với người bệnh lao. Do khẩu trang thông thường ít có tác dụng bảo vệ nhiễm vi khuẩn lao.

– Nên có nơi chăm sóc điều trị riêng cho người bệnh lao phổi có AFB dương tính hay lao đa kháng thuốc.

3.2. Dự phòng chống lây nhiễm bệnh lao phổi trong gia đình và những người xung quanh

– Người bệnh phải tuân thủ điều trị lao theo đúng hướng dẫn của bác sỹ. Như vậy mới đạt hiệu quả điều trị, tránh nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt các trường hợp còn ho khạc ra vi khuẩn lao, có xét nghiệm đờm AFB dương tính.

– Tránh lây nhiễm vi khuẩn lao cho người xung quanh bằng cách:

  • Dùng khẩu trang, khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi hắt hơi, ho.
  • Không khạc nhổ bừa bãi. Khạc đờm vào khăn giấy rồi đốt.
  • Rửa tay xà phòng thường xuyên.

– Vệ sinh môi trường nhà ở của người bệnh sạch sẽ. Đảm bảo cửa ra vào, cửa sổ, ô thoáng được thông khí tự nhiên, có ánh nắng. 

– Thường xuyên giặt giũ phơi nắng đồ dùng cá nhân, chiếu, chăn, màn.

3.3 Biện pháp nhằm giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao

– Tiêm phòng vắc xin BCG nhằm giúp cho cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm lao.

Để vắc xin phát huy được tác dụng cần lưu ý:

  • Tiêm đúng kỹ thuật, đúng liều lượng
  • Vắc xin phải được bảo quản đúng, đảm bảo chất lượng trong toàn bộ dây truyền đến từng liều sử dụng cho trẻ
  • Đường tiêm: Tiêm trong da
  • Vị trí tiêm: Điểm nối giữa 1/3 trên và 2/3 dưới, mặt ngoài chếch sau cánh tay trái, phía dưới vùng cơ delta
  • Liều lượng: 0,05 mg, tại vị trí tiêm nổi vết sẩn đường kính 4-5 mm

Khoảng 3 đến 4 tuần sau tiêm, tại chỗ tiêm sẽ có một nốt sưng nhỏ. Vết sưng hóa mủ và rò dịch trong vài tuần rồi kín miệng đóng vảy. Khi lớp vảy bong ra sẽ để lại một sẹo nhỏ, màu trắng, có thể hơi lõm. Đó là dấu hiệu nhận biết một người đã được tiêm phòng lao. 

– Đối với trẻ em dưới 5 tuổi hoặc trẻ từ 0-14 tuổi mà sống cùng nhà với người bệnh lao phổi. Hoặc với người lớn nhiễm HIV hiện không mắc lao cần được điều trị lao tiềm ẩn bằng thuốc isoniazid. Thời gian uống đối với người lớn là 9 tháng, trẻ em là 6 tháng.

Hiện nay, bệnh lao vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Do tỷ lệ lưu hành cao cũng như khả năng kháng thuốc của vi khuẩn lao. Vì thế mỗi người dân cần có kiến thức để bảo vệ mình và người thân để phòng chống lây nhiễm bệnh lao phổi ra cộng đồng xung quanh.

Xem thêm: Khi nào nên đi xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top