✴️ Tình trạng mất ngủ có giải quyết được không?

Nội dung

Khó ngủ, ngủ không ngon, không sâu giấc, hay thức giấc và khó ngủ lại vào ban đêm là những triệu chứng điển hình của bệnh mất ngủ. Nhiều người thắc mắc liệu rằng tình trạng mất ngủ có giải quyết được không, nên cải thiện giấc ngủ như thế nào? Những thông tin này đều sẽ được giải đáp đầy đủ trong bài viết dưới đây.

 

1. Tình trạng mất ngủ có thể gây ra những hệ lụy gì tới sức khỏe?

Thực tế hiện nay, có không ít người rơi vào tình trạng thường xuyên mất ngủ, điển hình là nhóm người cao tuổi, người lao động nặng nhọc và người làm việc nhiều bằng trí óc. Bên cạnh đó, tỷ lệ người trẻ tuổi gặp chứng mất ngủ cũng đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, cơ thể mắc bệnh hoặc nội tiết tố bị thay đổi.

Mất ngủ kéo dài trong nhiều tháng mà không có dấu hiệu suy giảm và hướng khắc phục kịp thời, người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, công việc và chất lượng cuộc sống. Một số tác hại đó là:

1.1 Mất tập trung

Mất ngủ thường xuyên sẽ làm giấc ngủ bị gián đoạn, lúc này não bộ cũng sẽ ít có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và bị áp lực nhiều hơn. Từ đó khiến người bệnh mệt mỏi, khó tập trung, gặp không ít khó khăn trong việc ghi nhớ và thực hiện các hoạt động thường ngày.

1.2 Giảm sút hiệu suất công việc

Giấc ngủ bị gián đoạn, ngủ không đủ giấc vào ban đêm sẽ khiến cơ thể gặp không ít sự mệt mỏi, uể oải vào sáng hôm sau. Điều này không chỉ tác động tới tinh thần người bệnh mà còn làm giảm sự tập trung và ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu suất công việc. Do đó, một giấc ngủ ngon sẽ giúp người bệnh lấy lại tinh thần sảng khoái và phục hồi năng lượng để tiếp tục công việc.

1.3 Rối loạn tâm lý

Theo nghiên cứu, bộ não sẽ có những phản ứng tiêu cực nếu thiếu người bệnh bị thiếu ngủ hay ngủ không đủ giấc. Tình trạng này có thể dẫn tới rối loạn lo âu, nóng nảy, dễ cáu gắt… hay nhiều vấn đề khác về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, tự kỷ…

1.4 Suy giảm trí nhớ

Hay quên trước quên sau, suy giảm trí nhớ là một trong những tác hại điển hình của chứng mất ngủ. Bởi việc thiếu ngủ sẽ làm não bộ không có đủ thời gian nghỉ ngơi, việc não phải hoạt động quá nhiều sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu tập trung, hay quên và suy giảm trí nhớ.

1.5 Ảnh hưởng đến sắc tố của da

Mất ngủ khiến cơ thể không thể sản sinh ra loại hormone sinh trường mà tạo ra một số loại hormone gây căng thẳng như cortisol. Những loại hormone này có thể phá vỡ collagen sẵn có trong cơ thể, làm gia tăng tình trạng viêm, mụn, da bị chảy xệ, lão hóa…

1.6 Tăng cân

Khi thiếu ngủ, cơ thể dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, khi đó các cơ quan cũng không thể đảm bảo thực hiện chức năng vốn có của chúng. Bên cạnh đó, lượng calo không thể tiêu hóa hết cũng dẫn đến tăng lượng mỡ tích tụ trong cơ thể và làm tăng nguy cơ tăng cân, béo phì.

1.7 Gây bệnh tim mạch

Khi thiếu ngủ, hệ thần kinh giao cảm sẽ phải hoạt động nhiều hơn, đồng thời mạch máu co lại, huyết áp tăng và tạo áp lực lên tim. Ngoài ra, ngủ không đủ giấc khiến cơ thể cần lượng insulin nhiều hơn để duy trì mức độ đường huyết hơn bình thường, điều này có khả năng tác động xấu tới mạch máu và tim.

Tình trạng mệt mỏi, uể oải do mất ngủ có thể làm suy giảm hiệu suất công việc trầm trọng

 

2. Tình trạng mất ngủ có giải quyết được không?

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ ngắn hạn hoặc kéo dài trong nhiều tháng liền. Tình trạng này có thể xuất hiện và tự cải thiện trong vài ngày, đồng nghĩa với việc mất ngủ cấp tính có thể tự khỏi mà không cần thiết tới sự tác động của y khoa. Tuy nhiên, đối với mất ngủ mạn tính, người bệnh cần có những biện pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả.

Các chuyên gia cho rằng, mất ngủ không phải là một căn bệnh nan y khó chữa mà hoàn toàn có thể được giải quyết và chữa khỏi bằng nhiều phương pháp khác nhau như: sử dụng thuốc, điều chỉnh thói quen và môi trường ngủ, xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh… Bên cạnh đó, thời gian điều trị mất ngủ còn phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Chính vì vậy, người bệnh nên thường xuyên trao đổi tình trạng sức khỏe đang gặp phải với bác sĩ chuyên khoa để có hướng khắc phục phù hợp.

 

3. Một số phương pháp cải thiện bệnh mất ngủ

Để giải quyết và cải thiện được chứng mất ngủ, người bệnh nên tham khảo một số phương pháp sau đây:

3.1 Dùng thuốc an thần theo chỉ định của bác sĩ

Một số trường hợp mất ngủ mạn tính sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng các loại thuốc an thần hoặc thuốc ngủ giúp hỗ trợ tăng cường giấc ngủ như: diazepam, doxylamine, eszopiclone, rotunda…

Tuy nhiên, việc điều trị mất ngủ bằng thuốc không được nhiều người khuyến khích bởi một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng tới sức khoẻ. Để hạn chế rủi ro cũng như phát huy tối đa công dụng của thuốc, người bệnh nên sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ có chuyên môn.

Nên sử dụng thuốc an thần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế những rủi ro không may từ tác dụng phụ của thuốc

 

3.2 Áp dụng mẹo vặt dân gian để cải thiện tình trạng mất ngủ

Tận dụng các loại dược liệu sẵn có trong tự nhiên là một trong những phương pháp điều trị mất ngủ đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao, đặc biệt phù hợp với các trường hợp mất ngủ cấp tính. Một số bài thuốc dân gian trị mất ngủ điển hình như: tâm sen, nụ hoa tam thất, lá đinh lăng, lá vông, cây lạc tiên…

3.3 Hình thành thói quen ngủ khoa học

Thói quen ngủ khoa học có thể giúp người bệnh có được giấc ngủ ngon và một tâm trạng thư thái, thoải mái khi thức dậy. Một số lưu ý người mất ngủ nên quan tâm đó là:

– Loại bỏ căng thẳng, mệt mỏi và áp lực trước khi ngủ.

– Xây dựng thói quen ngủ và thức dậy cùng một khung giờ.

– Không ngủ trưa quá lâu.

– Hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính, ipad… và các thiết bị điện tử khác khi đã lên giường đi ngủ.

– Duy trì không gian ngủ yên tĩnh, thoải mái.

3.4 Cải thiện tình trạng mất ngủ nhờ điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh

Bên cạnh việc xây dựng thói quen ngủ khoa học, người bệnh cũng không nên bỏ qua việc điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt để tăng cường chất lượng giấc ngủ, một số phương pháp đó là:

– Không ăn quá nhiều vào buổi tối hoặc ăn quá khuya.

– Tránh sử dụng caffeine, đồ uống có cồn, thuốc lá trước khi đi ngủ.

– Vận động cơ thể bằng các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng sức khỏe giúp tinh thần sảng khoái, dễ chịu và có giấc ngủ ngon hơn.

Xây dựng chế đọ sinh hoạt hợp lý bằng cách không ăn quá nhiều vào buổi tối và trước khi ngủ

 

Tình trạng mất ngủ có thể giải quyết nếu được phát hiện và can thiệp điều trị từ sớm. Để bệnh mất ngủ không làm ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống, người bệnh cần chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa, giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị tích cực.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top