✴️ Cần chuẩn bị những gì trước khi thực hiện phẫu thuật thay khớp háng?

Nội dung

Thay khớp háng là một phẫu thuật phổ biến được thực hiện để điều trị khớp bị tổn thương nghiêm trọng. Đây là phẫu thuật liên quan tới dụng cụ cấy ghép nhân tạo.

Nguy cơ cuộc mổ

Phẫu thuật thay khớp háng thường làm giảm đau và tăng khả năng vận động. Tuy nhiên, phẫu thuật thay khớp háng có một số rủi ro liên quan. Bao gồm các:

  • Nhiễm trùng: có thể xảy ra trên bề mặt vết thương hoặc sâu bên dưới quanh bộ phận cấy ghép. Tình trạng này có thể xảy ra trong thời gian nằm viện hoặc sau khi về nhà. Thậm chí có thể xảy ra nhiều năm sau đó.
  • Chảy máu.
  • Cục máu đông ở tĩnh mạch chân hoặc xương chậu là biến chứng thường gặp nhất của phẫu thuật thay khớp háng. Nguy cơ này có thể đe dọa đến tính mạng khi chúng di chuyển đến phổi gây thuyên tắc phổi. Bác sĩ sẽ lập kế hoạch phòng ngừa trong đó có thể bao gồm thuốc làm loãng máu, vớ hỗ trợ, vớ bơm hơi áp lực dùng cho chân, bài tập gập-duỗi cổ chân, và sớm vận động.
  • Trật khớp háng nhân tạo.
  • Tổn thương thần kinh.
  • Vật liệu cấy ghép lỏng lẻo và bào mòn.

Chuẩn bị cuộc mổ

Trước khi thực hiện cuộc mổ, người bệnh sẽ được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm phù hợp. Đối với một số người bệnh có bệnh lý mạn tính sẽ cần thêm nhiều xét nghiệm hơn người khác như đánh giá chức năng tim thông qua siêu âm tim, X quang ngực thẳng hay đo điện tâm đồ…

Người bệnh cũng cần cung cấp toàn bộ tiền sử bệnh lý cũng như các loại thuốc đã và đang sử dụng. Một số trường hợp, trước phẫu thuật, người bệnh sẽ được thực hiện các bài tập tăng cường sức cơ hay giảm cân, bỏ thuốc lá.

Người bệnh và gia đình cũng nên cân nhắc phương thức vận chuyển người bệnh sau mổ hay điều chỉnh kế hoạch công việc phù hợp sau mổ.

Cuộc mổ được diễn ra như thế nào?

Hầu hết các bác sĩ thực hiện phẫu thuật thay khớp háng sẽ sử dụng kết hợp các kỹ thuật gây mê, bao gồm gây mê toàn thân, gây tê tủy sống hoặc tê ngoài màng cứng, hay gây tê cục bộ. Họ sẽ tiêm những chất này vào các mô xung quanh khớp háng.

Cuộc phẫu thuật bắt đầu với một vết rạch da vùng háng, tách các cơ để tiếp cận khớp háng. Sau đó, phẫu thuật viên sẽ loại bỏ phần khớp hư hỏng và cố định dụng cụ nhân tạo vào xương đùi và ổ cối xương chậu. Sau đó, họ sẽ đóng vết rạch da bằng kim bấm hoặc chỉ khâu. Cuối cùng, vết mổ sẽ được che bằng một miếng băng vô trùng.

Cuộc mổ được diễn ra như thế nào

Hậu phẫu và phục hồi sau mổ

Sau khi phẫu thuật thay khớp háng, thông thường, người bệnh sẽ được bổ sung dịch truyền tĩnh mạch và một số thuốc để hỗ trợ quá trình hồi phục. Thời gian phục hồi sẽ khác nhau ở mỗi người. Hầu hết mọi người dành 2-3 ngày trong bệnh viện, thậm chí một số trung tâm hiện cho phép người bệnh xuất viện trong ngày sau phẫu thuật.

Khi xuất viện, người bệnh sẽ nhận được đơn thuốc, bao gồm thuốc giảm đau và thuốc làm loãng máu nhằm giúp ngăn ngừa cục máu đông ở chân.

Phục hồi tại nhà thường bao gồm thực hiện các bài tập để tăng cường sức mạnh cho khớp háng và cải thiện khả năng vận động. Những bài tập này có thể bao gồm các hoạt động đơn giản xung quanh nhà, chẳng hạn như học cách đi bộ hoặc leo cầu thang. Chuyên gia vật lý trị liệu cũng có thể đến hướng dẫn và hỗ trợ tập luyện đến khi người bệnh cảm thấy an toàn và thoải mái khi tự tập. Người bệnh có thể tham khảo thực hiện một số thay đổi đối với môi trường trong nhà, chẳng hạn như lắp đặt tay vịn trong vòi hoa sen hoặc sử dụng bệ ngồi toilet cao.

Hầu hết người bệnh được yêu cầu sử dụng khung tập đi, nạng hoặc gậy chống sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, nhiều người có thể tự đi lại từ 2-3 tuần sau khi phẫu thuật và hầu hết sẽ hồi phục hoàn toàn sau 3-4 tháng. Thực hiện vật lý trị liệu và thực hiện các bài tập tại nhà là rất quan trọng sau khi phẫu thuật thay khớp háng. Mọi người nên thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ để đạt được kết quả tốt nhất có thể sau khi phẫu thuật.

Khi nào cần liên hệ bác sĩ

Các vấn đề về khớp háng có thể có tác động lớn đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống của một người. Người bệnh nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế khi bị đau khớp háng dai dẳng hoặc khó cử động khớp háng. Bác sĩ thường sẽ đề nghị các phương pháp điều trị không phẫu thuật trước khi tiến hành thay khớp háng.

Những người đã thay khớp háng nên đi khám nếu gặp bất kỳ tình huống nào sau đây:

  • Đau khớp háng tăng dần;
  • Sưng hoặc đau bắp chân;
  • Sốt trên 38ºC hoặc ớn lạnh;
  • Chảy dịch từ vết mổ.

Tóm lại

Phẫu thuật thay khớp háng là một phẫu thuật rất phổ biến, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Nó thường cần thiết ở người bệnh bị thoái hóa khớp háng nặng. phẫu thuật có thể làm giảm đáng kể cơn đau của người bệnh và cải thiện khả năng vận động cũng như chất lượng cuộc sống của họ. Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình thường sẽ đề nghị thay khớp háng sau khi thử các phương pháp điều trị khác, bao gồm thuốc uống, tiêm khớp và vật lý trị liệu.

Cần có thời gian để hồi phục hoàn toàn sau khi thay khớp háng và hầu hết mọi người sẽ yêu cầu vật lý trị liệu để giúp khôi phục khả năng đi lại bình thường, khả năng vận động và sức mạnh của khớp.

Xem thêm: BS tư vấn về thay khớp háng (video)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top