1. Nguyên nhân gây đau dây chằng đầu gối
Nguyên nhân đau dây chằng đầu gối chủ yếu là do chấn thương trong khi chơi thể thao (bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, tennis…), do tai nạn giao thông (va chạm xe máy, xe đạp, ôtô…) và do tai nạn sinh hoạt (ngã trượt chân cầu thang, trên sàn nhà…)
Chấn thương trong khi chơi thể thao chiếm tới 70% (chủ yếu là gián tiếp): chân bị xoắn vặn đột ngột trong khi đang chạy, bàn chân bị cố định đột ngột do sa chân xuống hố hoặc bị người khác dẫm vào (đá bóng) hoặc người chơi xoay người chuyển hướng quá nhanh (tennis), hay do nhảy cao rồi rơi xuống tiếp đất trong tư thế chân không thuận hoặc trụ chân không chuẩn (bóng chuyền, bóng rổ).
Cơ chế chấn thương trực tiếp (chiếm 30%) do va chạm trực tiếp vào vùng gối, hay gặp trong tình huống cản hay vào bóng (bóng đá) hoặc do tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt.
Ngoài ra, đau dây chằng đầu gối còn do bị rạn hoặc rách sụn chêm đầu gối: sụn chêm đầu gối chính là phần bọc ngoài cùng của xương chày cũng như ổ khớp gối. Bình thường, mặt lớp sụn chêm này nhẵn, lại có dịch trơn làm giảm ma sát nên xương chày xoay trơn tru trong ổ khớp. Khi bị rách hoặc rạn, bề mặt sụn không còn trơn mà có rãnh vỡ, nên khi chúng ta di chuyển không trơn tru nữa mà còn ma sát mạnh gây đau.
Tình trạng đau dây chằng đầu gối nếu không được điều trị sớm, đúng phương pháp sẽ ảnh hưởng xấu tới khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh. Vì thế cần điều trị sớm khi có triệu chứng đau dây chằng đầu gối.
2. Đau dây chằng đầu gối điều trị thế nào?
Thông thường, khi bị chấn thương hoặc bong gân bạn không nên dùng các loại cao chườm nóng như salonpas … vì nó sẽ làm sưng hơn và đau tăng do dây chằng hoặc cơ bị căng sẽ khó co về trạng thái bình thường.
Lúc này, bạn nên chườm đá lạnh ngay khi bị chấn thương. Nếu đau dây chằng nhẹ thì sẽ tự hồi phục sau 1 – 2 tháng nhưng rất hay bị tái phát, nếu bạn tập luyện phục hồi không đúng cách, sụn chêm có thể bị sưng to và rất khó co về trạng thái bình thường.
Với những tổn thương phức tạp và thời gian kéo dài có thể phải dùng cả phương pháp nội khoa và phẫu thuật để điều trị. Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng và mức độ nặng nhẹ của bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chữa trị phù hợp.
Đau dây chằng đầu gối có thể kéo dài và tái phát nhiều lần nếu bạn không điều trị triệt để bệnh. Vì thế người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ và tránh hoạt động mạnh, sinh hoạt khoa học, phù hợp sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh